Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2015 | 8:13:34 AM
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Ngọc Khanh cho biết ca Huế vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trình diễn tiết mục múa hát "Dâng chúc chén quỳnh"
|
Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc; trong đó, văn chương và âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng mà tinh tế, dân gian mà bác học.
Ca Huế đã có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa-Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế hiện nay). Trong cái nôi của vùng văn hóa Huế vốn rất đặc thù, ca Huế là thú chơi tao nhã của các văn nhân tài tử.
Ca Huế đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, không chỉ trên sông Hương, mà còn được trình diễn ngay cả trong các thính phòng, khách sạn tại Huế.
Để nâng cao chất lượng ca Huế phục vụ khách du lịch, tỉnh Thừa Thiên-Huế quy định mỗi chương trình ca Huế dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách nước ngoài); phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo; có tối thiểu 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng...
Hiện ngoài 4 đơn vị của Nhà nước được phép tổ chức các tour ca Huế trên sông (Nhà văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế, Đoàn ca kịch Huế và Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế), còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân... có thuyền rồng, thuyền phụng chưa có giấy phép vẫn tham gia vào dịch vụ này.
Việc làm này gây nên tình trạng một số diễn viên, nhạc công chưa được đào tạo bài bản vẫn tham gia biểu diễn, làm giảm chất lượng và uy tín của bộ môn ca Huế trên sông; tình trạng tranh giành, nài ép du khách mua các sản phẩm băng đĩa vẫn còn tiếp diễn.
Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành mở các chương trình bồi dưỡng nội dung, thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sỹ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sỹ này có người đang hoạt động tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh và cả những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khác.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã quy định mức thù lao cho các nghệ sỹ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế tối thiểu là 150.000 đồng/người/suất diễn; tổ chức, cá nhân nào nâng giá tùy tiện sẽ bị tước giấy phép hoạt động...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ormette Coleman, một trong những nghệ sỹ nổi tiếng của dòng nhạc jazz, đã qua đời ở tuổi 85 vào ngày 11/6.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ ngày 9-13/8/2015, tại tỉnh Tuyên Quang sẽ diễn ra Liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Bộ phim hài “Enemies In-Law” (tên tiếng Việt là “Sui gia đại chiến”) của Hàn Quốc là phần kế tiếp của “Meet the In-Law” (2011).
Trong các ngày 6-7/6, thành phố Hamar của Na Uy tưng bừng diễn ra Lễ hội trẻ em quốc tế 2015. Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã tích cực tham gia và ghi dấu ấn đặc biệt với khách quốc tế.