Theo Thế Quynh “vào” “Mường Lò”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2015 | 2:45:37 PM

YênBái - YBĐT - Ví như ai đã từng quen biết Mường Lò, hẳn sẽ gặp lại bao điều như thực như mơ đã từng làm mình vấn vương buổi nào. Hỏi sao ai không thao thiết: “Anh có vào Nghĩa Lộ" cho được, chứ đâu riêng gì tâm hồn người nghệ sĩ?

Theo Thế Quynh “vào” “Mường Lò” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2015) bắt gặp tất cả những điều làm nên thơ mộng quyến rũ của mảnh đất này này trong bài thơ được lấy làm tên tập thơ:

"Gạo trắng nước trong cho làn da em mịn
Và tóc em xanh hơn rêu suối
Bờ vai Mường Lò tròn đá cuội
Để Ngòi Thia lưu luyến mãi chẳng rời"
 

(Mường Lò)

“Miền gái xinh” được vẽ lên đầy mê hoặc, đắm say lòng người qua tâm hồn nghệ sĩ với "chén rượu thơm", "câu khắp Thái", "bước chân xòe bổi hổi" đến "vầng trăng chênh chao trên khau cút nhà sàn"… Ví như ai chưa từng đến nơi này mà gặp Mường Lò thơ ca của Thế Quynh hẳn nhiên cũng muốn một lần tìm đến. Ví như ai đã từng quen biết Mường Lò, hẳn sẽ gặp lại bao điều như thực như mơ đã từng làm mình vấn vương buổi nào. Hỏi sao ai không thao thiết: “Anh có vào Nghĩa Lộ" cho được, chứ đâu riêng gì tâm hồn người nghệ sĩ?

Hơn năm chục bài thơ trong tập thơ "Mường Lò" không chỉ có một “miền gái xinh” huyền ảo mà Thế Quynh còn "dắt" ta vào Mường Lò, lên Suối Giàng, về Trạm Tấu hay đến xứ Mù Cang - những góc quê hương đất trời Yên Bái thân thuộc, rồi quen mà lạ, mà đẹp ngỡ ngàng trong thơ:

"Hoa mận nở trắng rừng
Suối Giàng thôi rét giá
Chè Shan bừng mắt lá
Đất trở mình sinh sôi"   

(Mùa xuân Suối Giàng)

Xuân Suối Giàng tươi mới là thế, còn Trạm Tấu trong lần đầu gặp gỡ với tác giả đã gọi về nhớ nhung, với "Lơ thơ mái nhà sàn/ Mây trắng vờn lưng núi…./ Thung lũng chiều nắng quái/ Bóng em nhòa lưng nương/… Lòng nao nao nỗi nhớ/… Trạm Tấu lạ thành quen" (Đường vào Trạm Tấu). Và đây là những nấc thang vàng Mù Cang Chải đã làm nên danh thắng:

“Những bậc thang cứ bắc lên trời
Núi vươn cao níu trăng vào cõi mộng
Sao rắc hạt giống vàng nở đầy nương ruộng
Rực rỡ váy thêu như công múa gọi mùa
”  

(Lên Mù Cang Chải)

Những sóng lúa ruộng bậc thang mộng mơ, huyền ảo mà lại mồn một hiện hữu trong từng câu chữ được chắt ra từ tình yêu với đất trời nơi cao nguyên xứ Mù Cang. Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang nơi này có lẽ chẳng lạ gì với nhiều người ấy thế mà có khi vẫn ngỡ ngàng về “những nấc thang tới trời” được bắc lên trong thơ Thế Quynh.

Làn da Mường Lò, sức xuân Suối Giàng hay những nấc thang vàng Mù Cang Chải… - Yên Bái thật mộng và thơ và thanh bình. Thế Quynh không sinh ra trên mảnh đất này nhưng có đến mấy chục năm gắn bó nên cũng đã thành quê hương yêu dấu. Và độc giả bắt gặp rõ ràng lắm tình yêu xứ núi ấy trong tâm hồn người nghệ sĩ với từng hình ảnh, tứ thơ.

Trong tình yêu ấy, còn sâu nặng cả tình cảm của một người con dân đất Việt với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mà xúc cảm chợt trào dâng dạt dào khi nhắc tới những địa danh quê hương in dấu chân Người: một Nghĩa Lộ miền Tây với nhà sàn Bác Hồ, một Viễn Sơn (Văn Yên) với cây quế Bác Hồ, hay Làng Vần chiến khu cách mạng làm theo lời Người:

“Giống bao ngôi nhà của người Thái, người Tày
Giản dị, đơn sơ như cuộc đời Bác vậy
Ánh sáng niềm tin cháy lên từ nơi ấy
Thị xã miền Tây nguyện tiếp bước theo người” 

 (Nhà sàn Bác Hồ ở Nghĩa Lộ)

Rồi ở “Mường Lò”, Thế Quynh còn đưa ta trải nghiệm bao miền đất ngoài xứ núi Yên Bái thân thương, là những nơi in dấu chân tác giả, in dấu cảm xúc với từng miền đất, địa danh. Có thể là “Lưng trời câu hát trong veo/ Vẳng bên tai tiếng quân reo thuở nào” nơi đèo Pha Đin; có thể là “Phiên chợ cuối tuần dệt khung trời thổ cẩm/ Vó ngựa thênh thang vượt dốc Ô Quý Hồ” nơi Sa Pa - thành phố trong mây; có thể là “Tiếng chuông trong gió bồng bềnh/ Tìm về đất Phật nhẹ thênh kiếp người” trong đường lên Yên Tử; có thể là “Chỉ có cát trắng, rừng dương/ Trang nghiêm ngàn ngôi mộ đá/ Chao nghiêng, cánh cò bay lả/ Nơi nao thao thiết tìm về” nơi Nghĩa trang Hàng Dương…

Như một lẽ tự nhiên, văn thơ là nơi gửi gắm bao tâm tình, bao suy ngẫm trước cuộc đời của người viết. Nhiều tứ thơ trong tập thơ “Mường Lò” cũng vậy - chất chứa bao tâm sự cuộc đời của Thế Quynh. Vốn dĩ tâm hồn người nghệ sĩ dễ đa đoan. Thế Quynh cũng không ngoại lệ: Một tiếng rao đêm cũng gợi niềm trắc ẩn, mấy lá vàng rơi đã nghe heo may gió trở gọi đông về:

“Tiếng rao đêm, tiếng rao ngày
Không chua, không chát mà cay mắt mình”

 (Hàng rong)

Rồi lại gặp một Thế Quynh với hoài niệm về những miền xưa cũ, khi đã qua bao thăng trầm cuộc sống, có khi chỉ bởi một thanh âm quen thuộc thuở nào:

“Nhạt nhòa hình bóng cố hương
Bờ tre, mái rạ, con đường hút xa
Đêm nay vọng một tiếng gà
Nao nao nỗi nhớ quê nhà… nao nao”

 (Tiếng gà)

Cũng có khi là hình ảnh ngôi nhà xưa, của những ngày còn khốn khó:

“Ngôi nhà xưa cứ hiện về trong mơ
Mái lá trống tuênh lúc trời giông gió
… Ngôi nhà xưa hiện về trong mơ
Khi giữa phòng xây, nệm êm, chăn ấm
”   

(Ngôi nhà xưa trong mơ)

Hẳn rằng, những hoài niệm riêng ấy của Thế Quynh sẽ chạm tới xúc cảm  chung của bao người. Cũng cố hương chôn rau cắt rốn, cũng những ngày nghèo khó hàn vi, cũng những đứa bạn thuở chăn trâu những ngày thơ ấu…, bởi ai từ làng bước ra mà không một lần thương nhớ gọi về.
Thế rồi, phải đâu riêng nỗi hoài niệm xưa xa, ở cái tuổi đã nhiều trải nghiệm đến vậy, Thế Quynh còn có cả sự tĩnh tại trước cuộc đời, có những đúc rút rằng điều gì cuối cùng là quan trọng nhất trong cuộc sống này:

“Rồi cũng đi Đá Bia
Rồi cũng về Đầm Hát
…Trút gánh nặng hai vai
Nợ trần ai chưa trả
Mai sau thành xa lạ
Bia đá cũng mỏi mòn
Tiếng thơm còn ở lại
Tô thắm vào nhân gian”.
  

(Đời người)

Ừ phải, “rồi cũng đi Đá Bia, rồi cũng về Đầm Hát” mà - là tự ngẫm của tác giả, sao cứ như một lời nhắc nhở, để bỗng người ta muốn sống chậm lại, ngẫm ngợi nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn, hiểu thêm nhiều điều có ý nghĩa hơn giữa cuộc sống ồn ã này.

Đọc “Mường Lò”, lúc thấy xốn xang theo bước chân tác giả, khi chợt chùng lòng mà ngẫm ngợi, nghĩ suy, lắng lại tận đáy tâm hồn nhiều xúc cảm không thể gọi tên, từ những câu thơ mộc mạc, tự nhiên như chính lòng người viết.

Thu Hạnh

Các tin khác

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2015), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm mới về Hà Nội, đó là tiểu thuyết “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” của tác giả Trần Văn Thụ và tập tản văn “Thương thế, ngày xưa…” của nhà văn Lê Minh Hà.

Các nữ sinh tham gia vòng sơ khảo cuộc thi “VMU 2015” năm 2014.

Sau 2 tháng nhận hồ sơ, Cuộc thi Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2015 (Vietnam Miss University 2015) sẽ chính thức bước vào vòng sơ khảo đúng ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Ảnh minh họa.

Học viện Âm nhạc Huế và Dàn nhạc Giao hưởng thính phòng Hà Nội sẽ biểu diễn chương trình opera "Giai điệu mùa thu" tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) vào tối 10/10.

Nhà báo - nhà văn Svetlana Alexievich là người phụ nữ thứ 14 trong lịch sử giành giải Nobel Văn học.

Bà Svetlana Alexievich trở thành người phụ nữ thứ 14 trong lịch sử chiến thắng giải thưởng Nobel Văn học 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục