Trái tim Yên Bái hướng về Đại lễ
- Cập nhật: Thứ tư, 15/9/2010 | 9:15:47 AM
YBĐT - Với tinh thần cả nước hướng về Hà Nội, Nghĩa Lộ đã tưng bừng chuẩn bị cho cuộc “mang chuông đi đấm xứ người” mà lại là xứ kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Biểu diễn võ cổ truyền Nhất Nam theo biểu tượng Trống đồng của đoàn võ sinh thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tại Chương trình Liên hoan Nghệ thuật "Dấu ấn ngàn năm".
|
Tháng văn hóa chào mừng Đại lễ quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã mở đầu bằng Chương trình Liên hoan nghệ thuật “Dấu ấn ngàn năm” do Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ngày 11/9/2010 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
Cảnh tượng hơn 1.400 võ sinh môn phái cổ truyền dân tộc Nhất Nam của nhiều địa phương, trong đó có 200 học sinh đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái với những tiếng hét vang dậy trong màn đồng diễn “Khí phách Thăng Long”... đã làm rung động con tim người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế chứng kiến buổi lễ...
Có mặt từ mờ sáng tại trước cửa sân khấu, các võ sinh Nhất Nam cơ nào đội nấy chỉnh tề chờ lệnh. Sau cơn mưa thu, trời Hà Nội như xanh hơn. Mở đầu phần đồng diễn võ thuật “Khí phách Thăng Long” là phát biểu của Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Đức Dương - Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á: “Võ Nhất Nam là một trong số rất ít bộ môn võ thuật thuần Việt, ra đời trên dải đất tối cổ Châu Ái, Châu Hoan từ ngàn năm trước. Trong cuộc tấn công giải phóng thành Thăng Long của vua Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, đạo quân tinh nhuệ người Thanh Nghệ là liệt tổ, liệt tông của môn phái này đã tận trung báo quốc, nằm lại nơi sa trường… Hôm nay là sự trở lại của hậu duệ các chiến binh quả cảm đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa lịch sử”.
Tiếp theo, nghệ nhân Lê Bảo - cháu trực hệ 12 đời của vua Lê Lợi - đã đọc chúc văn và chỉ huy dàn cồng chiêng cổ gióng lên những tiếng trầm hùng mời gọi tổ tiên anh linh hiện về chứng cho ngày hội của thần khí dân tộc. Sau đó, màn trình diễn của môn phái đã diễn ra công phu, hoành tráng với hơn 1.000 người tham gia ở các nội dung: “Khung vận công”, “Khởi quyền chân lực”, “Hổ quyền”, “Dưỡng sinh”…
Tiết mục võ thuật mô hình “Trống đồng dựng nước” của 200 học sinh thị xã Nghĩa Lộ gồm ba lớp. Ngoài cùng là lớp múa đao kiếm, tiếp đến lớp đi quyền. Thầy Đào Hoàng Long - Huấn luyện viên trưởng môn phái Nhất Nam tại Yên Bái đứng trung tâm, xoay tít những đường côn như vũ bão.
Đoàn 200 võ sinh Nhất Nam thị xã Nghĩa Lộ biểu diễn võ "Khí phách Thăng Long".
Màn đồng diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dậy của đông đảo khán giả. Kết thúc buổi biểu diễn, ông Trần Mạnh Hà - thành viên Ban Tổ chức chương trình nhận xét: “Đây là một chương trình biểu điễn võ thuật có chất lượng chuyên môn cao và hoành tráng. Việc một môn phái đứng ra đảm nhiệm toàn bộ các khâu từ dàn dựng chương trình đến lo hậu cần, phương tiện, huy động được số lượng lớn môn sinh đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố tham gia quả rất đáng khâm phục!”.
Gặp Đoàn Yên Bái tại Nhà khách 99 Lê Duẩn của Bộ Tư lệnh Thủ đô, anh Hà Cao Đài - cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ, Trưởng đoàn cho biết: “Nhận được công văn của lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam - Việt Nam về việc mời 200 học sinh của Nghĩa Lộ tham gia đồng diễn võ thuật chào mừng Đại lễ, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã trực tiếp chỉ đạo thị xã Nghĩa Lộ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em học sinh được tham gia chương trình. Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh cũng có công văn yêu cầu Phòng xây dựng kế hoạch chi tiết, từ tổ chức chương trình đến đưa đoàn về Hà Nội biểu diễn võ thuật bảo đảm an toàn và đạt kết quả tốt”.
Được biết, hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động, từ năm học 2008 - 2009, Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã mạnh dạn đi đầu trong việc đưa võ thuật Nhất Nam vào giảng dạy tại tất cả các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn để nâng cao thể chất, tạo hứng thú học tập cho học sinh và qua đó giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa cho các em.
Sau hơn một năm triển khai, phong trào học sinh tập luyện võ thuật Nhất Nam tại Nghĩa Lộ đã phát triển rất mạnh mẽ với tổng số môn sinh khoảng 4.000 em. Thị xã đã trở thành điểm sáng văn hóa, thu hút sự quan tâm, đồng tình của dư luận cả nước.
Hè vừa qua, đã có nhiều đoàn cựu chiến binh, người cao tuổi, hội khoa học, di sản văn hóa, các cơ quan báo chí và Đại sứ quán Lào, hội võ thuật các địa phương trong cả nước đến với Nghĩa Lộ để tìm hiểu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc đưa võ thuật dân tộc vào nhà trường dạy cho học sinh. Đã có nhiều suất quà được trao cho học sinh nghèo ham học, động viên các em tiếp tục góp sức bảo tồn di sản văn hóa quý báu của tổ tiên.
Trước sự lớn mạnh của võ Nhất Nam tại Yên Bái nên sau khi Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội có công văn đề nghị phối hợp tổ chức chương trình “Dấu ấn nghìn năm”, Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam - Việt Nam đã giao cho họ đảm nhiệm tiết mục biểu diễn của 200 võ sinh. Với tinh thần cả nước hướng về Hà Nội, Nghĩa Lộ đã tưng bừng chuẩn bị cho cuộc “mang chuông đi đấm xứ người” mà lại là xứ kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Thầy Đào Hoàng Long khẳng định: “Nhờ có sự đồng tình, quan tâm và chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Yên Bái và ngành giáo dục, đặc biệt là của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh nên chúng tôi đã nêu cao quyết tâm chuẩn bị những tiết mục đặc sắc nhất để biểu diễn phục vụ Đại lễ. Chúng tôi rất vinh dự được đại diện cho Yên Bái đóng góp một phần nhỏ công sức vào thành công của sự kiện trọng đại này. Đồng thời đây cũng là lời tri ân trở lại đối với lãnh đạo địa phương với sự quan tâm, tạo điều kiện cho võ Nhất Nam phát triển trong suốt 23 năm qua”.
Gần đến ngày lên đường, điều làm các thầy, cô giáo thị xã Nghĩa Lộ trăn trở nhất đó là chuyện kinh phí để đưa đoàn vượt gần 300 km xuống Hà Nội, rồi nơi ăn, chốn nghỉ, sinh hoạt của 200 học sinh và 20 thầy, cô dẫn đoàn đi.
Cô Trịnh Thị Hương - Hiệu phó Trường THCS Lê Hồng Phong tâm sự: “Chúng tôi rất lo lắng! Biết rằng việc học sinh Nghĩa Lộ được cống hiến cho Đại lễ nghìn năm là vinh dự, tự hào chỉ có một lần và cũng là dịp đưa hình ảnh Yên Bái đến với cả nước, với khách quốc tế nhưng tiềm lực của chúng tôi thực sự không đáp ứng được. Cuối cùng, nhờ sự chung tay, góp sức của cộng đồng nên đoàn học sinh thị xã Nghĩa Lộ đã có mặt tại Hà Nội và cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cô Trần Thị Xuân - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: “Việc thuê xe ô tô chở đoàn, bố trí nơi ăn chốn nghỉ thì ngoài kinh phí của địa phương, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ quý báu của các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức tại Hà Nội. Trong đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã giúp đoàn về nơi ở, Thành hội Đông y Hà Nội giúp chăm sóc y tế và nhà báo Nguyễn Thu Trang - phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đứng ra lo kinh phí ăn uống cho đoàn”.
Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thu Thủy bộc bạch: “Các em học sinh dân tộc vùng cao đã vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn để mang võ Nhất Nam về Thủ đô phục vụ Đại lễ thì sao chúng ta không xắn tay cùng hỗ trợ các bé? Các cháu được về Thủ đô nhân dịp trọng đại này sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời chúng, nghĩ vậy tôi sẵn lòng chia sẻ khó khăn với các thầy cô và các cháu”.
Còn chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ: “Tôi nghĩ, môn phái Nhất Nam biểu diễn trong Đại lễ không phải chuyện riêng của môn phái ấy mà còn là một hoạt động vì xã hội. Mặt khác, võ Nhất Nam chẳng phải của cá nhân người nào, đó chính là một tài sản tinh thần của dân tộc ta từ bao đời nay nên việc xã hội chung tay gánh vác, chia sẻ khó khăn với những người trong cuộc cũng là việc làm cho chính mình”.
Đánh giá kết quả cuộc đồng diễn võ thuật “Khí phách Thăng Long”, Giáo sư Viện sỹ - Võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính đã phân tích với các học trò: “Thành công này trước hết thuộc về xã hội chứ không phải của riêng môn sinh Nhất Nam. Võ Nhất Nam đã sinh ra trong lòng dân tộc và nay nó đã trở về để phục vụ dân tộc sau hàng thế kỷ bị chìm lấp trong trầm tích thời gian. Xã hội đã nhận ra tài sản của mình nên việc vun đắp, gìn giữ cho muôn đời sau báu vật của cha ông là trách nhiệm chung của xã hội. Chúng ta hãy làm vai trò của người “thủ kho nhân dân” để “bảo quản” thật tốt khối tài sản vô giá này!”.
Tại quảng trường diễn ra buổi lễ, những tiếng cồng chiêng, tiếng trống đồng ngàn năm ngân lên từ tay lão nghệ nhân Lê Bảo và dàn trống trận. Âm khúc trầm hùng vang dội tâm thức, tiếng hét cùng lúc của cả ngàn người… như lời mời gọi của hậu sinh với tiền nhân thuở dựng nước. Cảm giác của tôi khi ấy thật rõ, hào khí Đông A, tinh thần “Sát Thát” từ cõi thiêng đã vọng về chan chứa lồng ngực, con tim bao người.
Thần khí dân tộc đã bừng lên, soi tỏ vận nước, đường đi đến tương lai của dân tộc thênh thang trước mắt...
Đào Trung Hiếu
Các tin khác
Rạng sáng 15-9, đã diễn ra lượt trận đầu tiên vòng bảng Champions League 2010-2011. Tại bảng D, trên sân nhà Nou Camp, Barcelona giành chiến thắng đậm đà 5 - 1 trước đội bóng đến từ Hy Lạp Panathinaikos.
Sau bốn ngày thi đấu, giải đã xác định tám đội bóng giành quyền vào tứ kết gồm: Kazakhstan, Việt Nam (bảng A), Nhật, Indonesia (bảng B), Thái Lan, Đài Loan (bảng C), Trung Quốc, Hàn Quốc (bảng D).
Hàn Quốc đi vào lịch sử bóng đá châu Á khi là quốc gia đầu tiên có tới bốn đại diện ở vòng tứ kết Asian Champions League (ACL) diễn ra trong tuần này.
Với chiến thắng chung cuộc 6-4, 5-7, 6-4, 6-2 trong trận chung kết Giải Quần vợt Mỹ mở rộng tại New York sáng nay, 14-9, Rafael Nadal, tay vợt 24 tuổi người Tây Ban Nha đã đánh bại tay vợt người Serbia Novak Djokovic để giành chiếc cúp vô địch sau 2 năm vuột mất cơ hội cũng tại giải này.