Hồn rêu đá
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2015 | 10:00:24 AM
YênBái - YBĐT - Du khách đến thăm thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái vào mùa nắng, đứng trên cầu bắc qua suối Thia thấy cả một quãng suối dài từ thượng nguồn đổ về tung bọt trắng xóa, tạo nên muôn sắc cầu vồng. Đây đó các cô gái Thái đang nhẹ nhàng tách từng cụm rêu bám vào gờ đá, chùm rêu xanh mướt được dòng nước vuốt mượt mà như suối tóc.
Rêu đá được người Thái không chỉ ở Nghĩa Lộ mà ở khắp vùng Tây Bắc chế biến thành những món ăn thơm ngon. Chắc chắn trong bữa cơm đón khách quý phương xa, bạn sẽ được thưởng thức món rêu đá, món ăn quý, thơm ngon, lạ miệng và ẩn chứa cả một huyền thoại về tình yêu.
Rêu đá có thể xôi, xào, nướng hay nấu canh... Những gia vị không thể thiếu như: củ sả, gừng tươi đập dập, lá húng thái nhỏ, hạt xẻn đập tơi - (một loại hạt cay như hạt tiêu)…
Lần đầu được thưởng thức món rêu đá, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước hương vị độc đáo: bùi, thơm, ngọt, mát hòa cùng mùi vị thơm cay, tê tê của gia vị. Dư vị sau bữa ăn ngọt mãi như gợi một nỗi niềm. Chẳng khác nào nỗi xao xuyến đọng lại sau mỗi đêm hội xòe cùng các cô gái Thái xinh đẹp, hay dư âm một điệu khèn da diết lúc bình minh… Bên bếp lửa bập bùng, bạn sẽ được nghe chủ nhà kể về sự tích suối Thia và rêu đá:
- Ngày xưa, ở một bản Thái nọ có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Người con trai vạm vỡ, to khỏe, giỏi săn bắn, tài thổi khèn thổi “pí” - sáo.
Cô gái khuôn mặt đẹp như trăng rằm, da trắng như bông, thân mình uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ, lại khéo quay xa, dệt vải. Đặc biệt, mái tóc đen dài óng ả của cô luôn tỏa hương thơm ngát. Mỗi lần anh trai bản thổi khèn, cô gái cất giọng hát, là tất cả núi ngàn và chim muông dường như cũng im lặng lắng nghe. Gần đó có một tên chúa đất vô cùng tham lam và độc ác. Cậy thế lực, tên chúa đất quyết ép cô gái về làm nàng hầu. Đôi trai gái không cam chịu, họ rủ nhau trốn vào rừng. Hai người chạy mãi cho đến khi kiệt sức gục ngã trên một đỉnh núi cao và chỉ còn biết than khóc cho mối tình tuyệt vọng. Nước mắt của cô gái chảy mãi, chảy mãi rồi hóa thành dòng suối lớn đổ về đồng bằng Nghĩa Lộ.
Anh trai bản gắng trút hơi tàn thề nguyền: “Sống không lấy được nhau thì chết sẽ mãi mãi bên nhau”, rồi nhảy xuống dòng suối trẫm mình. Thân thể anh vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan và biến thành muôn mảnh đá. Cô gái chỉ kêu lên được một tiếng đầy bi thương rồi buông mình theo dòng nước xiết, mái tóc dài của cô hóa thành làn rêu xanh biếc bám chặt vào các mảnh đá. Thứ rêu này người Thái gọi là “Cay” và dòng suối được gọi là “Nặm Xia” - suối mất, hay suối nước mắt. Dân bản quanh vùng lấy rêu về ăn thấy thơm ngon đậm đà và từ đấy trở thành món ưa thích được dùng trong những bữa ăn, đặc biệt để đãi khách quí và dùng trong các tiệc cưới, hội xuân.
Bây giờ dòng suối “nước mắt rơi” đã trở thành dòng suối “nước mắt vui”. Đêm đêm trong các bản, những nghệ nhân văn hóa dân gian vui mừng truyền dạy cho con cháu những lời ca, điệu khèn, điệu múa… của dân tộc một thời tưởng chừng đã bị lãng quên vì sự đô hộ của thực dân và phong kiến. Dòng suối Thia tưới mát cho cánh đồng, mường bản, ươm bao mùa trĩu hạt trái sai, hoa thơm mật ngọt và bao lứa đôi hạnh phúc. Đêm đêm tiếng chày cối nước thậm thình như nhịp đập của con tim báo mùa no ấm.
Đến thăm Nghĩa Lộ dù chỉ một lần, bạn hãy thưởng thức món rêu đá dân giã mà đượm tình, được nghe câu chuyện về suối Thia, rêu đá, để rồi hồn rêu đá sẽ làm cho bạn thêm ấm lòng mỗi khi nhớ về Nghĩa Lộ, nhớ về Tây Bắc mến thương.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Sáng hôm qua, 22-10, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Tạp chí Vietnam Heritage trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức khai mạc Triển lãm cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2015 và trao giải thưởng ảnh “Bình Thuận- Hội tụ xanh” .
Một phần hồn cây lúa đi sẽ gọi 10 phần hồn cây lúa về, một hạt lúa đi sẽ gọi 10 hạt lúa về, 10 hạt lúa đi gọi 100 hạt lúa về, 100 hạt lúa gọi 1.000 hạt lúa để sinh sôi nảy nở thành bồ thóc, bồ thóc sinh sôi thành kho thóc cho con người con vật ăn quanh năm không hết…
Hôm qua, ngày 21-10, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt bản dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng An-ba-ni.
YBĐT - Sách của người Thái vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ vẫn còn ghi, vào khoảng năm 1872 của thế kỷ XIX, khi giặc Cờ vàng chuẩn bị tiến đánh Mường Lò, Văn Chấn, ông Cầm Hánh là người Thái, Mường Lò, Văn Chấn đã cùng các em trai là Cầm Chiêu, Cầm Tám, Cầm Vạng (Cầm Vạn) và Cầm Hiệp đứng lên kêu gọi nhân dân đoàn kết, chuẩn bị lương thực, vũ khí, xây dựng thành lũy để đánh giặc Cờ vàng. Cầm Hánh đã cho xây dựng thành Viềng Công ở xã Hạnh Sơn, tổng Hạnh Sơn (nay thuộc xã Hạnh Sơn, Văn Chấn) và đặt làm đại bản doanh chỉ huy đánh giặc Cờ vàng.