Đi tìm nghịch lý của bóng rổ Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 30/9/2008 | 12:00:00 AM
Trong những ngày diễn ra Giải bóng rổ vô địch quốc gia 2008 vừa qua, khi các sân bóng rổ bên ngoài nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP.HCM luôn đầy ắp người chơi thì những dãy ghế bên trong nhà thi đấu lại hết sức vắng lặng. Tại sao có nghịch lý này?
Bóng rổ phong trào thu hút người chơi...
|
Nhìn khán đài vắng lặng, những người yêu bóng rổ bùi ngùi nhớ lại hình ảnh khán giả đông như nêm đến xem những tên tuổi Ma Kiên Hãn, Ninh Khương Lạc... thi đấu trong những trận đấu giữa TP.HCM - CLB Quân đội, TP.HCM - Phòng Không Không Quân... ở các giải bóng rổ vô địch quốc gia vào những thập niên 1980, 1990. Thậm chí, lúc bấy giờ những trận đấu giữa các đội quận 1, quận 5, quận 10 với nhau cũng đủ làm náo động sân Tinh Võ (Q.5). Vậy mà tại giải năm nay, dù ngày kết thúc giải diễn ra vào chủ nhật nhưng chỉ có vài khán giả đến xem. Trong số đó chủ yếu là người nhà các VĐV.
Trong khi đó, các sân bóng rổ bên ngoài nhà thi đấu luôn đông kín người chơi với không khí thật sôi động. Vì sao họ chỉ chơi mà không vào xem các VĐV bóng rổ mạnh nhất của Việt Nam thi đấu?
Để có câu trả lời, chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò bỏ túi từ những người đang chơi bóng ở đây. Kết quả, nhiều người cho biết khi đến sân mới biết giải diễn ra, nhưng bận chơi nên không vào xem. Người thì không hứng thú với các trận đấu của giải.
Lê Văn Bảo Quang - sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định: “Không phải bóng rổ không hấp dẫn, mà chính cách làm quá lạc hậu và không giống ai của các nhà tổ chức đã giết chết giải. Qua thông tin từ báo chí, tôi được biết giải không có đội lên hạng và xuống hạng. Giải toàn quốc mà như vậy thì chán chết!”.
Vậy là đã rõ. Do làm theo kiểu “đến hẹn lại lên” nên BTC không buồn tiếp thị thông tin về giải đến những người yêu bóng rổ. Vì thế cảnh vắng lặng trên khán đài cũng là điều dễ hiểu bởi có ai biết mà đến xem. Còn nhớ vào những thập niên 1980, 1990, dù chưa có khái niệm tiếp thị nhưng các trận bóng rổ vẫn đông do các nhà tổ chức giải luôn có thông tin đến hệ thống trường học.
Và kết quả không chỉ sân đông khán giả mà lượng học sinh tham gia chơi bóng rổ trong trường phổ thông ở các quận 1, 3, 5, 10... khá lớn. Người xem, người chơi đông đảo, bóng rổ nam TP.HCM luôn có mặt trong các trận chung kết giải quốc gia. Còn đội nữ gần như không có đối thủ.
Chính cách làm khô cứng theo kiểu lên lịch sẵn đã làm biến mất một trung tâm bóng rổ lớn nhất nước là TP.HCM. điều này cũng giải thích vì sao tuyển bóng rổ nữ TP.HCM phải mất 15 năm đằng đẵng để tìm lại danh hiệu vô địch quốc gia.
Cách đây vài năm, khi tivi trình chiếu bộ phim Cú nhảy cuối cùng của Hàn Quốc, những người làm bóng rổ cũng đã bỏ qua “cơ hội vàng” để lấy lại sức sống cho bóng rổ. Ngày ấy sự hấp dẫn của bộ phim đã khiến giới trẻ chen chân nhau để chơi bóng rổ ở các mảnh sân trống. Không chỉ vậy, bộ bóng rổ đồ chơi cũng trở thành lựa chọn số 1 của nhiều trẻ em...
Nhưng những người làm bóng rổ ở TP.HCM và cả nước đã bỏ qua cơ hội này. Và hình ảnh buồn của các giải bóng rổ quốc gia những năm gần đây chính là hệ quả của tư duy xơ cứng của những người có trách nhiệm.
(Theo TTO)
Các tin khác
Kỷ lục mới là 2 giờ 03.59 do VĐV chạy đường trường nổi tiếng Haile Gebrselassie 35 tuổi của Ethiopia tự phá KLTG của mình tại giải marathon Berlin ở Đức, vượt KL cũ cũng do anh lập ở giải này năm rồi 27 giây.
Dù chiều 1-10 giải sẽ khai mạc trên sân Thống Nhất, nhưng đội hình chính của tuyển Việt Nam vẫn chưa được HLV Calisto chốt lại sau hai buổi tập lắp ráp đội hình chiến thuật.
Cú đánh đầu siêu hạng của Ronaldinho đã giúp AC Milan giành thắng lợi 1-0 trước Inter Milan, đây là trận thua đầu tiên của nhà ĐKVĐ dưới thời tân HLV Jose Mourinho.
Chiều 27-9, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có buổi tập kín thứ hai trên sân Thống Nhất để lắp ráp đội hình chiến thuật.