Huế - thành phố Festival đặc trưng
- Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2014 | 9:45:01 AM
Khởi nguồn từ Liên hoan gặp gỡ giữa Huế (Việt Nam) và Codev (Pháp) vào năm 1992, Festival Huế đã trở thành thương hiệu kết nối quá khứ và hiện tại.
Lễ hội đường phố của các đoàn nghệ thuật Đông Á - Mỹ Latinh tiếp tục được tổ chức tại Festival Huế 2014.
|
Qua đó, không những mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và du lịch mà còn là một sự kiện văn hóa thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết giữa các quốc gia trên thế giới thông qua giao lưu văn hóa.
Khách đông nhưng không thiếu phòng
Sân khấu nghệ thuật quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay ở quảng trường Ngọ Môn - nơi khai mạc Festival Huế 2014 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” vào tối 12-4 đang được các nhóm thợ gấp rút hoàn tất các hạng mục cuối cùng.
Ngoài 5 khán đài sức chứa 6.000 chỗ ngồi, sân khấu đêm khai mạc thiết kế độc đáo mới lạ với màu tím chủ đạo cùng hệ thống âm thanh ánh sáng phục vụ chương trình nghệ thuật đặc sắc. Lễ khai mạc kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hiện đại theo tiêu chí giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới. Những tiết tấu, vũ đạo hiện đại được trình diễn trên nền các loại hình di sản văn hóa của nhân loại, kết hợp nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ quốc tế Pierre Alain Hubert.
Ngoài ra, một không gian chính tại Festival Huế lần này là Hoàng thành Huế được chiếu sáng lộng lẫy về đêm với 8 sân khấu, là nơi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đại diện cho Việt Nam và các nền văn hóa trên khắp 5 châu lục.
Đặc biệt, ở các điểm văn hóa, công viên TP Huế còn có 9 sân khấu biểu diễn miễn phí cho công chúng. Và mỗi huyện, thị xã trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đều có từ 1 đến 2 sân khấu đón các đoàn nghệ thuật quốc tế về biểu diễn phục vụ công chúng vùng sâu, vùng xa.
Cùng với hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên đến từ 37 quốc gia trên thế giới về Huế biểu diễn, Festival Huế còn có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch. Ước tính đã có hơn 90.000 khách du lịch đặt phòng trong dịp festival. Thời điểm khai mạc, công suất phòng tại hệ thống khách sạn ở Huế đạt khoảng 90%, những ngày bế mạc lượng khách đăng ký 85%. Đến thời điểm này, tại TP Huế, lượng phòng ở các khách sạn 3 sao trở lên còn khoảng 10% - 15% nhưng các khách sạn 1 - 2 sao còn rất nhiều nên không lo “cháy” phòng.
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế cho hay, địa phương chuẩn bị sẵn sàng 526 cơ sở lưu trú với khoảng hơn 10.000 phòng nghỉ, trong đó gần 8.000 phòng khách sạn đạt chuẩn phục vụ khách tham dự Festival Huế 2014.
Hội ngộ văn hóa năm châu
Festival Huế là sự kiện văn hóa - du lịch đặc thù, diễn ra hai năm một lần với quy mô quốc gia, quốc tế. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, từ khi có Festival Huế, nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... mỗi năm ít nhất có sáu, bảy lần đến với các sự kiện chính trị quan trọng, như liên hoan nghệ thuật festival quốc tế ở các nước.
Ngược lại, Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Qua đó, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đối với bạn bè các nước. Đặc biệt, người dân Huế có nhiều cơ hội tiếp xúc với người ngoại quốc, các tổ chức, chuyên gia kinh tế du lịch.
Di sản văn hóa Huế là nền tảng cho festival, ngược lại festival giúp di sản Huế đến được nhiều hơn với công chúng qua các lễ hội liên quan đến một bộ phận dân cư, vùng miền được tái hiện như: lễ hội Huyền Trân, Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung…
Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thì di tích gắn với lễ hội được Nhà nước và các chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật trùng tu, phục chế. Đã có gần 100 công trình thuộc di tích Huế được bảo tồn, trùng tu với tổng vốn gần 800 tỷ đồng.
Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003, từng bước được đầu tư bảo tồn và phát huy... Thành công tại các kỳ Festival Huế là cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng Huế trở thành TP Festival đặc trưng của Việt Nam.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - “Dù ai đi ngược, về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Những ngày tháng ba này, khắp bốn phương trời, đồng bào Nam, Bắc, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã hành hương về đất Tổ để trẩy hội Đền Hùng, tri ân công đức tổ tiên...
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong hai ngày 7 và 8-4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Điện Biên tổ chức chung kết Liên hoan cán bộ Thư viện tuyên truyền giới thiệu sách chủ đề: “Âm vang Điện Biên” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên.
Ngày 7.4 , lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang cùng đại diện các đơn vị Hải quân đang làm nhiệm vụ trên địa bàn và đông đảo quần chúng nhân dân địa phương đã tham dự lễ kỷ niệm 726 năm Chiến thắng Bạch Đằng ( mùng 8.3 năm Mậu Tý - 1288 đến mùng 8.3 năm Giáp Ngọ - 2014) do Ban quản lý Đền thờ Trần Hưng Đạo tổ chức.
Từ ngày 25/4 - 20/5, Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 01/5, 19/5 và kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước.