Bế mạc Festival Huế 2014 tôn vinh văn hóa truyền thống
- Cập nhật: Thứ hai, 21/4/2014 | 7:51:22 AM
Sau 9 ngày diễn ra (12-20/4), Festival Huế 2014 đã chính thức khép lại vào tối 20/4 bằng lễ bế mạc ấn tượng.
Sân khấu Lễ bế mạc trên dòng sông Hương, lấy phông nền là cầu Trường Tiền được thắp sáng bởi hơn 3.000 ngọn nến.
|
Trong bài phát biểu tại Lễ bế mạc, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trưởng BTC Festival Huế 2014 điểm lại những hoạt động chính trong lễ hội Festival Huế như Đêm khai mạc, Đêm Phương Đông, Đêm Hoàng cung, Lễ hội áo dài, chương trình tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình”, Lễ tế Giao, thắp lửa cầu Trường Tiền, các lễ hội đường phố, Hội nghị Bộ trưởng văn hóa các nước ASEAN +3…
Với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên đến từ 37 quốc gia trên khắp 5 châu, Festival Huế đồ sộ về quy mô, đa dạng về thể loại và để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
Qua Festival Huế, ông Ngô Hòa nhấn mạnh đến cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị của các quốc gia, dân tộc qua giao lưu văn hóa nghệ thuật: “Sự trình diễn của các đoàn, nhóm nghệ thuật tuy có khác biệt nhưng tựu chung đều hướng về mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển. Qua đó, khẳng định vị thế của Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, phấn đấu để xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam”.
Lấy bối cảnh là cầu Trường Tiền được thắp sáng lung linh bằng hơn 3.000 ngọn nến, với “bữa tiệc” pháo hoa của các nghệ sĩ đến từ Pháp, sân khấu Lễ bế mạc được thiết kế độc đáo theo dạng sân khấu nổi bên dòng sông Hương thơ mộng.
Hàng trăm diễn viên cùng hàng nghìn người dân đã cùng tham gia Lễ bế mạc. Với chủ đề “Âm vang một dòng sông”, Lễ bế mạc là hình ảnh một Huế thơ mộng, đậm chất văn hóa cổ truyền nhưng cũng mạnh mẽ phát triển, là mảnh đất giao hòa văn hóa của các quốc gia châu Á và toàn thế giới.
Các tiết mục biểu diễn là sự giao hòa nghệ thuật giữa các quốc gia |
Phần mở đầu của chương trình là những tiết mục hát múa “Âm vang một dòng sông”, múa “Hương sen thành nội” và ca khúc “Huế đẹp như thơ” (Vũ Minh Vũ) ca ngợi vẻ đẹp cổ kính của mảnh đất cố đô.
Tiếp đến là múa “"Khi đàn chim bay đến”, trình tấu “Ngẫu hứng Phá Tam Giang”, “Địa khúc giao hòa” (NSƯT Quang Vinh) như minh chứng Huế là thành phố ASEAN, là điểm hội tụ văn hóa đặc sắc, mang đậm chất Phương Đông trong giai đoạn hội nhập và phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Tham gia trình diễn trong Lễ bế mạc còn có các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Singapore, Philippines và Malaysia. Những điệu múa, lời ca trên nền âm nhạc truyền thống để lại ấn tượng cho khán giả bởi sự độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của các nước bạn cùng với sự giao hòa trong vũ khúc “Hội ngộ ASEAN”.
Kết thúc chương trình là “Khúc tình Huế”, “Phương đông quyến rũ” (Võ Thiện Thanh) và “Sông Hương đêm giã bạn” như một lời chia tay đến với du khách và lời hẹn gặp nhau tại Festival Huế 2016. Đến thời điểm này, ông Ngô Hòa cũng khẳng định: “Festival Huế lần thứ 8 - 2014 đã thành công tốt đẹp, được đánh giá là một Festival: ấn tượng, thân thiện, an toàn và đầy tính nhân văn”.
(Theo VOV)
Các tin khác
Tuần phim tuổi trẻ với tên gọi “Ký ức Điện Biên”, vừa khai mạc sáng nay (20/4) tại Hà Nội.
Sáng 19-4, tại không gian “Làng gốm Bát Tràng giữa lòng cố đô” ở Phủ Nội Vụ (Đại nội Huế) nhân dân làng gốm Bát Tràng và nghệ nhân Trần Độ đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ thếp vàng và cung thỉnh tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lên thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế).
Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014)” gồm 1 mẫu tem có giá mặt 3.000 đồng.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam đã chính thức diễn ra vào tối ngày 19/4 tại Thủ đô Hà Nội.