Bảo tồn, phát huy vốn sách chữ Hán Nôm, chữ Thái cổ

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/2/2014 | 2:53:29 PM

YBĐT - Hiện nay, Thư viện tỉnh Yên Bái đã sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ hơn 400 cuốn sách chữ Hán Nôm và chữ Thái cổ và một số bộ tranh cổ như tranh thờ, tranh treo tường. Đây là những tài liệu quý hiếm có giá trị về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ học, dân tộc học, văn học cổ...

Tài liệu hầu hết là độc bản, những cuốn sách chữ Hán Nôm, Thái cổ có từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX, được viết bằng mực Tàu màu đen, bằng bút lông trên loại giấy do người Thái tự sản xuất gọi là giấy dó. Giấy có loại dầy, loại mỏng như những tờ giấy pơ luya có khả năng nhìn thấu nên khi viết người ta thường chập đôi chúng lại. Hình dáng, kích thước các cuốn sách gồm nhiều loại, có cuốn hình vuông, có cuốn hình chữ nhật; kích thước cuốn bé nhất là 10cm x 23cm, cuốn lớn nhất là 28cm x 30cm. Bìa các cuốn sách có cuốn làm bằng giấy dầy, có cuốn làm bằng da thú, có cuốn làm bằng vải; gáy được khâu bằng dây gai hoặc dây dù rất chắc chắn.

Di sản tài liệu chữ Hán Nôm và chữ Thái cổ đang được lưu giữ, bảo quản tại Thư viện tỉnh Yên Bái còn là một kho tư liệu quý giá để nghiên cứu về chữ viết của người Việt cổ. Về chữ Thái cổ thì theo một số nhà nghiên cứu Sử học và Dân tộc học hàng đầu ở Việt Nam thì chữ Thái cổ chính là chữ Khoa đẩu có từ thời kỳ Vua Hùng.

Chữ Khoa đẩu là thứ chữ tượng thanh, như chữ Thái; trái với chữ Trung Quốc là loại chữ tượng hình. Chữ Hán – Nôm (Nôm Tày – Dao) là chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến khi chữ La - tinh thay thế cho chữ Nôm vào năm 1920. Chữ Nôm là một loại văn tự được xây dựng trên cơ sở sử dụng các ký hiệu văn tự Hán đọc theo cách đọc Hán - Việt, để ghi tiếng Việt. Đây là thành tựu to lớn của người Việt, hiện dấu tích về chữ Nôm còn lưu lại ở rất nhiều tài liệu và rất đa dạng về hình thức, kiểu loại.

Nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, Thư viện tỉnh Yên Bái xây dựng bộ sưu tập số về vốn tài liệu quý hiếm này. Đây chính là nguồn tài liệu vô giá để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, mỗi tộc người và của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tài liệu cổ chứa đựng những giá trị nhiều mặt của nền văn hóa dân tộc Việt Nam: là nguồn tư liệu quý mà Thư viện tỉnh đã phục chế, số hóa, đang lưu giữ, bảo quản và khai thác phục vụ bạn đọc.

Nội dung bộ sưu tập tài liệu cổ gồm:

Các tài liệu Hán Nôm và Thái cổ về lịch sử, triết luận như: Vạn niên; Mạnh Tử; Tiên tiến đệ thập nhất; Điền địa hộ tịch; Quam tô mương (Chuyện kể bản mường); Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài... cho ta biết quá trình thiên di của người Thái từ vùng Xíp Xoong Păn Na (Nam Trung Quốc) tới Việt Nam, lịch sử hình thành của các châu mường Thái (dã sử đánh giặc phương bắc giữ yên bản mường). Có những cuốn viết về hoạt động của bộ máy chính quyền phong kiến như Công văn; Tổng quan văn, Văn bản; Biên bản như: Án sự tranh tụng; Khai trình- Bẩm báo...

Về tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều tác phẩm mô tả, tường thuật chi tiết quy trình tiến hành một đám tang, các bài cúng tiễn đưa linh hồn người chết; nhiều quyển sách được xem như những cẩm nang giúp người Thái chọn ngày giờ làm nhà, làm đám cưới, đưa tang, thậm chí chọn giờ đi săn như các cuốn:Sổ xem ngày giờ; Những lời kêu cầu trời; Giấc mơ; Đưa hồn người chết lên trời; Những bài phù phép của người Thái... Nhiều cuốn sách Hán Nôm về tôn giáo (các bài cúng, bài mo), miêu tả các phong tục tập quán được lưu truyền từ lâu đời của các dân tộc như: Tổng đàn kinh; sách giải hung tinh; sách xem ngày xuất hành và sao hung cát; Giải bệnh; sách truyền bí quyết cho pháp sư); sách cúng Dao của họ Lý; Tổng đàn Kinh; Khổng Minh Hàn Tín chi quái...

Về văn học, sách Thái cổ đã ghi lại đầy đủ những tác phẩm văn học đặc sắc do người Thái sáng tác như: Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu); Khun Lú-Nang ủa;Đường Tăng - Lưu Bình; Truyện An Đức; truyện thơ Khủn tinh; Chuyện Chàng Tư-Ngọc Hoa; truyện Lưu Hồng - Nàng Ngam; Kể chuyện về Trạng Nguyên; ... Nhiều tác phẩm phỏng tác theo các cốt truyện của người Việt cổ, người Trung Quốc như Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài"...

Sách Hán Nôm gồm các truyện thơ Nôm phản ánh chân thực cuộc sống sinh động của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh, những phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian đầy bản sắc, những câu chuyện chất chứa tính đạo lý, thiện ác phân minh, tất cả nhằm hướng tới xây dựng một xã hội cộng đồng tốt đẹp, thuận hòa và những khát vọng vươn lên như: Slâu si hong; Truyện Kiều; Tiên thiên bí tảo pháp thư; Chư xuyên quang nhất bản; sách học Tam tự kinh; Ngũ tự kinh; Giải khai nhất khoa; Hạc hoàn siêu độ pháp; Nhất bản thư học nhân sinh (Sách học về cuộc sống con người) ...

Một số cuốn tài liệu Hán Nôm ghi các câu tục ngữ, các bài ca dao, các câu đố vui, hát giao duyên như: Xịnh ca Cao Lan;  La độ nhất khoa; Tương tư ca; Ca thư cổ cảnh; Tương thỉnh ca xướng (Hát khi đi đón dâu); Phan Thiên; Giao duyên vấn đáp...

Bộ sưu tập số chuyên đề về vốn tài liệu cổ của Thư viện là một trong những sự lựa chọn tối ưu để bảo quản lâu dài các tài liệu quý hiếm, ngăn chặn sự rủi ro do thời gian, thiên tai, khí hậu và tần suất sử dụng, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cộng đồng các các dân tộc thiểu số Việt Nam, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ khối di sản văn hoá vô giá của dân tộc, tích cực góp phần phục vụ bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trần Thị Thủy

Các tin khác
Cười vui là để yêu thương. Yêu thương để làm nên những tiếng cười trong cuộc sống, đó chính là thông điệp mà Năm sau con lại về muốn mang đến cho khán giả.

Theo thông tin từ nhà sản xuất Sóng Vàng, tính đến hết ngày 7/2 (mùng 8 tết), bộ phim hài tết "Năm sau con lại về" đã đạt doanh thu gần 30 tỉ đồng sau gần 3 tuần chiếu Tết với gần 500.000 lượt xem.

Lễ hội đền Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) vừa được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Đền Trần Thái Bình đầu Xuân năm 2014, sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 17-2 (tức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng).

Vui hội Lồng Tồng

YBĐT - Trong ngày 7 - 8/2 (tức 8 và 9 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), đồng bào Tày ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên tưng bừng vui mở hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Tày An Thịnh được phục dựng lại sau tròn nửa thế kỷ bị mai một.

Liên hoan phim (LHP) Berlin 2014 khai mạc tối 6/2 với phim hài The grand Budapest hotel và sẽ giới thiệu hơn 400 bộ phim, trong đó có 20 phim tranh giải Gấu vàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục