Hoàng Anh Đậu và thơ

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2014 | 3:18:26 PM

YBĐT - Nhắc đến Hoàng Anh Đậu, nhiều người thường nhớ ngay đến một nữ biên đạo múa đã dàn dựng nhiều tiết mục mang đậm màu sắc vũ điệu vùng cao Tây Bắc. Tôi biết Hoàng Anh Đậu cũng từ những tiết mục múa ấy nhưng điều khiến tôi bất ngờ và ấn tượng hơn cả là khi được đọc thơ chị - một giọng thơ nghiệp dư mà ấm áp, hồn hậu, thắm đượm tình người và hồn quê.

Ngoài công việc của một biên đạo múa, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Đậu còn có niềm đam mê với thơ.
(Ảnh: Linh Chi)
Ngoài công việc của một biên đạo múa, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Đậu còn có niềm đam mê với thơ. (Ảnh: Linh Chi)

Lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ nơi quê hương Chấn Thịnh - vùng quê mang đậm bản sắc đồng bào Tày; Hoàng Anh Đậu sớm đam mê những điệu múa quê hương từ những buổi theo các anh, chị đi múa trong những ngày vui của bản như hội Lồng tồng, lễ mừng cơm mới... Niềm đam mê múa ấy cũng đã đưa chị - khi mới là cô bé 16 tuổi tham gia vào Đoàn Văn công Nghĩa Lộ để được múa, được phục vụ kháng chiến.

Qua quá trình học tập và khổ luyện, Hoàng Anh Đậu đã trở thành một diễn viên múa, rồi một biên đạo múa luôn mong muốn gìn giữ, phát huy những điệu dân ca, dân vũ của quê hương Tây Bắc. Trong mỗi tác phẩm chị biên đạo, có thể thấy sự nâng niu, trân trọng nét đẹp, truyền thống văn hoá quê hương được chị gửi gắm qua từng điệu múa. Nhưng có những hình ảnh, những tình cảm thân thương có lẽ chị muốn giữ cho riêng mình nên gửi gắm vào trong thơ.

Thơ Hoàng Anh Đậu là những câu từ mộc mạc, đơn sơ, giản dị nhưng chứa đựng trong đó tâm sự, nỗi niềm luôn đau đáu về quê hương, về những người chị thương yêu nhất. Đó là hình ảnh mẹ cha sớm hôm tảo tần; hình ảnh chiếc máng lần róc rách chảy đêm ngày mang theo lời kể thì thầm của núi ngàn; đến cây chò đầu bản “thân xù xì, rễ chồi gân guốc” cũng gợi cho chị nỗi nhớ quê da diết...

Xa nhà từ khi còn là một cô bé nên khi ra đi, chị vô tư, hồn nhiên bao nhiêu thì khi trở về chị lại xót xa thương mẹ bấy nhiêu:

 ...Con đi ngày còn trẻ trâu
 Tóc bờm khét bám đầy quả ké ngựa
 Mẹ ôm con, bờ vai con ướt
 Nước mắt mẹ vơi dần theo các con

 Tuổi dậy thì con về
 Mẹ ngồi cầu thang
 Dáng hao hao gầy
 Mắt mẹ bừng sáng
 Nhòe nét chân chim ...

    (Mẹ)

Sự tần tảo, hy sinh của mẹ được Hoàng Anh Đậu khắc họa qua những hình ảnh: “Vai mẹ ướt vì độc chiếc nón mê”, “Mắt mẹ thăm thẳm”, “Nước mắt mẹ vơi dần”, “Dáng hao hao gầy”, “Mắt mẹ in hình các con”, “Tóc màu  suối mây...”. Những hình ảnh ấy của mẹ đã theo chị suốt cuộc đời, là điểm tựa để chị cố gắng và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Nếu như hình ảnh đôi mắt, bờ vai, dáng hao gầy... gợi nên nỗi nhớ thương mẹ thì điều gợi nhớ đến cha đối với Hoàng Anh Đậu lại là “bàn chân cha”.

 Bàn chân cha nứt nẻ
 Mùa đông máu đọng giọt sương
 Mùa hạ đạp lên khô hạn đá tai mèo
 Chân lội bùn buốt từng thớ thịt
 Bốn mùa lo toan sinh kế
 Nuôi các con ngày tháng gian truân

 Bàn chân cha không biết nghỉ ngơi
 Sáng ra đồng cày bừa vất vả
 Chiều lội suối mò tôm bắt cá
 Bao nhọc nhằn dồn xuống đôi chân
 Lá ráy rừng thay thuốc
 Bọc bàn chân những lúc sưng đau
 Cha bảo không sao
 Mắt con ngơ ngác...

Và chị đã cảm nhận: “Bàn chân cha là hình ảnh đẹp nhất đời con!”. Cảm xúc ấy không chỉ là niềm tự hào, tình yêu thương đối với cha mà còn là nỗi xót xa những vất vả, hy sinh cha dành cho các con.

Trong thơ Hoàng Anh Đậu, những tâm sự chị giãi bày không chỉ da diết nỗi nhớ thương cha mẹ mà còn là những tình cảm với quê hương - nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn chị, cất giữ một thời tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành. Tuổi thơ chị là những ngày gắn bó với cây, với rừng, với cả chiếc máng lần róc rách chảy đêm ngày...

 Rừng quê tôi
 “Cây lớn nhường cây bé
 Cây nứa nâng cây măng
 Cây cao che chở cây thấp
 Quấn quýt bên nhau
 muôn vàn mắt lá
 tinh nghịch
 Tôi lớn lên xa làng xa bản
 Nhiều khi nhớ cây trám cây măng
 ấp lánh mắt rừng
 Tìm về quê
 Tìm cây? Tìm người?”.

Những câu thơ mộc mạc, đậm chất miêu tả những điều tưởng chừng như rất đơn giản ấy lại gợi biết bao điều suy ngẫm. Nếu không có một tình yêu quê hương tha thiết thì đâu có một nỗi nhớ cây, nhớ rừng đến thế! Trong bài “Cây chò đầu bản”, chị đã ghi lại biết bao kỉ niệm tuổi thơ cùng bạn bè, thầy cô; có khi là những nụ cười nghiêng ngả khi nhìn quả chò “rơi quay lơ lửng”, có khi lại là những giây phút ngồi bên gốc chò để tâm sự như một người bạn:

  “Lắm khi ngu ngơ
  Ngồi tựa gốc
  Rễ ôm vào lòng
 Mát dịu thảo thơm...”.

Trong bài “Bên chiếc máng lần”, tôi đã rất ấn tượng với những câu thơ miêu tả bằng nhiều từ tượng thanh, tượng hình, khiến tôi có cảm nhận như đang được sà vào dòng nước mát lành:

 “Máng nước từ xa xưa
  Bàn tay cha mẹ từng mở lối
 Nắng hay mưa
 Khẽ róc rách róc rách chảy
 trong veo dòng nước mạch
 trong vắt dòng suối nguồn...”.

Những câu thơ của Hoàng Anh Đậu cũng vậy! Như dòng nước chiếc máng lần được chắt lọc từ khe núi, thơ của chị là mạch nguồn trong trẻo chan chứa những yêu thương được chắt chiu từ tâm hồn một người con luôn nhớ về cha mẹ, quê hương. Vì thế thơ chị không thiên về số lượng, chỉ thi thoảng chị mới làm thơ nhưng đó lại là những tình cảm sâu kín, thiết tha nhất.

Với khoảng 20 bài thơ, số lượng chưa nhiều nhưng Hoàng Anh Đậu đã góp một hồn thơ trong trẻo, phóng khoáng như con người của núi rừng vào làng thơ Yên Bái. Hy vọng chị sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều sáng tác thơ hay hơn nữa. 

Anh Thư

Các tin khác
Các tác phẩm đa dạng về thể loại và chất liệu nhưng đều gửi gắm chung thông điệp về chủ quyền biển đảo.

Đây đều là những sáng tác mỹ thuật mới nhất của những họa sỹ, nhà điêu khắc về đề tài chủ quyền biển đảo.

Hòa Minzy, Hoàng Yến Chibi, Gia Bảo nhí nhảnh và năng động khi chụp hình với chủ đề bãi biển.

Đêm nay (18/4), đêm chung kết tranh tài của Học Viện Ngôi Sao sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6 - Đài truyền hình Việt Nam lúc 19h55.

Trò chơi kéo co dân gian.

Hồ sơ đa quốc gia "Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống" đã được nhiều nước trong đó có Việt Nam, gửi lên UNESCO "tranh cử" danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) đại diện của nhân loại vào năm 2015.

Ngày 17-6, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đã khởi công trùng tu di tích lầu Tàng Thơ (ảnh) trong kinh thành Huế. Tổng kinh phí 24,8 tỉ đồng, kế hoạch hoàn thành vào tháng 5-2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục