Nét văn hóa đặc trưng ở Thành Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 22/12/2015 | 3:22:41 PM
YBĐT - Từ ngày xây Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, rất nhiều hoạt động văn hóa của tỉnh Nam Định diễn ra ở đây. Không chỉ các ngày lễ trọng đại mà vào các dịp lễ tết, tuần rằm, mồng một và tất cả các đám cưới trong thành phố và vùng lân cận đều đến đây thắp hương.
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại thành phố Nam Định.
|
Về với Thành Nam (thành phố Nam Định), tôi dễ dàng gặp nhiều hình ảnh đẹp trong các nghi thức lễ hội đình, đền, chùa ở đây. Đặc biệt, khi ngang qua Quảng trường 3-2, bên hồ Vị Xuyên, nơi có tượng đài vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tôi ngỡ ngàng khi gặp những đoàn đưa dâu qua đây đều dừng lại, lần lượt từng đôi vợ chồng trẻ thắp hương dâng lên tượng đài với tấm lòng thành kính.
Có mặt trong đám cưới cô cháu gái, tôi lặng lẽ theo dòng người bước đến bên Tượng đài trong lòng dạt dào nhiều cảm xúc. Nhìn đôi trẻ thắp hương với sự tôn kính và cầu ước sống yêu thương hạnh phúc, tôi thấy mình như trẻ lại.
Chị Đinh Thị Tú - cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (thành phố Nam Định) giải thích: “Từ ngày xây Tượng đài, rất nhiều hoạt động văn hóa diễn ra ở đây. Không chỉ các ngày lễ trọng đại của tỉnh mà vào các dịp lễ tết, tuần rằm, mồng một và tất cả các đám cưới trong thành phố và vùng lân cận đều đến đây thắp hương. Có thể nói, tượng đài đã quy tụ lòng người, từ già đến trẻ đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường và coi đó là nét văn hóa tự nhiên, không hề có quy ước hay hương ước gì cả”.
Tranh thủ lúc đôi trẻ thắp hương, tôi có dịp quan sát công trình kiến trúc đồ sộ và phối cảnh xung quanh. Quay sang chị Tú, tôi nói:
- Quê mình thật đẹp, tiếc là hôm nay em mới về đây.
- Em nên dành nhiều thời gian về quê sẽ thấy nhiều điều hay, hấp dẫn. Ví dụ, vào năm học, các trường học trong thành phố đều đưa học sinh đến đây để tìm hiểu về vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và lịch sử Việt Nam. Ngay từ khi học sinh học bài học đầu tiên về môn Lịch sử, chị đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm lên kế hoạch, nhà trường sẽ tạo điều kiện để đưa học sinh đến đây làm quen với bộ môn qua lời kể về Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên rất hiệu quả - chị Tú cười nói.
Nghe chị Tú kể chuyện, tôi miên man suy nghĩ về những điều mà ngành giáo dục và đào tạo đang trăn trở tìm phương pháp giảng dạy cho bộ môn Lịch sử, trong khi đó ở Nam Định truyền thống văn hoá, lịch sử hàng nghìn năm vẫn được coi trọng. Rồi không để câu chuyện đứt quãng, vừa đi chị Tú vừa giải thích cho tôi nghe về chuyện xây dựng tượng đài, tác giả là ai, tại sao lại chọn nơi trung tâm để xây dựng, công trình đã đáp ứng sự mong đợi của nhân dân như thế nào.
“Sau khi tượng đài khánh thành, nhiều cuộc hội thảo về danh nhân, vị tướng tài Trần Hưng Đạo đã được tổ chức. Theo đánh giá của các nhà khoa học, sử học hàng đầu Việt Nam, công trình rất thành công, hình ảnh vị tướng văn võ song toàn thực sự rất có hồn, một sức hút vô hình vì tượng đài đã được thể hiện đầy đủ những phẩm chất của một vĩ nhân gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” - chị Tú nói.
Buổi lễ hoàn thành, tôi cùng chị Tú theo dòng người đưa cháu về nhà trai, trong lòng mừng vui cho đôi trẻ và tôi cũng hiểu thêm được một nét văn hóa mới mà chỉ khi đi, đến, gặp và tận mắt chứng kiến mới thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của tượng đài trong đời sống nhân dân thành phố Nam Định.
Thiết nghĩ, nếu như người dân nơi nào cũng có tinh thần hiếu học và tôn trọng lịch sử như vậy thì những công trình văn hóa sẽ có giá trị to lớn biết bao, khích lệ lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết trong mỗi con người.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
Festival Huế lần thứ 9 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5-2016, sẽ có hàng chục đoàn nghệ thuật đến từ 18 quốc gia của 5 châu lục tham dự.
Đã có 12 tác phẩm xuất sắc đạt giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là thông tin được Nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.
Từ tháng 1/2016, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bắt đầu thử nghiệm hệ thống thuyết minh tự động nhằm giúp khách tham quan chủ động trong việc tìm hiểu bảo tàng theo nhu cầu, sở thích riêng.
Đại diện Nhật Bản, Thái Lan, Philippines góp mặt trong Top 10 cùng các người đẹp Mỹ, Colombia, Australia, Cộng hòa Dominica, Pháp, Curacao, Venezuela.