Hoa văn thổ cẩm giữa non ngàn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/1/2015 | 8:13:47 AM

YBĐT - Từ bao đời nay, việc trồng lanh, dệt vải, thêu thùa, dùng sáp ong vẽ lên vải rồi nhuộm chàm tạo ra những hoa văn độc đáo trên váy áo, làm nên những bộ trang phục đậm đà bản sắc văn hóa riêng biệt đã rất gắn bó với người phụ nữ Mông.

Thêu thổ cẩm làm bằng sợi lanh. Ảnh: Đình Thi
Thêu thổ cẩm làm bằng sợi lanh. Ảnh: Đình Thi

Các cụ cao niên người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu bảo rằng, người Mông sống tự cung, tự cấp nên đã từ bao đời nay, cây lanh cũng như cây lúa, cây ngô, cây ý dĩ, hạt kê… luôn gắn bó trong đời sống của đồng bào. Bất cứ một người phụ nữ Mông nào khi đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh, dệt vải để tự tạo ra những bộ trang phục sặc sỡ đẹp mắt phục vụ cuộc sống hàng ngày của gia đình mình sau khi kết hôn.

Việc dệt vải, thêu thùa còn thể hiện sự khéo léo, chịu thương, chịu khó và đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất, cách sống của người phụ nữ Mông. Do vậy, việc sử dụng vải lanh đã trở thành tập quán truyền thống của đồng bào. Khi chọn vợ, các chàng trai Mông cũng lấy đó làm tiêu chí về một người vợ đảm đang, khéo léo.

Để tạo ra những bộ trang phục đẹp bằng vải lanh là cả một quá trình với nhiều công đoạn, đòi hỏi người phụ nữ phải có sự sáng tạo, có lòng kiên trì, hoàn thành từng phần việc, từ tước vỏ cây lanh, se lanh thành sợi, rồi nối vào với nhau thành sợi chỉ dài tạo thành tấm vải, cuối cùng là may thành sản phẩm.

Với người Mông, cây lanh luôn gắn liền các mùa vụ lúa, ngô, khoai, sắn… Khi bước vào mùa vụ, mỗi gia đình người Mông đều gieo trồng một mảnh nương lanh. Sau ba tháng, cây lanh bước vào kì thu hoạch. Cây lanh đã cắt được tước bỏ hết lá và ngọn, bó thành từng bó, đem về nhà phơi nắng cho đến lúc vỏ khô và chuyển sang màu vàng úa như cây rơm là bước sang công đoạn tước vỏ thành từng sợi nhỏ. Vỏ lanh đã tước được cho vào cối giã cho đến khi thật mềm để dễ dàng nối với nhau.

Công đoạn nối các sợi lanh không đơn giản là buộc thành mấu mà phải vê xoắn lại với nhau để sợi chỉ to đều, nó đòi hỏi sự khéo léo đến điêu luyện của người thực hiện. Sợi lanh đã nối dài lại được cho vào chảo luộc với nước tro cho đến khi vỏ lanh thô bong ra thì đem ra suối giặt và giũ sạch vỏ. Lúc này, sợi lanh đã trở thành sợi chỉ trắng tinh. Sau khi phơi khô, sợi lanh mới được dệt thành vải bằng khung cửi.

Khung cửi của người Mông rất đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ nhưng thường được làm bằng các loại gỗ quý như pơ mu, sến, dổi… để có độ cứng và bền. Khi dệt vải, người Mông thường buộc khung cửi dựa vào vách nhà hoặc cột nhà cho chắc chắn. Người thợ dệt ngồi đối diện với khung cửi và buộc đầu tấm vải vào lưng bụng. Thao tác dệt của người phụ nữ Mông  rất thuần thục: dùng tay đưa thoi, dùng chân đạp vào thanh cần để kéo sợi dây buộc vào 2 thanh kéo chỉ lên xuống để phân luồng cho tiện việc đưa thoi qua lại hai bên mép tấm vải đang dệt.

Phụ nữ Mông tranh thủ những lúc rảnh rỗi để dệt vải và thường tập trung dệt trong thời gian xong mùa vụ. Tấm vải sau dệt được đem ra nhuộm chàm, nhuộm xong sẽ đem ra trải trên một khúc gỗ cứng, to, đã được gọt nhẵn. Rồi người ta dùng một tấm ván đá đã được bôi sáp ong vào mặt phẳng của đá, chà đi chà lại trên tấm vải làm cho mặt vải bóng mịn rồi mới mang ra sử dụng. Vải lanh là loại vải rất bền giúp người Mông tạo ra những bộ trang phục truyền thống tinh tế, đẹp mắt như váy áo, khăn đội đầu, xà cạp cuốn chân của người phụ nữ.

Khoác trên người bộ trang phục bằng vải lanh giúp người Mông nhận rõ nguồn cội, kể cả khi đã rời xa cuộc sống nơi dương thế. Sự cầu kì, tinh tế trong từng hoa văn trên tấm thổ cẩm ấy không chỉ đơn thuần chứa đựng tính thẩm mĩ mà còn là nét tâm linh truyền thống của dân tộc có từ xa xưa. Vì thế, người Mông rất tự hào về nghề dệt vải lanh - một nghề thủ công truyền thống đặc sắc mà ngày nay vẫn được đồng bào đặc biệt quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát triển.

Sùng A Hồng

Các tin khác

Tối 1-1-2015 tới đây, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng trên kênh VTV 1 chương trình Ga-la “Chào 2015”, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương... Năm nay Gala “Chào 2015” có chủ đề "Âm nhạc trong phim".

Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm đêm giao thừa xuân Ất Mùi. Trong đó có 5 điểm (với 6 trận địa) tầm cao.

Nhiều tài năng của nền văn hóa thế giới đã ra đi, để lại nỗi tiếc thương với bao người hâm mộ, trong đó có những nghệ sĩ luôn mang đến tiếng cười cho khán giả.

Ban tổ chức bình chọn sự kiện VHTT&DL tiêu biểu năm 2014 của Bộ VHTT&DL hôm nay (30/12/2014) công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện văn hóa thể thao và du lịch tiêu biểu. Dưới đây là danh sách 10 sự kiện tiêu biểu đã được 133 phóng viên đại diện cho 116 cơ quan báo chí bầu chọn tại buổi họp báo sáng 25.12.2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục