Mù Cang Chải - Nơi hội tụ sắc màu văn hoá
- Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2015 | 9:30:26 AM
YênBái - YBĐT - Đến vùng cao huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, du khách không chỉ được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa vàng vào mùa lúa chín mà du khách còn được đắm mình trong không gian của các lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc và cùng thưởng thức, cảm nhận những món ẩm thực mang hương vị đặc trưng chỉ có ở núi rừng Tây Bắc.
Vào mỗi dịp lễ hội, bà con đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải lại cùng nhau xuống núi trảy hội, gặp gỡ giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: múa khèn, tung còn, ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông được truyền từ đời này qua đời khác.
Trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ thì những điệu múa khèn là một nét đặc sắc riêng trong văn hoá của đồng bào Mông. Múa khèn do người đàn ông Mông thể hiện trong mỗi dịp lễ hội với những vũ điệu khoẻ khoắn, tài hoa, dũng mãnh, tiếng khèn da diết, dập dìu thể hiện tình yêu đôi lứa, thể hiện sức sống mãnh liệt giữa đại ngàn nắng và gió của núi rừng Tây Bắc.
Cùng với đó, trong rất nhiều các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc phải nói đến trái pao được các chàng trai, cô gái rất ưa thích trong ngày hội. Điều đặc biệt là qua trò chơi dân gian này, các chàng trai, cô gái Mông thổ lộ tình cảm của mình thông qua những trái pao được tung đi, tung lại trao gửi lời yêu thương từ ánh mắt đến trái tim, từ đó mà nhiều đôi nên vợ nên chồng chung sống hạnh phúc trên các triền núi cao của miền sơn cước. Mỗi khi có lễ hội làng hay mùa xuân đến, già trẻ, gái trai không phân biệt, đều có thể tham gia chơi trò chơi này.
Cũng không kém phần sôi động, hấp dẫn và thu hút đông đảo mọi người tham gia là các môn thể thao đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… thể hiện tinh thần dũng mãnh, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai của các chàng trai, cô gái tham gia trổ tài trong mỗi dịp lễ hội.
Trong Tuần lễ văn hoá -du lịch ruộng bậc thang Mù Cang Chải hàng năm, còn có một hội thi cũng hút hồn du khách và bà con địa phương là hội thi giã bánh dày. Phần thi này cũng đặc biệt ấn tượng đối với du khách quốc tế khi được tham gia trải nghiệm một trong những công đoạn làm ra sản vật này.
Với người Mông, bánh dày không chỉ là một món ăn quen thuộc trong cuộc sống thường ngày mà nó giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh. Người Mông quan niệm: hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt Trăng, mặt Trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Vì thế, trong những ngày tết hay những ngày lễ hội của dân tộc Mông, món bánh dày luôn hiện diện. Bánh dày là một nét văn hóa tinh hoa trong ẩm thực của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.
Du khách thưởng thức món bánh dày chấm mật ong.
Huyện Mù Cang Chải tổ chức hội thi giã bánh dày hằng năm không những bảo tồn, gìn giữ được những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông mà còn nhằm tôn vinh và giới thiệu đối với du khách như một sản phẩm du lịch độc đáo mỗi khi đến với vùng cao này.
Ngoài bánh dày thì mật ong rừng, rượu thóc hay những quả sơn tra, thảo quả cũng là những sản vật đặc trưng của núi rừng mà thiên nhiên ban tặng nên mỗi khi có dịp đến đây, đó là những món quà dành tặng bạn bè, người thân của mỗi du khách khi trở về nhà.
Những ai đã từng một lần đến với xứ "Mù Cang" để được hòa mình trong cảm giác lâng lâng của men rượu thơm nồng, dưới mênh mang của đất trời, cùng dập dìu trong những điệu khèn, tiếng sáo Mông réo rắt gọi bạn tình… đều có cảm nhận như tôi. Đó là sống trong những khoảnh khắc bình yên cho tim mềm ra nơi chốn ấy, luôn hẹn ngày trở lại với những người ưa chủ nghĩa xê dịch.
Đức Toàn
Các tin khác
Ban Tổ chức cuộc thi ảnh quốc tế của Nhóm tư vấn hỗ trợ hộ nghèo 2015 (The 2015 CGAP Photo Contest) vừa công bố các tác phẩm đoạt giải, trong đó Việt Nam vinh dự có 5 tác phẩm đoạt giải.
Ban tổ chức “Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2015” vừa công bố kết quả sơ kết đợt 4. Theo đó, ở hạng mục ảnh Bộ: Giải Nhất được trao cho bộ tác phẩm “Các Văn Miếu ở miền Bắc” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phú Đức.
Đại diện Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết, bộ phim “Tuổi thanh xuân” phần 2 dự kiến sẽ được khởi quay vào tháng 5/2016.
Sau nhiều năm đón đợi, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa với tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1004/QĐ-TTg (ngày 3-7-2015) và UBND thành phố Hà Nội công bố chính thức vào sáng nay (26-10).