Vòng tứ kết Copa America 2011 - Đại gia và tiểu tốt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2011 | 2:07:13 PM

Trong lúc Venezuela say sưa với vai trò “kẻ không mời mà đến” ở tứ kết thì Argentina, Uruguay và Brazil - những đại diện duy nhất của Nam Mỹ từng nếm trải vinh quang World Cup - sẽ phải chứng tỏ là những đại gia vẫn còn thống trị sân chơi châu lục.

Tiền đạo Nelson Haedo (giữa) gây khó dễ cho hàng phòng thủ Brazil ở vòng bảng.
Tiền đạo Nelson Haedo (giữa) gây khó dễ cho hàng phòng thủ Brazil ở vòng bảng.

Sau 2 lượt đấu đầu tiên, người ta ngạc nhiên khi thấy chủ nhà Argentina, đương kim vô địch Brazil lẫn “ông lớn” Uruguay đều không tìm thấy chiến thắng - tưởng chừng như Copa America thứ 43 này “tam đại gia” có thể đối mặt với thách thức từ những thế lực mới nổi như Chilê, Colombia và cả chú ngựa ô bất đắc dĩ như Venezuela…

Nhưng Argentina, Uruguay và Brazil quả là vẫn còn đầy thần khí để vượt lên trong thời khắc quyết định. Tam đại gia Nam Mỹ đã tìm lại chính mình khi giành chiến thắng ở lượt trận cuối để hất văng các đối thủ và giành suất vào tứ kết đúng như dự báo.

Tuy nhiên, khi các đại gia đến muộn, 5 đại diện khác của vòng tứ kết đã có cơ hội khẳng định mình cũng như chứng tỏ là khoảng cách giữa đại gia và tiểu tốt ở Copa này là rất nhỏ, và không loại trừ bất ngờ sẽ tiếp tục bùng nổ trong những ngày tới.

Tiểu tốt đáng nể nhất của Copa kỳ này chắc chắn là Venezuela, đội lần đầu tiên vào được từ kết trong một giải mà họ không đăng cai. Venezuela đã gây sốc bằng trận hòa Brazil đầu giải và kết thúc bằng cuộc lội ngược dòng trong 4 phút cuối khi bị Paraguay dẫn trước 3-1. Có lẽ chính tinh thần thi đấu quật cường và lối chơi liều lĩnh của Venezuela đã khiến Brazil lảng tránh họ để chọn gặp Paraguay ở tứ kết. Nếu Brazil hòa Ecuador với tỷ số thấp (1-1 hoặc 2-2) họ sẽ đứng thứ 3 bảng B và sẽ gặp Venezuela ở tứ kết. Nhưng Brazil đã quyết thắng Ecuador 4-2 để có cơ hội gặp lại Paraguay, đối thủ mà họ suýt thua trong vòng bảng.

Một tiểu tốt khác xuất hiện ở vòng knock-out này chính là Peru. Đội bóng xếp hạng 49 trong bảng xếp hạng của FIFA này đã 6 lần liên tiếp vào tứ kết nhưng chỉ vào đến đấy rồi… thôi! Lần này, họ lại vượt qua vòng bảng với vai trò đội hạng 3 bảng C, mà chủ yếu là nhờ khách mời Mexico gặp nạn (vừa mất quân vừa xáo trộn đội hình). Nhưng cũng giống như Venezuela phải đụng Chilê, Peru khó mà tiến xa hơn khi gặp phải đối thủ đang lên chân như Colombia.

Argentina quyết chiến Uruguay

Với những màn trình diễn lạc quan của Colombia và Chilê, người ta dự báo những tên tuổi lớn sẽ chẳng đảm bảo được gì trong một chiến dịch đầy biến động như thế này. Nói chi cho xa, một trong số Tam đại gia sẽ không vượt qua vòng này để vào bán kết khi Argentina đối mặt với Uruguay vào thứ Bảy ở Santa Fe.

