Xình ca - dân ca trữ tình độc đáo của người Cao Lan

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/2/2015 | 10:05:30 AM

YBĐT - Kho tàng dân ca, dân vũ của dân tộc Cao Lan khá phong phú như múa trống, múa xúc tép, múa chim câu, múa thắp đèn, hát Xình ca… (có nơi theo phát âm địa phương là Xịnh ca), trong đó hát Xình ca mang bản sắc, hồn cốt và tính phổ thông của người Cao Lan.

Theo truyền thuyết Cao Lan, nguồn gốc của hát Xình ca là do một nữ thần thơ ca người Cao Lan có tên là Lau Slam (phiên âm Hán Việt là Lưu Tam hay Lưu Ba) sáng tạo ra và truyền dạy. Chuyện kể, Lau Slam là một người con gái Cao Lan mồ côi nhưng xinh đẹp, lại có tài múa hát và sáng tác thơ ca.

Lên 7 tuổi nàng đã sáng tác những bài đồng dao cho đám trẻ chăn trâu trong làng hát, lên 16 tuổi đã sáng tác những bài hát giao duyên cho trai làng, gái bản hát với nhau. Giọng hát của Lau Slam trong như tiếng chim hót. Khi nàng cất lên tiếng hát thì dòng sông cũng phải ngừng chảy, ngọn gió ngừng thổi. Lời hát nào của nàng cũng đẹp như bông hoa, cầu mong cho tình yêu đôi lứa hạnh phúc, cho người nghèo hết nghèo, kẻ giầu phải thương người nghèo. Đến tuổi trăng tròn, nàng yêu tha thiết chàng trai Cao Lan tên Dừn cũng nghèo khổ như mình. Nhưng anh trai và chị dâu Lau Slam ích kỉ, tham lam, sợ tiếng hát của em liên lụy đến mình đã cấm nàng ca hát và gả bán nàng cho một kẻ giầu có.

Thương nhớ người yêu, Lau Slam giả câm điếc suốt 3 năm và ấp ủ trong lòng hàng nghìn câu ca nhớ thương da diết. Khi biết tin chàng Dừn đã bị chết, Lau Slam đã tựa vào gốc cây thông đã chết khô bên bờ suối hát lên những lời thương tiếc đến khi trút hơi thở cuối cùng trong một đêm mưa gió. Sáng ra, dân làng thấy Lau Slam chết gục dưới gốc cây thông nhưng kỳ lạ thay, cây thông chết khô đã mọc lá xanh tốt, đang reo vi vu như khúc nhạc, rồi có một con chim lông trắng từ đâu bay đến đậu vào cây thông. Mọi người cho là hồn Lau Slam đã nhập vào cây thông nên nó mới sống lại, lá thông reo như khúc nhạc chính là những lời ca thương nhớ đau xót da diết của nàng Lau Slam, còn con chim lông trắng kia chính là hồn chàng Dừn nghe được lời  hát của Lau Slam mà bay đến bên nàng.

Những lời hát ấy của Lau Slam được người Cao Lan nghe và ghi nhớ rồi hát truyền từ người này sang người khác. Họ đặt tên những lời hát ấy là Xình ca và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi có chữ viết, người Cao Lan đã chép các bài hát ấy thành từng tập bằng chữ Nôm, từ tập 1 đến tập thứ 12, hát trong 12 đêm. Mỗi tập mang một chủ đề và ý nghĩa khác nhau, gồm: hát mở đầu, hát vào bản, hát trên đường (du hương ca), hát bơi thuyền vượt biển, hát chúc tụng, hát thỉnh mời nữ thần ca hát, hát về gà  gáy, hát chúc tụng chủ nhà, hát đám cưới …

Mở đầu cuộc hát là những bài hát có nội dung chào hỏi, thường là người con trai hát trước, lời ca gợi cảm, gợi tình, ca ngợi vẻ đẹp của phong cảnh và bạn gái. Bên nữ nghe nhưng chưa đáp lại ngay, thể hiện sự e thẹn, đắn đo. Khi đã hết những lời chào hỏi ban đầu, người con gái thấy có tình cảm, ưng ý thì mới hát đối lại.

Đây là một cuộc hát đối đáp giao duyên trong dịp tết:

Chàng trai hát: Mùng một, mùng hai năm mới đến/Khác gì cây trái nở hoa tươi/ Cây nở hoa tươi rồi kết trái/Con người trai gái hát kết duyên.
Cô gái vẫn im lặng xem xét, khiến chàng trai phải hát tiếp: Thứ nhất ngỏ lời xin hỏi chủ/Thứ nhì mở miệng xin hỏi làng/Nghe nói làng ta nhiều hoa đẹp/Nghĩ rằng hoa muốn bướm bay sang.

Nếu cô gái vẫn im lặng chàng trai lại hát: Lời ca thưa với các cụ ông/Đường dài dẫn lối tới bản Đông/Bản Đông hoa đẹp xin ngủ lại/Hát ví một đêm với hoa hồng.

Tuy chưa được đáp lại nhưng chàng trai vẫn ngỏ lời: Trên trời có đám mây vờn nắng/Dưới thung có đóa mẫu đơn xinh/Trăng lên hoa lại càng xinh xắn/Hỏi hoa tên họ để tâm tìm.

Lúc này đã ưng ý, cô gái mới khiêm nhường cất tiếng hát đáp lại: Tên em là một loài hoa/Họ hàng chẳng có cửa nhà thì không/Sinh thời từ thuở hồng hoang/Mẹ em là đất cha em trên trời.

Chàng trai liền ví von so sánh:  Quả sổ vỏ cong ôm lấy múi/Buồng chuối quả cong ôm lấy cành/Khi con tay dài ôm lấy mẹ/Anh muốn nằm co ôm lấy em.

Cô hái lúc này cũng chẳng vừa: Chàng ở bản xa em nhớ lắm/Em nhớ chàng nhớ cả quanh năm/Bao nhiêu vàng bạc em chẳng thiết/Nhất tâm chỉ thích cùng chàng đi chơi.

Chàng trai lại thể hiện sự kính trọng hát chúc tụng gia đình cô gái: Thơ ca kính phụng chủ nhân ông/Chủ nhân sống đặng như cây thông/Chỗ dựa con cháu trong dòng họ/Nam sơn vùng núi khó ai bì/Thơ ca kính phụng chủ nhân bà/Nuôi con người người tươi như hoa/Con trai nối dõi tông đường lớn/Con gái hoa đời chờ xuất gia/ Thơ ca kính phụng mộ tổ tiên/Mộ tổ an nơi đất long điền/Thế đất hướng về nơi cửa Phật/Cháu con hưởng thụ lộc tổ tiên.

Cô gái hát đáp lại, bày tỏ tình cảm: Cảm ơn chàng/Chàng có ngàn lời hay ý đẹp/Chúc nàng chúc cả mẹ cha em/Chúc cả anh trai cùng chị gái/Chúc chị dâu em xứng dâu tài/Em gái, em trai đều chúc cả/Chàng còn chúc cả người chồng em/Cảm ơn chàng/Chàng ca lời đẹp chúc chồng em/ Chồng em chính là chàng ngồi đó/Bao năm em sống trong nhung nhớ/Mà chàng chẳng biết cõi lòng em.

Chàng trai lại hát tiếp lời chúc: Lời ca chúc tụng đã xong rồi/Chúc cả gia đình ngôi nối ngôi/Vẫn còn thôn bản chưa lời chúc/Sống cùng thôn bản đời nối đời/Lời ca xin chúc thôn nàng sang/Đầu thôn có miếu  thờ Thành hoàng/Ngày rằm mùng một đèn nhang sáng/Cầu thần phù hộ được dân an…
Xét ở bình diện nghệ thuật, Xình ca là một thể loại dân ca trữ tình, đối đáp giao duyên, không có nhạc đệm, chủ yếu là sự linh hoạt ứng đối về giai điệu của người hát trong từng tình huống hát. Trước khi vào lời hát có phần lên giọng ngân dài lấy nhịp kiểu như trong hò của người Kinh có câu "hò ơ!" hay trong hát Coọi của người  Tày có câu "ứ… ơi… ứ… hợi" 3 lần. Phần lời bài hát thường là thơ thất ngôn tứ tuyệt, nếu tách riêng, nó như một bài ca dao dân gian trữ tình.

Nhìn từ bình diện văn hóa thì hát Xình ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của người Cao Lan. Người Cao Lan hát Xình ca khi vui  tết, trong lễ hội (lễ hội đình làng, lễ hội đám chay, lễ hội khai đèn), hát trong đám cưới, mừng nhà mới, hát ngay cả lúc lao động, với nhiều mục đích khác, nội dung khác nhau, như hát chúc tụng, hát ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, con người hoặc hát để so tài nhưng đặc sắc nhất là hát giao duyên của thanh niên nam nữ.

Nơi hát có thể ở đình làng, ở nhà riêng hoặc có thể hát ngay trên đường đi. Khi hát Xình ca bao giờ các đôi hát, đám hát cũng có lời mời thánh ca Lau Slam về nhập cuộc hát: "Đôi ta cùng  hát lời cầu thỉnh/Thỉnh cầu bà thánh hát thi ca/Bà thánh thi ca Lau Slam đến/Lau Slam là người tác thi ca". Đối với người Cao Lan, Lau Slam là nữ thần thơ ca, nghệ thuật độc đáo, là biểu tượng của cái đẹp, cái cao cả và những giá trị đạo đức, tinh thần trong cuộc sống. Điều này không phải dân tộc nào cũng có.

Hiện dân tộc Cao Lan ở Yên Bái có trên 7.000 người, sống chủ yếu tại các xã: Tân Hương, Đại Đồng, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai (huyện Yên Bình); Hòa Cuông, Minh Quán (huyện Trấn Yên); Yên Phú, Yên Hợp (huyện Văn Yên). Vì nhiều lẽ, hát Xình ca đã bị mai một, đặc biệt là lớp trẻ không hiểu, không biết hát Xình ca. Vì muốn bảo tồn một nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình, nghệ nhân Lạc Tiên Sinh ở thôn Khe Gầy (xã Tân Hương, Yên Bình) - một người có nhiều hiểu biết về văn hóa Cao Lan và đam mê hát Xình ca đã sưu tầm, mở lớp truyền dạy hát Xình ca tại thôn Khe Gầy từ năm 2009, nay đã có tới gần 50 người biết hát.

Mùng 4 Tết Nguyên đán 2014, thôn tổ chức Lễ hội xuân, hát Xình ca thu hút rất đông bà con Cao Lan trong xã đến xem. Hát Xình ca ở thôn Khe Gầy đã được nhiều người biết đến. Ban Quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái đã khảo sát, đánh giá; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã ghi hình, phát sóng, mới đây Chương trình Văn hóa đối ngoại của Đài Truyền hình cáp (VTC) cũng đã có một phóng sự truyền hình giới thiệu với bạn bè quốc tế về hát Xình ca của người Cao Lan thôn Khe Gầy.

Từ sự thành công của việc truyền dạy hát Xình ca thôn Khe Gầy, nghệ nhân Lạc Tiên Sinh đã không quản ngại tuổi cao, thời gian và công sức đến các thôn bản khác trong xã truyền dạy hát Xình ca. Đến nay, các thôn Ngòi Vồ, Khe Giỏ, Khuôn La, Yên Thắng, Loan Hương cũng đều có các nhóm hát Xình ca từ 15 đến 30 người. Không chỉ dừng lại trong địa bàn xã Tân Hương, nghệ nhân Lạc Tiên Sinh còn tổ chức giao lưu hát Xình ca trong và ngoài tỉnh. Tháng 1 năm 2015, Câu lạc bộ hát dân ca của xã Tân Hương do nghệ nhân Lạc Tiên Sinh làm chủ nhiệm chính thức ra mắt.

Trong buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ, nghệ nhân Lạc Tiên Sinh xúc động chia sẻ: "Tôi học hát từ năm 17 tuổi, không khí sôi nổi của những đêm hát Xình ca còn đọng lại mãi trong tâm trí. Từ đó tôi quyết tâm học và sưu tầm các bài hát. Đến nay, tôi có thể hát được tới hàng trăm bài Xình ca. Tôi rất vui vì mong muốn của tôi là bảo tồn và phát triển hát Xình ca trong cộng đồng người Cao Lan và giới thiệu với các dân tộc khác đã được các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ, để hát Xình ca của người Cao Lan cũng như Khắp coọi của người Tày, hát Páo dung của người Dao…, những làn điệu dân ca trữ tình, giao duyên ấy sẽ còn mãi với thời gian, mãi là nhịp cầu cho những đôi lứa trẻ tuổi tìm đến với nhau".

Hiền Lương

Các tin khác
Bộ DVD “Một thời và mãi mãi” của NSND Quang Thọ gồm 38 ca khúc nổi tiếng qua hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được trao 
giải A.

Ngày 3/2/2015, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiến hành trao giải cho các tác giả, chương trình đã có những tác phẩm âm nhạc xuất sắc trong năm 2014.

Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa quyết định xếp hạng 5 di tích quốc gia tại tỉnh Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ và Bình Thuận.

Các mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày từ năm 2013

Sáng 3/2, BTC Kỷ niệm các ngày lễ lớn T.p Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khai lò và đổ mẻ đồng đầu tiên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Hội Báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015 sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với nhiều nội dung phong phú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục