Tiền đạo ngoại ở V-League: Dao hai lưỡi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2009 | 12:00:00 AM

Với 35 bàn thắng ghi được từ đầu giải đến nay, các tiền đạo ngoại tiếp tục thống trị V-League 2009. Bởi các tiền đạo nội mới chỉ có 9 bàn thắng.

Tiền đạo Almeida hai năm liên tiếp dẫn đầu giải vua phá lưới tại V-League.
Tiền đạo Almeida hai năm liên tiếp dẫn đầu giải vua phá lưới tại V-League.

Theo thống kê, những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất sau 5 vòng đấu của V-League 2009 đều là các chân sút ngoại như Timothy (Đồng Tháp), Jonathan (K.Khánh Hòa), William (XMCT.Thanh Hóa), Amaobi (GM.Nam Định), Evaldo (HA.GL), Leandro (Hải Phòng), Lazaro (QK4), Nyom Nyom (Thể Công). Chỉ duy nhất tiền đạo Ngọc Anh (SLNA) là nội binh duy nhất ghi được hai bàn thắng từ đầu giải đến giờ.

Tiền đạo ngoại lấn át

Đây là vấn đề không mới, bởi nó thường xuyên trở thành đề tài gây tranh cãi trong các cuộc họp, hội nghị của BTC V-League giữa các HLV. Thế nhưng, nói như một HLV có tiếng trong làng bóng đá Việt Nam thì “đó là chuyện không thể thay đổi”.

Điều chúng tôi muốn nêu lên là định hướng của Liên đoàn, của BTC V-League trong việc định hướng và phát triển nền bóng đá Việt Nam. Bởi thực tế nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả mà bóng đá Việt Nam sẽ là nạn nhân.

Theo HLV Lê Thụy Hải: “Tất cả chỉ vì thành tích. Một trung vệ sẽ rất khó kèm một tiền đạo ngoại nhưng lại có thể hóa giải dễ dàng một tiền đạo nội, dù đó là Công Vinh. Tôi cũng thường xuyên nêu ra trong các cuộc họp với Liên đoàn nhưng chẳng thấy có thay đổi gì. Việc nhập tịch tràn lan ngoại binh làm vị trí các cầu thủ nội càng bị thu hẹp lại. Đơn cử, mùa giải này có đội bóng tung ra sân đến 5 cầu thủ ngoại (trong đó có khoảng 2 cầu thủ đã nhập tịch Việt Nam), như vậy trừ thủ môn thì chỉ còn 5 vị trí là cầu thủ Việt Nam. Các CLB cần thành tích, cần chiến thắng, cần khán giả đến sân. Mà cầu thủ ngoại nói chung sang Việt Nam thật ra cũng chẳng nổi tiếng gì. Như Almeida làm gì biết đá bóng, nhưng giờ lại trở thành cầu thủ có giá trị cao. Tôi nghĩ vấn đề này cần được Liên đoàn nhìn nhận một cách nghiêm túc. Không nên lý luận mà hãy nhìn vào thực tế và thực tế là hiện rất hiếm tiền đạo nội giỏi”.

Tiền đạo Lê Công Vinh từng được T&T Hà Nội tậu về với giá hơn 7 tỷ đồng nhưng hiện tại anh vẫn nằm trong nhóm cầu thủ ghi được 1 bàn thắng, dù V-League đã đến vòng thi đấu thứ 6 vào ngày 22-3 này.

Giải thích vấn đề vì sao tiền đạo nội ghi bàn quá kém, HLV Trần Công Minh lý giải: “Khi xếp đội hình ra sân thi đấu, HLV sẽ nhìn nhận tiền đạo ngoại chắc chắn nhỉnh hơn hậu vệ nội. Nếu đối phương dùng hậu vệ nội mà mình dùng tiền đạo ngoại thì sẽ dễ ghi bàn và giành chiến thắng. Đó là cách đánh giá đối thủ để đạt mục đích cuối là 3 điểm”.

Việc chạy theo thành tích không chỉ xảy ra ở môn bóng đá mà còn ở nhiều môn thể thao khác. Người ta lý giải, để nuôi một đội bóng thi đấu ở V-League phải tiêu tốn gần 20 tỷ đồng/mùa đối với một đội thường thường. Giàu hơn nữa thì khoảng 30 tỷ. Nhưng nếu rớt hạng và phải tìm đường thăng hạng mùa sau thì phải mất thêm ít nhất vài chục tỷ nữa, mà chưa chắc gì đã lên được. Vậy thì thà bỏ ra vài trăm nghìn USD để kiếm về vài tiền đạo ngoại để khỏi phải lo chuyện ghi bàn.

Chính suy nghĩ ấy đã khiến hầu hết các CLB tại Việt Nam chỉ giải quyết cho ổn thỏa chuyện trước mắt, còn chuyện tương lai bóng đá Việt Nam đi về đâu cứ để Liên đoàn… lo.

Con dao 2 lưỡi

“Người ta cho là đưa nhiều ngoại binh vào sân thì cầu thủ nội sẽ học được nhiều thứ thế nhưng xin thưa, học gì không thấy, chỉ thấy nội binh ngày càng kém đi vì làm gì có cơ hội ra sân. Giờ lại thêm chuyện nhập tịch tràn lan, cơ hội cho cầu thủ trẻ càng không có. Hiện nay, có rất nhiều trung tâm đào tạo trẻ như HA.GL, Nam Định và sắp tới có Thể Công… họ đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng lực lượng kế thừa nhưng đến lúc khoác áo CLB thì chỉ thấy ngoại binh ra sân còn các em thì cứ dự bị dài dài. Thử hỏi, có buồn không khi mình đổ tiền, công sức ra để đào tạo trẻ nhưng các em lại không có cơ hội thi đấu”.

Ông Hải cho rằng, xu hướng này sẽ dần làm bóng đá Việt Nam kém đi. Cầu thủ trẻ thiếu cơ hội ra sân, ngồi dự bị mãi thì sẽ chán, bỏ nghề hoặc bị mai một đi. Điều đó càng nguy hiểm hơn khi chính những người làm bóng đá Việt Nam cũng sẽ mất đi cơ hội phát hiện những tài năng bóng đá.

Trong khi đó, HLV Trần Công Minh lại phân vân giữa thực tế và tương lai: “Ai cũng biết và hiểu rằng khi đưa tiền đạo ngoại vào sân thi đấu, nghĩa là cơ hội cho cầu thủ nội thi đấu ít đi. Nhưng nếu nói xu hướng này kiềm chế sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì thật sự bây giờ vẫn chưa thể nói được gì mà phải chờ, thời gian sẽ cho ta câu trả lời”.

Hiện nay, bóng đá Việt Nam không thiếu tiền đạo nội giỏi như Công Vinh, Văn Quyến, Quang Hải, Việt Thắng, Tăng Tuấn... nhưng các tiền đạo ngoại vẫn lấn át và được các HLV tin dùng tuyệt đối. Tần suất ra sân gần như là 100% vì khả năng thi đấu, sức chịu đựng của họ tốt hơn rất nhiều so với tiền đạo nội.

Tuy nhiên, nếu muốn tránh đi mặt trái của nó thì ít ra, cũng nên xen kẽ một ngoại – một nội, vừa tạo điều kiện ra sân cho cầu thủ trẻ Việt Nam, vừa để cầu thủ học hỏi kinh nghiệm thi đấu. Điển hình như HA.GL với cặp tiền đạo Evaldo – Thanh Bình hoặc Jonathan – Quang Hải của K.Khánh Hòa…

(Theo TNO)

Các tin khác
Man City (xanh) là đại diện duy nhất của bóng đá Anh ở Cup UEFA.

Không thể phát huy lợi thế có được ở lượt đi, gã nhà giàu mới nổi của Ngoại hạng Anh phải nhờ đến loạt penalty may rủi mới vượt qua chủ nhà AaB Aalborg trong trận quyết định ở vòng 16 đội tối qua, để giành quyền vào tứ kết.

Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Bình Định, đồng thời vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng.

Trật tự trên bảng xếp hạng đã có sự biến động khi Bình Định hoán đổi vị trí nhất bảng của Tây Ninh, cùng 10 điểm nhưng hơn hiệu số bàn thắng-bại. Điều đáng chú ý, xếp sau 2 đội này là nhóm đông bám đuổi với khoảng cách mong manh chỉ từ 2-3 điểm.

Beckham (trái) và Perez sẽ một lần nữa ngồi vào bàn và ký hợp đồng như năm 2003?

Một phi vụ gây sốc có thể nổ ra trên thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay, nếu "bố già" Florentino Perez trở lại cương vị Chủ tịch đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha.

FIFA yêu cầu sức chứa tối thiểu của các sân là 40.000 chỗ ngồi.

Đêm 17/3, FIFA thông báo, có 11 ứng viên chính thức chạy đua xin đăng cai World Cup 2018 hoặc 2022, trong đó châu Á chiếm lực lượng đông đảo nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục