Độc đáo khúc đồng dao của người Tày Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/1/2016 | 3:33:33 PM
YBĐT - Nói đến văn nghệ dân gian Tày, nhiều người thường nhớ tới những làn điệu hát then, những câu khắp, coọi và các vũ điệu truyền thống như: múa quạt, dậm thuông, dậm hoa, dậm khăn, lăn tính cùng những câu chuyện cổ thân thuộc: Ý ưởi ý noọng, Hai anh em, Cây gậy thần, Chiếc thoi vàng… thể hiện đời sống tinh thần phong phú, phản ánh ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, no đủ và đề cao giá trị chân - thiện - mỹ.
Đồng bào Tày thường cư trú thành từng bản ven suối và bên những tràn ruộng bậc thang trong các thung lũng nhỏ ở vùng núi phía Bắc. Những chuyện kể dân gian, truyện thơ và cả những khúc đồng dao của người Tày luôn mang đậm dấu ấn của làng bản, rừng cây, khe suối. Mặc dù không nhiều về số lượng bài như đồng dao của người Kinh, song những khúc hát dân gian dành cho trẻ em của đồng bào Tày cũng khá phong phú với lời ca giản dị, giàu hình ảnh, nhạc điệu và luôn rộn ràng, tươi tắn.
Những chiều hè nắng oi sau vụ gặt, mặc cho lũ trâu no nê, đằm ngoài cánh đồng, đám trẻ chăn trâu thường rủ nhau thi chong chóng gió, làm bằng bìa cứng cắt vuông, gắn ngược chiều nhau ở hai đầu thanh cật tre, có dùi lỗ nhỏ ở giữa và luồn vào một chiếc trục quay nhỏ xíu. Ngồi trên thích nhà sàn, các em nhỏ đồng thanh câu hát gọi gió: “Gió đông, gió tây, gió về đây gió mát! ”. Chẳng biết gió có nghe thấy không, mà những chiếc chong chóng cứ xoay tít dần lên, trong tiếng cười giòn tan của đám “mục đồng”.
Gió mỗi lúc càng mạnh hơn, xôn xao cả bờ tre và những vạt rừng cọ ven ruộng. Rồi những cơn mưa mùa hạ bất chợt ào về, âm thanh rộn lên như bắt đầu từ phía rừng cọ. Cả đất trời chìm trong màn mưa xối xả. Nước từ trên mái lá, nối nhau giăng mành trắng xóa trước hiên nhà. Không gian ầm ào tiếng mưa rơi. Lũ trẻ chăn trâu thêm phấn khích, rộn ràng câu hát “Roọng phân” (gọi mưa).
Những bài đồng dao của người Tày thường có lời ca ngắn gọn và luôn gắn với trò chơi hoặc sinh hoạt hàng ngày của trẻ em. Ví như bài “Roong muật” có nghĩa là gọi kiến: “Kiến cùng kiến càng/ Ồng làng lại, ma lê dốc/ Ồng lạc lại, ma lê còng…”. Khi hát bài này, các em nhỏ thường bắt con chuồn kim (tiếng Tày gọi là “Tua bỉ bí” ngắt bỏ cánh, đặt ở miệng tổ kiến, gọi chúng ra ăn mồi và nhúp lấy những con kiến càng để chơi.
Vào mùa thu, trẻ em người Tày hay có trò chơi câu chuồn. Mồi câu là những con chuồn nhỏ được luồn vào vòi hoa cỏ may. Tay xoay tròn vòi hoa, các em thi nhau hát: “Mi tua luông - luông/ Mi tua nọi - nọi… ” (hiểu nôm na rằng: Có con to - to/ Có con nhỏ - nhỏ… ). Các chú chuồn ngô háu đói, bị hấp dẫn bởi món mồi tươi ngon, lao vào vồ lấy và bị tóm ngay tức khắc. Câu hát gọi chuồn tuy ngắn và đơn giản, nhưng lại rất mê hoặc không chỉ với đám chuồn ngô mà cả với lũ trẻ. Nhiều khi mải mê câu hát gọi chuồn chuồn mà để trâu ăn lúa ruộng xa.
Còn có cả những bài đồng dao nguyên vẹn âm ngữ Tày cổ, đến bây giờ nghe hát lại chỉ thấy cuốn hút bởi âm điệu vui tươi mà không hiểu hết nghĩa của câu hát. Bài đồng dao mà các “ Đính noọi ”- trẻ em người Tày thường hát khi đi tắm suối là một khúc hát nguyên gốc như thế.
“Veng veng gia kéng coong
Giong giong gia chua cha
Cha ơi cha, mặc lời
Ùng ùng, veng pọc, ùng ùng, veng veng…”
Hay đó còn là những lời hát trong bài “Thực mực ơi bay đi”. Con thực mực tiếng Tày gọi là “Tua niếng ” - một loài thủy sinh, thường gặp ở suối, to gần bằng con gián. Thực mực có bộ cánh cứng màu đen nhánh, bơi rất nhanh trong nước. Khi vui đùa dưới suối, các em nhỏ thường vây bắt, để lên lòng bàn tay, rồi chỉ vào chú thực mực và cùng nhau hát vang lời hát này. Bài hát cứ lặp đi lặp lại với nhịp điệu tăng dần, vui rộn và chỉ kết thúc khi chú “Tua niếng” vỗ cánh bay lên trong ánh mắt hân hoan vời vợi khung trời mơ ước tuổi thơ. Thực ra, sau khi được để trên lòng bàn tay, con thực mực phải đợi hồi lâu cho khô màng cánh bên trong mới có thể bay lên được. Nhưng với trẻ em thì lời hát “Thực mực ơi bay đi” dường như luôn ẩn chứa bao điều kỳ diệu cùng niềm vui trong trẻo của tuổi thần tiên.
Những câu hát đồng dao của người Tày, hẳn còn tiềm ẩn trong đời sống bản làng cần tiếp tục được tìm hiểu và giới thiệu, để tôn vinh văn hóa Tày và góp phần làm phong phú thêm kho tàng đồng dao đất Việt - những khúc hát đồng quê thân thương và trẻ mãi cùng dân tộc.
Thanh Tửu
Các tin khác
Tối 14/1, tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội), Gala xiếc quốc tế 2016 kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chính thức khai mạc với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Liên đoàn xiếc Việt Nam và các đoàn xiếc bạn bè quốc tế.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đón Tết Bính Thân 2016 và Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Xuân xum họp - Tết sẻ chia”.
Chỉ còn vài giờ đồng giờ nữa, tượng vàng Oscar 2016 sẽ lộ diện. Trang Variety dự đoán những đề cử của giải thưởng điện ảnh danh giá này.
"Thành phố khác" của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân trở thành phim ngắn Việt đầu tiên tranh giải tại Liên hoan.