Bóng đá Việt Nam bắt tay ngay vào cải tổ
- Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2011 | 2:24:16 PM
Ngay sau thất bại tại SEA Games 26, ngày 23/11 ban trù bị thành lập VPF đã thông qua một số quyết định quan trọng: giảm số cầu thủ ngoại đăng ký mỗi mùa của các CLB xuống còn ba người từ năm 2013 và tăng cường nguồn lực từ cầu thủ gốc Việt.
Các thành viên ban trù bị thành lập VPF bàn về cải tổ bóng đá Việt Nam sau thất bại tại SEA Games 26.
|
Phiên họp ngày 22/11 tại Hà Nội ban đầu có mục đích chính là chuẩn bị cho việc thành lập VPF vốn đang bị chậm lại so với dự kiến. Tuy nhiên, thất bại của U23 Việt Nam - đồng nghĩa với việc trình độ bóng đá trẻ của Việt Nam đang đi xuống và cách làm bóng đá trẻ của Việt Nam đang bị lạc hậu so với khu vực - đã khiến trọng tâm phiên họp thay đổi. Song song với những bàn thảo về VPF, việc mổ xẻ thất bại của thày trò ông Goetz đã được đưa ra như một trong những vấn đề chính.
Góp mặt tại phiên họp, các Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn và ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã lập tức đưa ra một số quyết định có tính chiến lược nhằm cải thiện tình hình và "cởi trói" cho bóng đá trẻ trong nước càng nhanh càng tốt.
Quyết định đầu tiên được đưa ra là hạn chế số cầu thủ ngoại ở các CLB. Cụ thể, từ năm 2013, mỗi CLB ở V-League (ngoại hạng) chỉ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại và mỗi trận được đưa vào đội hình thi đấu 2 người. Các đội hạng Nhất không được dùng cầu thủ ngoại.
Hành động này của lãnh đạo bóng đá Việt Nam sẽ khép lại cánh cửa đối với làn sóng các cầu thủ ngoại đang ồ ạt đến Việt Nam để tìm nơi kiếm sống. Tuy nhiên, với lượng các cầu thủ nhập tịch ở Việt Nam hiện đã khá đông, cộng với việc để tới năm 2013 mới áp dụng quyết định này, dự báo sẽ có một cuộc chạy đua với thời gian để nhập tịch cầu thủ tại một nhóm các CLB "đại gia" V-League trong thời gian tới. Thậm chí, không siết chặt việc nhập tịch thì đây vẫn là cánh cửa để các CLB lách luật. Nếu điều này xảy ra, thì rất có thể những quyết định có tính định hướng này sẽ không đem lại hiệu quả trong thực tế.
Trong bối cảnh xu hướng dùng cầu thủ ngoại kiều đang ngày càng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, một quan điểm mở hơn đã đến với những người cầm trịch bóng đá Việt Nam sau SEA Games 26. Cụ thể, phiên họp ngày hôm qua cua ban trù bị cũng quyết định tăng cường thu hút nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam với hơn ba triệu công dân đang sinh sống khắp thế giới quay về phục vụ bóng đá Việt Nam. Bên cạnh một số ưu đãi, ngay từ đầu mùa giải 2012, các cầu thủ gốc Việt Nam (có bố hoặc mẹ là người Việt) sẽ được ra sân đấu như cầu thủ nội.
Về vấn nạn treo thưởng không có tác dụng cổ động tinh thần trực tiếp mà phá hỏng động cơ thi đấu trong sáng được coi là chuyện không thể kiếm soát được trong thời gian qua của bóng đá Việt Nam, nay được các thành viên ban trù bị đề xuất sẽ đưa ra những quy định cụ thể, chặt chẽ. Có thành viên gợi ý các CLB tham gia hệ thống giải đấu phải công bố mức thưởng trước ngày khai mạc giải hai tuần với con số dự kiến không quá 500 triệu đồng.
Liên quan tới tiến trình thành lập Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam, do quyết định thành lập công ty vẫn chưa được ký nên Đại hội cổ động dự kiên được tổ chức vào ngày 24/11 đã được lùi lại đến đầu tháng 12. Dự kiến ngày 26/11 sẽ có giấy phép thành lập công ty. Ngày 29/11, tất cả đại diện các CLB sẽ được mời ra Hà Nội để ký vào điều lệ công ty, cũng như họp bàn với ban trù bị việc chuẩn bị cho công ty ra đời cũng như các vấn đề liên quan đến nhân sự. |
Các tin khác
Rạng sáng nay, 23-11, đã diễn ra lượt trận thứ 5 tại các bảng A, B, C và D - Champions League 2011-2012. Qua đó, xác định thêm hai đội Bayern Munich và Inter Milan chính thức giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp.
Sau 11 ngày tranh tài, đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc kết thúc SEA Games 25 ở vị trí 3 trên bảng tổng sắp, với 96 huy chương vàng (HCV), 92 huy chương bạc (HCB) và 101 huy chương đồng (HCĐ).
Điểm những cầu thủ đá chính ở cả ba tuyến của U23 Việt Nam, hàng tiền vệ có Trọng Hoàng, Thành Lương, đều đang thuộc biên chế ĐTQG, từng thi đấu ở SEA Games 25.
Hai người chết, hàng trăm người, đa phần là phụ nữ và trẻ em dược sơ tán khỏi khán đài để tránh bị ngộp thở hoặc dẫm đạp. Cơn cuồng của người Indonesia đã biến chảo lửa Gelora Bung Karno thành một đêm hãi hùng.