Festival Huế: Dấu ấn thành phố mang tên Bác
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2014 | 7:57:14 AM
“Nếu xem Cộng hòa Pháp là đối tác chính, thủy chung của Festival Huế thì TPHCM được coi là người bạn đầu tiên vẫn đang sát cánh cùng chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế xây dựng nền móng vững chắc cho sự kiện văn hóa đặc thù này” - ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, chia sẻ.
Một tiết mục của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.
|
"Sen” dung dị mà ngời sáng
Sau khi hợp cùng các đoàn nghệ thuật tuyển chọn từ 5 châu lục chiêu đãi khán giả “bữa tiệc” đặc sắc tại chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2014, các nghệ sĩ diễn viên đến từ thành phố mang tên Bác (nhóm 5 dòng kẻ TPHCM, nhóm người mẫu TPHCM, Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen) tiếp tục trình diễn trên rất nhiều sân khấu nghệ thuật do ban tổ chức bố trí tại TP Huế và các huyện, thị vùng ven. Qua đó, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách, bạn bè quốc tế và nhất là nhân dân Thừa Thiên - Huế.
Riêng chương trình nghệ thuật Sen (tên ban đầu là “Chuyện kể về Sen”) do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen biểu diễn đã mê hoặc khán giả qua những biểu tượng mang vẻ đẹp thánh thiện, ngời sáng người con gái Việt Nam và thấm đẫm tính dân tộc trong từng điệu múa, nốt nhạc.
NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen không giấu được sự hài lòng sau đêm diễn tại sân khấu bia Quốc học Huế chia sẻ, “Sen” một loài hoa hương sắc vẹn toàn, dung dị, thanh khiết đã trở thành biểu tượng tâm linh - văn hóa Việt Nam. Đó cũng là chương trình nghệ thuật quy mô hoành tráng, được dàn dựng công phu, từ các tiết mục múa tới âm nhạc, đạo cụ, sân khấu và màn hình…
“Sen” từng đạt được dấu ấn và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là “Chương trình nghệ thuật về Sen đặc sắc nhất”. Đã từng có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc biểu diễn tại các lễ hội “đinh” qua nhiều kỳ Festival Huế nhưng “Sen” vẫn là niềm tự hào của các nghệ sĩ diễn viên nhà hát. Sự khác biệt của “Sen” đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của nhà hát ở nhiều lĩnh vực.
Ngoài dàn diễn viên đồng đều của nhà hát, là những diễn viên đã tốt nghiệp các trường múa chuyên nghiệp, hoặc các học sinh xuất sắc đang học tại trường múa ở nước ngoài, những hạt giống mà nhiều năm trước nhà hát đã gửi đi đào tạo để “ươm mầm”. Cùng với Linh Nga là diễn viên múa xuyên suốt chương trình, còn có Trung Hiếu - một diễn viên múa giỏi, từng đoạt giải nhì cuộc thi múa toàn quốc của Trung Quốc. Các ca sĩ hát trong chương trình đều là những giọng ca phù hợp với từng ca khúc, các tiết mục, tạo được sự hài hòa tổng thể.
Bên cạnh việc lưu diễn phục vụ công chúng và du khách trong Festival Huế lần này, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen còn là một trong những đơn vị nghệ thuật đầu tiên của cả nước tham gia Liên hoan múa quốc tế lần thứ nhất tại Huế cùng các đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc, Mông Cổ, Philippines, Hungary, Indonesia, Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đây là cơ hội để các nghệ sĩ múa Việt Nam nói chung, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen nói riêng, tiếp cận, giao lưu, trao đổi học hỏi tinh hoa nghệ thuật múa quốc tế; đổi mới về phương pháp sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở thời đại, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Cùng Huế quảng bá văn hóa Việt Nam
Không chỉ có các văn nghệ sĩ, TPHCM còn là địa phương có nhiều đóng góp trong việc truyền thông quảng bá Festival Huế đến với mọi người dân và du khách năm châu. Trong đó, Báo SGGP, Báo Tuổi Trẻ, Đài Truyền hình TPHCM HTV9… là những đơn vị bảo trợ thông tin một cách có hiệu quả cho Festival Huế ngay từ những kỳ tổ chức đầu tiên.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhắc lại, Festival Huế khởi nguồn từ Liên hoan gặp gỡ giữa Huế (Việt Nam) và Codev (Pháp) vào năm 1992, và đến nay đã trở thành thương hiệu quốc tế. Nhưng ít ai ngờ, trước khi diễn ra Festival Huế đầu tiên vào năm 2000, ban tổ chức cũng như các nghệ sĩ, diễn viên Pháp và Việt Nam phải đối mặt với bộn bề khó khăn như cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tâm lý “thế thủ” chưa đồng bộ với những bước đi bất ngờ, đột biến với sự “kinh qua” chưa từng có bao giờ của người dân Huế…
Oái oăm nhất là trong lúc mọi công tác chuẩn bị cho festival đã sắp về đích thì liên tiếp hai trận lũ lịch sử tháng 11 và 12-1999 tràn qua đã làm cho cả Thừa Thiên - Huế tiêu điều, tang tóc. Thiên tai tàn phá khốc liệt cảnh quan, môi trường; xâm hại nghiêm trọng đến các di tích, danh thắng. Những vốn liếng tạo động lực tổ chức festival gần như bị xóa sạch khiến nhiều người chạnh lòng âu lo liệu Huế có thể tổ chức một festival tầm cỡ quốc tế?…
Thế nhưng, với sự chung tay giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần từ các văn nghệ sĩ, các cơ quan truyền thông và trên hết là lãnh đạo chính quyền nhân dân TPHCM đã giúp Huế tổ chức được một kỳ festival đầu tiên để lại nhiều dấu ấn tốt trong lòng người dân và bạn bè bốn phương. Tạo một sân chơi, một cuộc trình diễn văn hóa quốc tế hoành tráng và ấn tượng mở ra biết bao cơ hội làm tiền đề để Thủ tướng Chính phủ cho phép Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Rạng sáng 17-4, tại đàn Nam Giao (TP Huế) diễn ra lễ Tế giao. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng đông đảo du khách, người dân sở tại đã đến dự. Diễn ra trong không gian ấm cúng và không sân khấu hóa như các kỳ festival trước, lễ Tế giao lần này với đầy đủ các đạo cụ, phục trang, cờ phướn, trống kèn… đã thể hiện đầy đủ các nghi thức truyền thống, làm cho bầu không khí tại đàn tế trang nghiêm, thành kính, thực sự mang đậm nét văn hóa tâm linh của vùng đất cố đô Huế. Qua đó, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Bộ truyện tranh về các nàng công chúa Barbie gồm 8 tập với những nội dung sinh động hấp dẫn sẽ ra mắt các em thiếu nhi trong dịp Hè 2014.
Ban Tổ chức đã nhận được 271 tác phẩm dự thi của 78 đơn vị và đã chọn được 189 tác phẩm vào chung khảo.
Bộ VH-TT&DL vừa có quyết định xếp hạng Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành di tích cấp quốc gia.
Tối 16-4, trong khuôn khổ Festival Huế 2014, tại Nghinh Lương Đình (TP Huế), đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Âm sắc Hương Bình", nhằm tôn vinh, quảng bá giá trị của ca Huế, đồng thời tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối của bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm nét Huế này.