Lễ tiệc thánh sư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2016 | 10:44:37 AM

YBĐT - Lễ tiệc thánh sư (tiệc tổ sư của nghề mo) là nghi lễ được tổ chức trong các gia đình làm nghề thầy mo của đồng bào Mường. Theo truyền thống từ xa xưa, gia đình nào làm nghề mo thì phải truyền nghề từ đời này qua đời khác, cho dù người kế thừa không hành nghề mo nhưng vẫn phải thờ tổ mo.

Trong trường hợp không có người kế thừa thì gia đình thầy mo phải làm nghi lễ hóa giải âm binh (từ bỏ nghề mo) hoặc làm lễ trao truyền bát nhang, đồ thờ tổ mo cho người ngoại tộc hành nghề, nhưng nhất thiết phải là người có phẩm chất tốt, thông thái, đủ khả năng thờ tự tổ sư và thực hiện các nghi lễ của một thầy mo.

Xét về mặt tín ngưỡng, thầy mo chính là người thực hiện hình thức tín ngưỡng của đạo giáo (đạo giáo phù thủy, tín ngưỡng ma thuật). Bởi thế, người hành đạo (thầy mo) được coi là người hiểu biết rộng và có năng lực hóa thân vào thế giới siêu nhiên, có năng lực chế ngự được thế giới siêu hình. Hoặc nói theo cách khác là, thầy mo có thể giao tiếp được với thần thánh, tà ma để buộc đối tượng này hài hòa với cuộc sống của con người...

Từ quan niệm đó, trong cộng đồng người Mường, cũng như các dân tộc khác xưa kia có chung tín ngưỡng đạo giáo đều coi thầy mo là chỗ dựa tinh thần, tâm linh trong cộng đồng. Do vậy, thầy mo tác động đến hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống.

Chẳng hạn, khi một đứa trẻ ra đời cũng mời thầy mo làm lễ cúng vía, cầu an. Trẻ hay đau yếu thì ngoài cúng vía, chữa bệnh bằng bùa chú, thầy mo có thể nhận đứa trẻ đó làm “con mày” tức là con nuôi. Đứa trẻ được nhận làm “con mày” phải gửi một chiếc áo để thầy mo treo trên điện thờ, nhằm giữ cho vía đứa trẻ không bị lạc vía hay bị tà ma quấy nhiễu. Người hiếm muộn con cái, cũng mời thầy làm lễ cầu tự; người đau yếu thì mời thầy làm lễ trừ tà ma, giải hạn; người chết thì mời thầy làm nghi lễ tang ma; trâu bò lạc trong rừng cũng nhờ thầy độn quẻ xem lạc hướng nào; làm nhà cửa thì nhờ thầy xem ngày tốt, cúng động thổ, phạt mộc, chấn trạch...

Hàng năm, vào dịp đầu xuân, các bản mường thường làm lễ cúng đình, cúng miếu, cúng mở cửa rừng, khai xuân, thầy mo cũng đại diện cho dân làng cúng tế cầu mùa, làm bùa chú để cắm giới trong phạm vi đất của mường bản để tà ma nhìn thấy bùa chú sẽ không dám đi vào làm hại. Ngay cả việc canh nông, dân làng cũng phải nhờ thầy xem lịch gieo cấy, tra hạt hoặc gặp năm hạn hán phải nhờ thầy lập đàn tế cầu mưa...

Vì vai trò của thầy mo như vậy, nên đầu xuân (thường vào mùng 3 tết Nguyên đán), các thầy mo đều thực hiện lễ tiệc thánh sư hay còn gọi là mở cửa điện. Trong nghi lễ này, thầy mo dâng cúng tổ mo các lễ vật như: khăn, vải, vàng mã, gạo, rượu, thịt, hoa thiêng (pôông) được làm bằng một loại thân cây trên rừng rồi gọt tỉa, nhuộm màu ngũ sắc, kết lại thành chùm... Lễ vật này nhằm bày tỏ sự tri ân công đức, quyền năng của tổ mo cùng âm binh trợ giúp tổ sư trong năm cũ đã bảo trợ cho cuộc sống của người dân được yên lành, no ấm.

Đồng thời, lễ tiệc thánh sư cũng là lúc những gia đình trong năm cũ được thầy mo cứu giúp giải hạn, trừ tà ma, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, nhờ được thầy nhận làm “con mày” mà hết đau ốm thì phải đem lễ đến để thầy tạ thánh sư. Từ xưa có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” có ý nghĩa đối với dân tộc Mường là như vậy. Khác hẳn với người Kinh, việc tết thầy thường mang hàm ý tri ân thầy dạy học.

Thời gian thực hiện nghi lễ tiệc thánh sư tùy vào từng nhà mo. Có nhà chỉ mở tiệc một ngày, nhà mở vài ngày, nhưng cũng có nhà mở điện từ mồng ba tết cho tới tận mười ba tháng Giêng mới đóng cửa điện. Trước khi đóng cửa điện (quản âm binh) phải có nghi thức lên đồng. Khi thầy mo lên đồng, còn có nghi thức múa phụ đồng với đội múa là những phụ nữ tay cầm bó hoa dó múa trước điện thờ theo nhịp trống, nhịp gõ của ống tre giậm xuống sàn nhà.

Cùng với múa phụ đồng còn có màn múa mỡi. Màn múa này cũng được người xưa coi là màn lên đồng của thầy mo. Nhưng thực chất, đây là màn diễn xướng mô phỏng thế giới siêu nhiên với cuộc sống con người và uy lực của thầy mo trong việc chế ngự thế giới siêu nhiên. Chẳng hạn, thầy mo ngồi trên chiếu hoa ở giữa sàn nhà trong tư thế lên đồng lắc lư, nhưng xung quanh thầy có các cô gái đẹp nhảy múa được ví như những cô tiên do thầy mời xuống để múa hầu thầy và để dân làng có dịp được chiêm ngưỡng.

Múa mỡi còn diễn tả cả hình ảnh hồn vía của thú dữ nhập vào người múa và thầy mo dùng pháp thuật để quy phục chúng hòa với con người. Hoặc khi đang múa mỡi thì hồn vía của loài khỉ bất thình lình nhập vào những người múa, khiến cho những người múa đang ở trạng thái bình thường bỗng thoăn thoắt leo trèo, múa lượn trên các cột, xà nhà...

Tuy nhiên, nghi lễ tiệc thánh sư hiện nay hầu như không còn được tổ chức như ngày xưa, bởi tín ngưỡng ma thuật ít được duy trì. Người hành nghề mo cũng hiếm, nên các gia đình thờ tổ mo thường chỉ tổ chức lễ tiệc thánh sư một cách đơn giản mang tính thủ tục trong vòng một ngày, nửa ngày và cũng không có múa hầu đồng, múa mỡi. Nếu có tổ chức đầy đủ các bước của nghi lễ này, thì mục đích chính là nhằm phục dựng lại nét văn hóa truyền thống để bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học nhân văn.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Sự nghiệp hiện đại hóa đang xóa dần những giá trị vật chất và tinh thần hàng nghìn năm ở các làng quê Việt.

YBĐT - Ba năm không về quê, Thanh minh năm nay, tôi thay mặt gia đình về thăm viếng, sang sửa mồ mả và nghỉ ngơi ít ngày thăm hỏi họ hàng. Cảnh quê đã thực sự thay đổi.

Khinh khí cầu tại Festival Huế 2016.

Đại diện mỗi quốc gia sẽ mang đến một khinh khí cầu có kích thước cao 25 m, rộng 18 m, trọng lượng tối đa 300 kg để bay trình diễn phục vụ du khách.

Ảnh minh họa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế tổ chức khảo sát hoạt động văn hóa tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng, quá bar và các loại hình kinh doanh tương tự khác.

Ngày 7-5, tại Hà Nội, ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Tấn Minh, Minh Quân... cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác sẽ cùng có mặt trong live concert “Ngôi sao cô đơn” tưởng nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục