Học trò tề tựu đưa tiễn Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang lần cuối
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2015 | 1:13:52 PM
Những mái đầu tóc xanh đến bạc phơ, từ Nam tới Bắc có mặt đông đủ trong lễ đưa tiễn người nghệ sĩ bậc thầy với niềm thương tiếc và kính trọng.
Lãnh đạo Nhà nước, gia đình, các nghệ sĩ học trò thương tiếc đưa linh cữu NSND Đình Quang về nơi an nghỉ.
|
Sáng 16/7, lễ đưa tang Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đình Quang diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, Hà Nội, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì. Sự ra đi của bậc thầy sân khấu Việt Nam có phần đột ngột, bởi ông tuy tuổi đã cao nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Đầu tháng 7, trong chuyến du lịch Đà Nẵng cùng gia đình, ông bất ngờ đổ bệnh, phải vào viện cấp cứu và qua đời rạng sáng 13/7 tại đây.
Dù cố giữ bình tĩnh để lo tang lễ cha được chu toàn, biên tập viên Mỹ Linh vẫn không nén được sự thương xót. Đôi mắt nhòa lệ, chị đổ gục xuống ghế và khóc khi nhìn mặt người cha nhân từ. Trước đó, trong những ngày chăm sóc cha ở Đà Nẵng, chị chia sẻ tình cảm với cha trên trang cá nhân: "Thương bố nhất là vì không bao giờ yêu cầu gì ở con cái. Mời đi chơi cũng nói mãi mới đi, mua gì biếu cũng chỉ là thứ nhỏ nhỏ xinh xinh... Đừng hỏi xem con có mệt không, cũng đừng nói 'con giúp bố nhé, phiền con quá! Dứt khoát mình sẽ về Hà Nội bố ạ".
Bà Mỹ Hạnh - vợ của NSND Đình Quang - khóc run lên trong giờ phút tiễn đưa người bạn đời. Các cháu chốc chốc lại chạy tới ôm bà như vừa an ủi, vừa tìm sự chở che khi mất đi người ông đáng kính.
Nỗi đau mất mát của gia đình NSND Đình Quang được chia sẻ bởi các cấp lãnh đạo Nhà nước. Tiếc thương một người có công lao cho nền sân khấu, văn hóa nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi vòng hoa tới viếng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhận xét công lao của người quá cố: "NSND Đình Quang đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam như một nhà khoa học, một đạo diễn tài năng, cây đại thụ của nền sân khấu. Ông được nhiều người gọi bằng cái tên thân mật là 'thầy Quang'... Cả đời ông đã yêu thương, hết lòng quan tâm tới sự tiến bộ nghệ thuật, nâng bước bao nghệ sĩ. Bài giảng của ông trở thành những giáo trình mẫu mực. Khi làm thứ trưởng, ông là người tận tụy, liêm chính".
Nhiều bậc lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa nước nhà như: Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh, ông Lê Tiến Thọ (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Lê Chức (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)... tới thành kính phân ưu trước linh cữu người nghệ sĩ bậc thầy.
Qua đời ở tuổi 87, NSND Đình Quang không còn nhiều bạn cùng thế hệ, một trong số ít còn lại là Giáo sư Vũ Khiêu. Có mặt từ sớm để tiễn bạn, vị Giáo sư 99 tuổi không giấu được sự xúc động. Ông khóc và nhớ lại những năm tháng kết bạn cùng Đình Quang. Tuy cách nhau một giáp tuổi, hai vị Giáo sư đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghĩa tình thân thương, ân tình đồng chí, đồng nghiệp. Giáo sư Vũ Khiêu rưng rưng: "Tôi nói sao hết lòng đau thương của tôi trước sự ra đi này".
Các học trò của Đình Quang từ Nam chí Bắc, từ những mái đầu bạc phơ tới người tóc xanh đã tề tựu khóc thầy. Lứa học trò năm 1960 - 1964 của Đình Quang nay đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, họ đều trưởng thành, giữ những trọng trách của sân khấu nước nhà, như NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Bùi Đắc Sừ, NSƯT Mỹ Dung... Từ miền Nam, các nghệ sĩ Đoàn Dũng, Thế Anh, Trà Giang đã tới tận nghĩa trang, thắp nén nhang tiễn thầy về với đất.
