Chuyện về những bộ sưu tập quý trao tặng Bảo tàng Đông Nam Á
- Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2014 | 2:00:15 PM
Nhiều người bạn quốc tế tâm huyết đã tặng Bảo tàng Đông Nam Á những bộ sưu tập quý giá, làm phong phú hiện vật của bảo tàng.
Một bức tranh kính của Indonesia được trưng bày ở bảo tàng Đông Nam Á.
|
Việc khai trương tòa Bảo tàng Đông Nam Á (tòa nhà Cánh Diều) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được chọn là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2013.
Hiện tại, Bảo tàng có khoảng hơn 2.200 hiện vật và 5.000 ảnh tư liệu về Đông Nam Á. Theo quy hoạch sử dụng tòa Bảo tàng Đông Nam Á, ngoài không gian trưng bày thường xuyên về Văn hóa Đông Nam Á tại tầng 1, tại tầng 2 sẽ có không gian trưng bày ba bộ sưu tập do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa trao tặng.
Đó là bộ sưu tập Dân tộc học loại hình châu Á của GS Kaneko Kazushige (người Nhật Bản); bộ sưu tập Tranh kính Indonesia của TS O'ong Maryono (người Indonesia) và bà Rosalia Sciortino (người Italia) và bộ sưu tập Một thoáng văn hóa thế giới của GS Lê Thành Khôi (quốc tịch Pháp).
Khi trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để trưng bày trong Bảo tàng Đông Nam Á, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đều rất tin tưởng rằng các bộ sưu tập sẽ được bảo quản và phát huy giá trị một cách tốt nhất. Khi tới Hà Nội dự lễ khánh thành tòa Bảo tàng Đông Nam Á vào cuối năm ngoái, bà Rosalia Sciortino người Italia kể lại, chồng bà- TS O'ong Maryono và bà đều là những người yêu văn hóa. Hai vợ chồng và đã sưu tầm tranh kính cách đây hơn 20 năm.
"Tranh kính là nghệ thuật của dân chúng, nên khi chúng tôi bắt đầu sưu tập thì tranh không đắt, các bức tranh có tuổi đời 60-70 năm. Chúng tôi cũng đã sưu tầm được khoảng hơn 300 hiện vật rồi và chúng tôi trao tặng cho bảo tàng hơn 60 bức tranh kính được lựa chọn ở các địa điểm sản xuất khắp đất nước Indonesia. Trước đây, họ làm những bức tranh kính bằng các chất liệu khác nhau, chứ họ không có chất liệu sơn tổng hợp như bây giờ. Một số bức tranh kính có thể đã bị xuống cấp, nhưng nó độc đáo, vì nó kể nhiều câu chuyện khác nhau."- bà Rosalia Sciortino cho biết.
Bà Rosalia và GS Kaneko tại lễ khai trương Bảo tàng Đông Nam Á. |
Cũng theo lời kể của bà Rosalia, TS O'ong Maryono khi là Chủ tịch Quỹ Rockefeller có một số dự án hợp tác với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Khi biết Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ xây dựng Bảo tàng Đông Nam Á, năm 2006, vợ chồng TS O'ong Maryono và Rosalia Sciortino đã quyết định trao tặng Bảo tàng Dân tộc học VN bộ sưu tập gồm 68 bức tranh kính Indonesia. Ngắm nhìn tòa bảo tàng Đông Nam Á được xây dựng đẹp và hiện đại, bà Rosalia cho rằng quyết định của vợ chồng bà 7 năm trước là hoàn toàn sáng suốt.
Thoáng chút bùi ngùi, bà Rosalia thổ lộ, giờ đây, TS O'ong Maryono đã qua đời, nên bộ sưu tập này càng có nhiều ý nghĩa với bà. Nó trở thành biểu tượng cho tình cảm mà hai vợ chồng bà dành cho nhau. Và mỗi khi ngắm nhìn bộ sưu tập tranh kính, bà như thấy sự hiện diện của ông thật gần...
Đã ở tuổi gần 90, sức đã yếu hơn, đi lại phải chống gậy, nhưng GS người Nhật Bản Kaneko Kazushige vẫn quyết tâm phải có mặt tại Hà Nội đúng dịp khánh thành tòa Bảo tàng Đông Nam Á. Ông cho rằng đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa trong cuộc đời. Năm 2005, GS Kaneko tặng bộ sưu tập với 560 hiện vật quý giá của 28 quốc gia ở châu Á mà ông sưu tầm trong suốt hơn 40 năm, gồm có hiện vật sơn mài Myanmar, gốm Nhật Bản, rối bóng Ấn Độ, trang phục Hàn Quốc, đồ đan Campuchia; hiện vật tôn giáo Indonesia...
GS Kaneko Kazushige dành rất nhiều tình cảm yêu quí cho những người bạn thân thiết tại Bảo tàng Dân tộc học VN: "Đặc biệt tôi có một người bạn thân rất đáng quí là PGS-TS Nguyễn Văn Huy. Khi tôi được biết là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ xây dựng một tòa nhà mới để giới thiệu về văn hóa Đông Nam Á thì tôi đã quyết định tặng bộ sưu tập đó cho Bảo tàng DTHVN. Tôi rất vui mừng là cuối cùng bảo tàng đã hoàn thành. Hy vọng các phần trưng bày khác sẽ sớm hoàn thành và tất cả các hiện vật tôi tặng cho bảo tàng sẽ được trưng bày ở đó"- GS Kaneko Kazushige nói đầy tin tưởng.
Bảo tàng Đông Nam Á. |
Trước khi trao tặng các hiện vật cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trước đó, từ năm 2002 đến 2005, GS Kaneko đã tặng Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc hơn 1.000 hiện vật châu Á. Ông cũng tặng Bảo tàng quốc gia Kyushu của Nhật Bản hơn 600 hiện vật.
Bộ sưu tập thứ ba được trưng bày tại Bảo tàng Đông Nam Á có tên Một thoáng văn hóa thế giới là của GS Lê Thành Khôi (Việt kiều tại Pháp). Ông Lê Thành Khôi là giáo sư trong lĩnh vực giáo dục của Pháp, đã từng làm chuyên gia của UNESCO và của nhiều tổ chức thế giới tại hơn 40 quốc gia. Bộ sưu tập của GS Lê Thành Khôi tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tháng 10/2010, gồm hơn 300 hiện vật thuộc nhiều nền văn hóa ở các châu lục khác nhau, rất phong phú về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác cũng như công dụng. Nhiều cổ vật có niên đại khác nhau, thuộc về nhiều nền văn minh. Trong số các hiện vật dân tộc học, phong phú hơn cả là những loại mặt nạ của các cư dân ở châu Phi, đồ trang sức của tộc người ở châu Đại Dương, châu Mỹ Latin, hiện vật nghi lễ, đồ vải trang trí bằng các kỹ thuật khác nhau.
Là người đồng hành với Bảo tàng Đông Nam Á 15 năm qua (kể từ khi đề xuất ý tưởng thành lập Bảo tàng với Thủ tướng Chính phủ- năm 1998), PGS-TS Nguyễn Văn Huy- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN nhấn mạnh rằng cần làm hết sức có thể để phát huy giá trị của các bộ sưu tập hiện vật quí giá mà các bạn bè quốc tế và bà con Việt Kiều trao tặng cho bảo tàng.
Bức tranh kính - Một cảnh trong Ramayana. |
"Sở dĩ có được trưng bày của Bảo tàng Đông Nam Á là do tình cảm của những nhà sưu tập đã tặng cho Bảo tàng nhiều hiện vật, đây là nền tảng tạo nên bộ sưu tập của bảo tàng. Sau đó, các cán bộ của Bảo tàng đã tỏa đi khắp các nơi ở Đông Nam Á, bà con cư dân ở các nước Đông Nam Á đã rất nhiệt tình, tạo mọi điều kiện để các cán bộ bảo tàng sưu tầm được các hiện vật văn hóa của nước họ vì bản thân họ muốn đưa các hiện vật văn hóa đến Việt Nam để giới thiệu trong bảo tàng Đông Nam Á ở Việt Nam. Như vậy là tình cảm của các bạn bè ở khắp thế giới và ở Đông Nam Á này đều tụ hội về đây và chúng ta phải biết ơn những người đã tặng cho chúng ta cũng như đã giúp cho chúng ta sưu tầm các hiện vật. Trong tương lai chúng ta cần thể hiện trách nhiệm của chúng ta nhiều hơn với bảo tàng này"- PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
Du nhập từ thế kỉ 20 cùng với người Hà Lan và phát triển cực thịnh vào những năm 30, tranh kính đã trờ thành nét văn hóa đặc sắc của người Indonesia. Tranh kính lấy cảm hứng chủ yếu từ cuộc sống hàng ngày, nghệ thuật dân gian, nghi lễ và lễ hội…
Indonesia có những trung tâm sản xuất tranh kính nổi tiếng là Yogyakarta, Surakarta và Cirebon. Người ta còn sơn vẽ ở mặt sau tấm kính ngược với quy trình vẽ thông thường. Nét vẽ cuối cùng của tranh thông thường là nét đầu tiên trên tranh kính.
Tranh kính chủ yếu được dùng để trang trí, đôi khi như vật mang lại may mắn cho gia đình.
(Theo VOV)
Các tin khác
Sở VH,TT&DL thành phố Cần Thơ tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về sự ra đời và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ từ nay đến ngày 15-4, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.
Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Bộ VH-TT-DL cho biết, Kelly Rowland, ca sĩ, nhạc sĩ, đồng thời là diễn viên của Mỹ đã 4 lần đoạt giải âm nhạc Grammy danh giá thế giới sẽ biểu diễn tại Việt Nam trong “Đêm nghệ thuật Hennessy” lần thứ 6 vào tối 17-4, tại Hà Nội.
Tối 9-4, chương trình "Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội) từ ngày 5 đến 9-4 đã khép lại bằng chương trình nghệ thuật "Khát vọng mùa xuân".
Chỉ còn ba ngày nữa (12-4), Festival Huế 2014 sẽ khai mạc. Với số đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế tham gia đông nhất từ trước đến nay, Festival Huế lần thứ 8 không chỉ góp phần mở rộng giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới, đưa di sản lan tỏa, thấm sâu trong cộng đồng mà còn có nhiều chương trình nghệ thuật đương đại, hứa hẹn sự mới lạ, hấp dẫn.