Câu lạc bộ "Văn hóa Tày" Xuân Long: Lưu giữ ngọn lửa văn hóa truyền thống
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 3:15:37 PM
YênBái - YBĐT - Là một trong những xã có phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi của huyện Yên Bình, những năm qua Xuân Long đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cùng bảo vệ, gìn giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống như các làn điệu dân ca hát then, hát coọi, hát quan làng, hát phong slư... của dân tộc Tày ở vùng Đông hồ Thác Bà.
Các thành viên CLB "Văn hóa Tày" xã Xuân Long chuẩn bị trang phục truyền thống biểu diễn văn nghệ.
|
Toàn xã miền núi này có trên 87% dân số là người Tày, những năm qua xã đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội cho nhân dân. Đặc biệt là đường giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Từ đó, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, những đổi thay đó có sự giao thoa về kinh tế, đời sống, văn hóa giữa các dân tộc và các vùng miền với nhau. Trong đó có văn hóa ứng xử, giao tiếp, chữ viết, ngôn ngữ truyền thống của người Tày nơi đây đã mai một dần, phần lớn người dân không chỉ ở Xuân Long mà cả vùng Đông hồ này còn rất ít người sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, không còn hát các làn điệu dân ca và cũng không mặc trang phục truyền thống, thay vào đó là sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt), dùng trang phục Âu - Á thời thượng.
Để khơi dậy tình yêu quê hương, yêu tiếng mẹ đẻ của chính dân tộc mình, xã Xuân Long đã thành lập câu lạc bộ (CLB) "Văn hóa Tày" và sau khi đi vào hoạt động đã thu hút đông đảo bà con tham gia. CLB không chỉ có các cụ già tham gia sinh hoạt mà còn thu hút được nhiều thanh niên nam, nữ và các em nhỏ tuổi đến luyện nói, tập múa, học hát thường xuyên.
Gặp chúng tôi, ông Đặng Ngọc Thông - Chủ nhiệm CLB Văn hóa Tày xã Xuân Long tâm sự: "Hiện nay, hầu như lớp trẻ đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, ít nói tiếng Tày nên đã làm cho tiếng mẹ đẻ mất dần đi theo năm tháng. Để lưu giữ tiếng nói, bài hát dân ca, điệu nhảy, câu truyện cổ tích, truyền thuyết và trang phục truyền thống của dân tộc mình là vấn đề nan giải. Trăn trở mãi, tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập CLB "Văn hóa Tày" để phục dựng, lưu giữ và phát triển những nét đẹp văn hoá đặc sắc đang có nguy cơ mất dần".
Năm 2013, CLB "Văn hóa Tày" của xã Xuân Long được thành lập, thì nay đã có 27 thành viên sinh hoạt thường xuyên, người lớn tuổi nhất là trên 80 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, dù bận rộn rất nhiều công việc nhưng các thành viên trong CLB đều tự sắp xếp, bố trí thời gian để tham gia sinh hoạt. Tại các buổi sinh hoạt, các cụ ông, cụ bà thuộc bậc cao niên còn thông thạo tiếng Tày và lưu giữ được các bài hát hay, câu chuyện cổ tích, thần thoại… đã tích cực truyền dạy cho lớp trẻ để làm sao phát âm chuẩn ngữ, chuẩn từ. Chị Hà Thị Lý - thôn 5 cho hay: "Với tình yêu quê hương, yêu dòng tộc, tôi đã tự nguyện tham gia vào CLB "Văn hóa Tày" của xã để được học hỏi, nâng cao hiểu biết và nhận thức về giá trị văn hoá và biết được những nét đẹp của văn hoá dân tộc mình. Ngoài việc luyện hát, tập múa, tôi còn cùng với các thành viên trong CLB tích cực tuyên truyền vận động các bạn trẻ tham gia để cùng gìn giữ những nét độc đáo của văn hóa dân tộc mình và giới thiệu với bạn bè gần xa".
Nhằm giúp thế hệ trẻ càng thêm yêu và quý những nét đẹp đặc sắc trong văn hóa truyền thống, thời gian qua, CLB "Văn hóa Tày" đã tích cực phối hợp với Trường THPT - THCS Xuân Long mở lớp học hát cho 19 em học sinh trong nhà trường theo học. Khi tham gia, các em không chỉ được học nói tiếng Tày mà còn được hướng dẫn cách hát, cách biểu diễn và sáng tác các làn điệu dân ca mới để trở thành hạt nhân tích cực giúp các bạn khác biết trân trọng và gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình.
Em Hoàng Thị Ngôi - học sinh lớp 7, Trường THPT - THCS Xuân Long cho biết: "Trước đây bố mẹ, ông bà em biết nói tiếng Tày nhưng khi đi học, em được dạy nói tiếng phổ thông và về nhà mọi người thường nói chuyện với em bằng tiếng phổ thông nên em dần đánh mất đi bản sắc của mình. Bây giờ em muốn biết tiếng, muốn biết hát bằng ngôn ngữ của dân tộc mình để còn giao tiếp, giao lưu với bạn bè ở các vùng, miền. Em đã xin vào sinh hoạt tại CLB "Văn hóa Tày" này để học hát, học nói tiếng Tày. Ở trường em còn nhiều bạn cũng muốn đến với CLB để học hát dân ca Tày nữa đấy…".
Để những làn điệu dân ca, tiếng nói và trang phục truyền thống của dân tộc Tày của xã Xuân Long nói riêng và huyện Yên Bình nói chung luôn phát triển trường tồn cùng với thời gian, CLB "Văn hóa Tày" của xã Xuân Long đã không ngừng đổi mới nội dung sinh hoạt, tìm tòi, sưu tầm và sáng tác nhiều bài hát, tiết mục có nội dung phong phú, phù hợp trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Nhiều bài hát đã thực sự đi vào lòng người với tình yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, tình cảm của đồng bào với Đảng, Bác Hồ...
Với niềm say mê, các thành viên của CLB đã tích cực vận động con cháu, dòng họ, bạn bè trong thôn, trong xã cùng bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, bởi đó là một phần văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Cũng từ đó đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ là những hạt nhân văn hoá, văn nghệ tiếp sức cho ngọn lửa truyền thống phát triển, thực sự trở thành những nghệ nhân văn hoá quần chúng nhiệt huyết tại cơ sở. Chứng kiến một buổi sinh hoạt của CLB "Văn hóa Tày" xã Xuân Long, mới thấy hết được giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, khẳng định sức lan tỏa mãnh liệt của văn hóa Tày ở vùng Đông hồ này.
Vàng Mai
Các tin khác
"Một nén hương thơm vạn tấm lòng" là tác phẩm vừa được Nhà xuất bản Công an Nhân dân ra mắt công chúng.
Thông tin từ gia đình nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang cho biết, Lưu Hồng Quang (sinh năm 1990) đã đoạt giải nhì cuộc thi Euregio Piano Award.
Ban tổ chức Bài hát Việt sẽ dành một phần của chương trình tháng này để tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên.
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học mang tên "Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác 'Truyện Kiều'."