Là học sinh khóa đầu tiên trường Nghệ thuật Sân khấu, NSND Doãn Châu nghẹn ngào: "Từ hôm thầy mất tới nay, những kỷ niệm với thầy hiện về như một thước phim quay chậm. Gắn bó với thầy từ năm 1960, thế hệ chúng tôi được hưởng những kiến thức uyên bác, minh triết, và sự tận tụy của thầy. Thầy Đình Quang đã cho tôi cả sự nghiệp sân khấu, vun vén nên hạnh phúc gia đình tôi". NSND Doãn Châu cho biết, từ sau khi nghỉ hưu, ông và các bạn học vẫn thường gặp thầy, đi chơi cùng nhau ở nhiều nơi trên đất nước. "Nếu không có sự việc quá xấu này, chúng tôi đã hẹn đón thầy tới gặp mặt vào đúng hôm nay - 16/7. Ấy vậy mà thời gian và quy luật cuộc sống không trừ một ai...".
Tuy không được Đình Quang trực tiếp giảng dạy, NSND Hoàng Dũng vẫn luôn coi ông là bậc thầy trong nghề nghiệp. Với niềm xúc động, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhớ những lần tiếp xúc, học hỏi, được diễn trong kịch mà ông làm đạo diễn. "Thầy Quang làm lãnh đạo Bộ Văn hóa và thường xuyên đi xem kịch. Sau mỗi buổi diễn, thầy đưa nhận xét xác đáng cho tôi. Tôi và nhiều đồng nghiệp lớn lên sau từng lời nhận xét chi tiết, khắt khe nhưng đầy hướng xây dựng ấy. Thầy Quang không chỉ là nhà văn hóa lớn, mà còn là một nhà phê bình nghệ thuật xuất sắc là bởi vậy".
Ông Trương Nhuận tới viếng Đình Quang bằng lòng biết ơn sâu sắc. Với Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Đình Quang là một ân nhân. Năm 1980, khi Trương Nhuận vừa tốt nghiệp đại học thì gặp khó khăn do hoàn cảnh xã hội mang lại. Đình Quang là người thấu hiểu, bằng nhân cách lớn và lòng nhân từ đã đứng ra bảo lãnh, nhận Trương Nhuận về làm giảng viên trẻ nhất tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh.
Qua bao thăng trầm, giờ đây khi là người đứng đầu một nhà hát uy tín, năng động của thủ đô, Trương Nhuận ghi nặng công lao của Đình Quang. Anh thổ lộ: "Lòng bao dung của cụ, cùng với việc cụ luôn dạy hậu sinh biết vươn lên, tin vào cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống làm nên một tư cách, nhân cách lớn lao. Tôi biết mình vĩnh viễn mang ơn cụ".
Lễ tang NSND Đình Quang dự kiến tổ chức từ 7h30 tới 9h30, nhưng quá đông học trò tới viếng, nên phải kéo dài tới hơn 10h. Linh cữu ông sau đó được ra xe để đưa tới nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình an táng.
Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Nguyễn Đình Quang sinh năm 1928, là đạo diễn sân khấu, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu lý luận sân khấu, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cùng nhiều huân, huy chương cao quý.
(Theo VOV)
Các tin khác
Ngày 15-7, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, các giáo sư của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) đã nghiên cứu các ký tự cổ được viết lên hang Bi Ký trong động Phong Nha là chữ viết của người Chăm cách đây 1.000 năm.
Lần đầu tiên trong lịch sử 9 năm tổ chức cuộc thi hát Sao Mai sẽ có màn thi hát đôi giữa những thí sinh lọt vào vòng chung kết xếp hạng. Đó là điểm mới nhất của cuộc thi Sao Mai 2015.
Chương trình Bài hát yêu thích tháng này diễn ra vào tối 17-7 sẽ dành phần mở đầu tưởng nhớ 3 vị nhạc sĩ: nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ An Thuyên.
Như tin đã đưa, tối 14/7, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, đã diễn ra Lễ khai mạc “Triển lãm Ảnh và phim phóng sự - tài liệu trong cộng đồng ASEAN tại Việt Nam năm 2015”.