Với Lionel Messi đã phát huy sức mạnh trong hệ thống của Argentina, đội chủ nhà có đủ tiềm lực để tiến xa, bất kể Uruguay vốn vẫn thường là viên đá tảng ngáng đường người láng giềng danh tiếng. Argentina và Uruguay cùng giữ kỷ lục thắng Copa 14 lần. Và dù Argentina thắng giải 6 trong 8 lần họ đăng cai, thì chẳng ai quên Uruguay từng đăng quang đến 2 lần trên đất Argentina. Lần đầu tiên Uruguay thành công cũng là lần giải đầu tiên năm 1916; lần sau đó Uruguay lại thắng là khi Argentina trượt ngã vào năm 1987.

Copa giờ mới bắt đầu!

Những màn trình diễn nhạt nhòa, những trận cầu không hứng thú đã qua, Copa giờ bước vào giai đoạn khốc liệt khi những gã khổng lồ lẫn những ứng viên phải dốc toàn lực vào cuộc chiến. HLV Oscar Tabarez của Uruguay hiểu được điều gì đang chờ đón đội mình: “Argentina là một rào cản quá khó với chúng tôi”. Ông hiểu rõ bóng đá Argentina như lòng bàn tay khi từng dẫn dắt đội bóng danh tiếng Boca Juniors. “Đây là lúc giải thực sự bắt đầu theo cách nghiêm chỉnh nhất, còn chúng tôi sẽ phải chơi một trận sống mái với Argentina”.

HLV Carlos Batista không có thời gian bàn về đối thủ bởi vì ông bận bác bỏ lập luận của báo giới, cho rằng ông sao chép lối chơi của Barcelona: “Tôi không sao chép Barcelona, mà cũng không nhờ Guardiola chỉ bảo”. Đúng là Argentina hơi khác so với Barcelona, bởi Messi thay vì sắm vai ghi bàn (53 bàn cho Barca mùa qua) lại chơi vai kiến tạo bàn thắng. Nhưng bất kể Messi sắm vai trò gì, chỉ cần anh “nóng máy”, diện mạo cuộc chiến sẽ khác, rất khác!

Cuộc chiến tất nhiên sẽ khác khi Brazil gặp lại Paraguay, đối thủ mà họ phải chờ đến bàn thắng phút cuối của tiền đạo dự bị Fred để giành kết quả hòa tại Cordoba cách đây 1 tuần.

Sự khác biệt nằm ở chỗ bây giờ tinh thần Brazil đã khác, họ đã tìm được chiến thắng rầm rộ 4-2 trước Ecuador; họ vào tứ kết bằng ngôi đầu bảng và nhất là khi 2 chân sút chủ lực Neymar và Pato đều ghi được cú đúp. Chính tiền đạo Pato đã lên tiếng cảnh báo Paraguay: “Đây mới là nơi Copa thực sự bắt đầu”.

(Theo SGGP)

Các tin khác
HLV Falko Götz triệu tập 24 tuyển thủ cho lượt trận thứ hai của vòng loại World Cup 2014.

Chiều 14-7, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – VFF đã trình Tổng cục Thể dục Thể thao phê duyệt quyết định tập trung 24 cầu thủ để chuẩn bị làm nhiệm vụ tại vòng đấu loại thứ hai World Cup 2014.

Thua 1 – 3 ở trận cuối vòng bảng, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ gặp ứng cử viên hàng đầu ngôi vô địch là đội sinh viên Nhật Bản ở bán kết.

Lee Jung Woo đã không thể giúp Hàn Quốc A vào chung kết.

Tối 14-7, bất ngờ đã đến ở trận bán kết đồng đội nam khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đả bại đội Hàn Quốc A với tỉ số 3-1 để góp mặt ở trận chung kết với Hàn Quốc B.

Các cô gái Nhật ăn mừng chiến thắng trước Thụy Điển

Câu chuyện cổ tích của các cô gái Nhật tại World Cup bóng đá nữ 2011 được viết tiếp, khi họ hạ Thụy Điển 3-1 trong trận bán kết diễn ra rạng sáng 14/7 (giờ Việt Nam) để lần đầu tiên trong lịch sử có mặt ở trận chung kết gặp tuyển Mỹ - đội giành chiến thắng 3-1 trước Pháp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục