Người gieo mầm võ Nhất Nam lên núi

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:26:34 PM

YBĐT - Đó chính là thầy giáo, võ sư Đào Hoàng Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ võ Nhất Nam thị xã Nghĩa Lộ, người đang từng ngày gieo mầm di sản võ học Nhất Nam - võ của người Việt nơi mảnh đất núi miền Tây.

Võ sư Đào Hoàng Long thi đấu giao hữu với võ sĩ nước ngoài.
Võ sư Đào Hoàng Long thi đấu giao hữu với võ sĩ nước ngoài.

Đam mê võ học của người Việt, là một trong những học trò xuất sắc của Giáo sư, Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm nghệ thuật Liên bang Nga, võ sư chưởng môn phái Nhất Nam Ngô Xuân Bính, khát khao được truyền dạy cho thế hệ sau tinh hoa võ thuật của tổ tiên Lạc Hồng, từng bỏ biết bao công sức của cải để có thể phổ biến võ thuật đến các thế hệ võ sinh ở miền ban trắng... đó chính là thầy giáo, võ sư  Đào Hoàng Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ võ Nhất Nam thị xã Nghĩa Lộ, người đang từng ngày gieo mầm di sản võ học Nhất Nam - võ của người Việt nơi mảnh đất núi miền Tây.

Tiếp bước gìn giữ tinh hoa
võ học Việt

Nếu ai lần đầu gặp Đào Hoàng Long sẽ chỉ có ấn tượng anh như một giáo viên thân thiện với phong thái có gì đó nhẹ nhàng giống một thi sĩ hơn là một võ sư. Hơn 20 năm trước, khi đang theo học tại Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương, anh sinh viên Đào Hoàng Long vốn đã từng theo học không ít môn phái võ khác nhau nhưng đến khi chứng kiến những đường quyền, ngọn cước biến hóa, uyển chuyển trong nhu có cương của Nhất Nam, môn võ được người Việt sáng chế, đúc kết từ bao đời do thầy giáo Ngô Xuân Bính (lúc đó đang là giảng viên Lý luận hội họa của trường) thực hiện, anh mới thật sự bị chinh phục bởi môn võ thuật này.

Hơn 3 năm theo học thầy là từng đấy năm ngày nào cũng như ngày nào, chàng trai trẻ Hoàng Long cùng các bạn đồng môn theo thầy từ Hà Đông lên sân vận động Quần Ngựa (Hà Nội) luyện tập. Cứ như thế, Nhất Nam trở thành một phần máu thịt không thể thiếu của cuộc đời anh. Tốt nghiệp trở về quê hương Nghĩa Lộ, Hoàng Long mang theo cả lời dạy của giáo sư Ngô Xuân Bính rằng phải cố gắng phát triển môn phái để gìn giữ di sản võ học của ông cha ta để lại.

Đinh ninh lời dạy của thầy, từ năm 1987 đến nay, Đào Hoàng Long vẫn miệt mài gây dựng phong trào tập võ cổ truyền ở thị xã miền Tây Yên Bái. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, thị xã Nghĩa Lộ còn chồng chất khó khăn nhưng lúc ấy vẫn có không ít lò võ mọc lên, trong đó có lò võ Nhất Nam của Đào Hoàng Long.

Ban đầu chỉ là dạy cho anh em trong nhà, rồi tiếng lành đồn xa, không ít học trò tìm đến theo học. Thời gian đầu dù cuộc sống không dư giả gì nhưng với lòng đam mê võ thuật, khát khao được truyền dạy cho người dân Mường Lò những tinh túy võ học của cha ông, Đào Hoàng Long đã bỏ công sức, tiền của ra san nền làm sân để có nơi cho võ sinh theo học.

Dần dần phong trào tập võ Nhất Nam lan rộng ở Nghĩa Lộ. Có những lúc sân trước, sân sau, anh hướng dẫn tới trên 200 võ sinh. Môn võ có nguồn gốc từ vùng đất Thanh Nghệ song lại được đông đảo nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đón nhận.

Không dừng lại ở đó, mong muốn đưa võ thuật cổ truyền tới rộng khắp các đối tượng vẫn luôn thường trực trong anh. Đầu năm 2009 khi Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, được sự tạo điều kiện của Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã, võ Nhất Nam được đưa vào giảng dạy trong tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thị xã như một môn giáo dục thể chất và nhân cách chính thức cho học sinh. Đến nay đã có khoảng gần 1 vạn học sinh theo học môn võ này.

Sau hai năm triển khai thực hiện, Nhất Nam cho thấy hiệu quả rõ rệt trong nhà trường: học sinh đến lớp hào hứng; tình trạng bỏ học và trốn học gần như không xảy ra; những trò đùa nghịch của các cô cậu học trò được thay thế bằng những đường quyền, bật, tấn kết hợp với kỹ thuật thở điều hòa trong võ thuật... Đã có hàng trăm cuộc thi đấu, biểu diễn hoành tráng, công phu phục vụ thành công các lễ hội, các sự kiện văn hoá của địa phương.

Đau đáu một ước mơ...

Hỏi chuyện tại sao có thể vượt qua khó khăn, quyết tâm để truyền dạy võ học cổ truyền tại Nghĩa Lộ, anh cười: “Mấy chục năm tâm huyết của thầy trò mình cũng bởi vì Nhất Nam là di sản của cha ông để lại”. Môn phái võ Nhất Nam gắn bó với sự nghiệp giữ nước của dân ta hàng nghìn năm nay. Tâm pháp của môn phái là học võ cũng như một hình thức tu đạo chứ không chỉ là rèn cho cứng tay, mạnh chân.

Học để hiểu cuộc đời, biết tuân theo các quy luật, chuẩn mực, có thái độ sống tích cực, gần gũi thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ những giá trị hướng thiện, bảo vệ cộng đồng, quê hương đất nước. Những nguyên lý đó mang đậm chất nhân văn và triết lý của phương Đông cũng như dư chứa nhân sinh quan và tinh hoa nghệ thuật chiến đấu của ông cha ta xưa mà nếu không có sự tiếp bước phát triển được nó sẽ bị cơn lốc toàn cầu hóa, sự giao thoa văn hóa làm mai một dần và đến lúc nào đó sẽ mất đi.

Đang hồ hởi trò chuyện về những chuyến đi tham gia biểu diễn cùng các câu lạc bộ võ Nhất Nam khác trên toàn quốc, chợt giọng anh chùng lại: “Mình thấy buồn lắm, vì có đi giao lưu mới thấy người nước ngoài họ yêu và say mê học võ Nhất Nam hơn người Việt Nam. Nhiều khi dạy học trò, mình vẫn nói với các em là nếu các em không cố gắng thì sẽ có ngày người Việt chúng ta lại phải học võ Nhất Nam từ các bạn nước ngoài. Mình có một ước mơ là võ Nhất Nam trở thành môn giáo dục thể chất trong tất cả các nhà trường ở tỉnh Yên Bái. Bởi vì võ Nhất Nam không chỉ dạy các em về đạo đức, sự tự tin, lòng dũng cảm mà còn giúp các em học sinh rèn luyện được tinh thần thượng võ và đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Nhưng trong thời đại hiện nay thì Internet rồi sức ép học hành ngày càng nặng trên vai các em nên sự thu hút của võ cổ truyền cũng giảm sút”.

Trăn trở suốt hơn hai chục năm của võ sư Đào Hoàng Long là nỗi lo di sản ông cha để lại sẽ mai một theo thời gian. Rồi những thế quyền, bộ cước thuần Việt sẽ bị dung nạp, pha trộn... Mong muốn  được phổ biến  võ học cổ truyền rộng khắp vẫn đau đáu trong anh. Tâm huyết với việc truyền bá võ Nhất Nam vẫn luôn chảy trong huyết quản của anh. Để có thể làm được điều đó, Đào Hoàng Long phải hy sinh rất nhiều nhưng anh vẫn kiên quyết đi theo con đường mình đã chọn. Và tôi tin đấy là con đường anh đã và sẽ đi đến hết cuộc đời khi chứng kiến anh chỉnh từ thế tấn, cách ra đòn cho các võ sinh của mình.

Võ học là một phần bản sắc văn hóa Việt, môn phái võ Nhất Nam cũng vậy. Tuy không xuất phát từ quê hương Yên Bái song sự phát triển của võ thuật trong trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cũng như tâm huyết gìn giữ, truyền bá di sản võ học cổ truyền của võ sư Đào Hoàng Long đang góp phần duy trì, tiếp nối truyền thống võ học và gìn giữ  tinh hoa văn hóa của ông cha ta.Tinh thần thượng võ hào hùng của tổ tiên, dòng giá trị tinh thần lớn lao của dân tộc Việt đang lặng lẽ mà bền bỉ nơi miền Tây Yên Bái.

Văn Thông

Các tin khác
Phản ứng trọng tài, Tấn Tài bị treo giò 2 trận.

Ban kỉ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định phạt nặng cả loạt cầu thủ lẫn HLV sau khi tình trạng bạo lực sân cỏ leo thang ở những vòng đấu đầu tiên.

CĐV SLNA chặn xe của Hà Nội T&T sau khi trận đấu kết thúc

Chiều 15/1, khán giả sân Vinh bao vây đội khách và đòi xử hậu vệ Hồng Tiến vì cho rằng anh này đã có hành vi thách thức khán giả.

Một lớp học vovinam tại Algeria.

Ông Võ Danh Hải - tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới - vừa trở về VN từ Algeria sau sự kiện ra mắt Liên đoàn Vovinam châu Phi (FAV). Ông đã gửi đến độc giả bài viết kể lại câu chuyện vovinam phát triển ở vùng đất mới châu Phi.

Huỳnh Kesley (7, Sài Gòn FC) đi bóng qua hậu vệ Kiên Giang.

Vòng đấu cuối cùng của năm Tân Mão được đánh giá là có nhiều trận đấu hay, như SLNA – Hà Nội T&T, Đà Nẵng – HA.GL. Nhưng có lẽ, gây thích thú nhất là cặp đấu tận Rạch Giá khi Kiên Giang sẽ tiếp Sài Gòn FC.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục