Yên Bái nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
- Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2014 | 9:03:56 AM
YBĐT - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động tiến tới chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cán bộ Trung tâm văn hóa tỉnh, tích cực tuyên truyền kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bằng hình thức cổ động trực quan.
Trong ảnh: Treo áp phích cổ động tuyên truyền trên đường Điện Biên (TP Yên Bái). Ảnh: Linh Anh
|
Phóng viên (PV) YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Định - Phó giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những hoạt động này.
PV: Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của tỉnh?
Ông Lê Công Định: Các hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm giới thiệu và khẳng định những thành tựu to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn thế, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm này cũng là để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, khơi gợi và phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, sáng tạo, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là dịp phát động đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong tỉnh, động viên toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân học tập, lao động, sản xuất lập thành tích kỉ niệm chiến thắng.
PV: Các hoạt động, sự kiện chào mừng diễn ra như thế nào? Công tác chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Ông Lê Công Định: Theo kế hoạch của Ban tổ chức lễ hội du lịch năm 2014, Sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo xuống các đơn vị trực thuộc, cụ thể: tổ chức công tác tuyên truyền bằng các hình thức như băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, xe loa lưu động… trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt các vùng có tuyến đường huyết mạch từ chiến khu Việt Bắc qua Yên Bái đến Điện Biên Phủ.
Bên cạnh đó, là các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, các chương trình văn nghệ quần chúng, Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức một đợt 7 ngày tại huyện Văn Chấn và đang chuẩn bị tích cực xây dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt phục vụ nhân dân vào tối ngày 3/5 tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái; xây dựng chương trình sử thi nghệ thuật về Điện Biên Phủ.
Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng lưu động được triển khai phục vụ nhân dân tại các huyện, thị vùng sâu, vùng xa phía Tây của tỉnh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, chiến thắng Điên Biên Phủ…; tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm lưu động theo tuyến; trong đầu tháng 4/2014, Thư viện tỉnh đã triển khai ở 15 điểm tại địa bàn huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ; tổ chức các hoạt động thể thao nhằm đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế - xã hội địa phương nhằm thu hút đầu tư; thành lập đoàn diễu binh của tỉnh tham gia lễ kỷ niệm tại tỉnh Điện Biên vào ngày 7/5 tới.
Đặc biệt, tới đây, Ban tổ chức lễ hội du lịch năm 2014 dự kiến tổ chức những ngày văn hóa, thể thao và du lịch vào ngày 2 - 5/5/2014 tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn với chủ đề “Đèo Lũng Lô - Con đường lịch sử”. Với những hoạt động đã và đang diễn ra thì đến nay công tác chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã cơ bản hoàn tất.
PV: Yên Bái có các di tích lịch sử quốc gia như: bến phà Âu Lâu, Khu ủy Tây Bắc, đèo Lũng Lô đã gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện nay công tác trùng tu, bảo dưỡng những di tích này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Công Định: Phải nói rằng, chúng ta vinh dự và tự hào khi có những di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dưới sự chỉ đạo sớm và sát sao của tỉnh, Sở đã giao cho các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể trùng tu, bảo dưỡng các di tích và ngay sau đó các đơn vị tập trung cao độ triển khai công việc.
Đến thời điểm này, việc tu bổ, bảo dưỡng tượng đài Âu Lâu đang được tiến hành và dự kiến hoàn thành vào ngày 15/4; đã hoàn thành việc dựng bia, vệ sinh đèo Lũng Lô (xã Thượng Bằng La, Văn Chấn); đối với Khu ủy Tây Bắc ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn đang có kế hoạch phục dựng, đã có thiết kế cụ thể và dự kiến hoàn thành trong năm 2014.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh (thực hiện)
Các tin khác
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho phép Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật khảo cổ học đối với ngôi mộ cổ ở khu phố 2, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách kể từ 15/4 đến 15/5/2014.
Nằm trong chuỗi những hoạt động tại Festival Huế 2014, ngày 13-4, từ trung tâm TP Huế cho đến các vùng quê đồng loạt diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang tính cộng đồng. Hàng nghìn người dân và du khách đã cùng hòa mình vào những lễ hội đặc sắc này và không ai khác, chính họ là chủ thể của lễ hội.
Từ ngày 11-20/4 tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tổ chức cuộc triển lãm Bộ tranh độc đáo về lễ phục triều Nguyễn năm 1902 của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân.
Tối 12/4, tại Quảng trường Ngọ Môn, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức ấn tượng, hoành tráng và hấp dẫn lễ khai mạc Festival Huế 2014.