Lưu giữ “hồn quê”
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2016 | 10:43:27 AM
YBĐT - Ba năm không về quê, Thanh minh năm nay, tôi thay mặt gia đình về thăm viếng, sang sửa mồ mả và nghỉ ngơi ít ngày thăm hỏi họ hàng. Cảnh quê đã thực sự thay đổi.
Sự nghiệp hiện đại hóa đang xóa dần những giá trị vật chất và tinh thần hàng nghìn năm ở các làng quê Việt.
|
Từ đường chính vào làng, băng qua cả cánh đồng, không còn nhìn thấy những bóng hoa gạo đỏ lòe góc trời, đàn dê lốc nhốc kéo đuôi nhau hay những chú bé ngồi trên lưng trâu như mọi bận mà chỉ thấy con đường nhựa mới mở bụi mù, hàng cột điện sừng sững kéo dài mãi trên tầng không...
Tờ mờ sáng, tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng anh cả bàn chuyện với bác gái:
- Con tính, lần này mẹ khỏi ốm, chúng con đập ngôi nhà này đi, xây ngôi nhà mới cho khang trang, cửa quay ra đường, cổng mở rộng để con cháu có xe ô tô về phóng thẳng vào sân, cái phản gỗ kia cũng bỏ đi, con sẽ mua bộ bàn ghế mới. Hơn nữa chặt hết hàng duối đi, xây toàn bộ tường rào bằng gạch cho đỡ muỗi mẹ ạ. Hôm rồi, các anh trên Hà Nội về thăm mẹ, người ta cứ xì xào, con đi công tác bao năm mà không sửa nhà cho nó đàng hoàng, cứ thế này quê mùa lắm.
- Sao anh lại cạn nghĩ thế. Nhà quay lưng ra đường là vì tránh bụi lại đúng hướng Đông Nam, bốn mùa ấm áp, mát mẻ. Hàng duối kia, bố anh trồng từ khi anh còn lẫm chẫm tập đi. Ngôi nhà này tuy cũ thật nhưng đó là công sức của ông bà nội khi xưa cùng bố anh vào trong núi đập đá về xây đấy, nhờ đá mát mà những năm khó khăn, nhà mình không cần phải dùng quạt điện, các anh chị vẫn sống đến bây giờ đấy thôi.
- Nhưng bây giờ là thời đại nông thôn mới rồi mẹ ơi. Nơi nơi là nhà tầng, đường nhựa, cổng to, bàn ghế, sô pha, nhà mình cứ thế này mãi bẩn và lạc hậu lắm…
Hai mẹ con cứ tranh luận mãi, qua bữa sáng đến bữa trưa mà không khí vẫn tràn đầy sự hậm hực, ấm ức.
Chiều. Tôi đạp xe đạp ra phố. Vòng quanh mãi cũng ra đến chợ làng. Dừng xe chọn mua ít hành quê về làm quà trên thành phố, chị hàng rau bên cạnh nói với sang:
- Này, mấy hôm nữa, xã mình tổ chức họp dân triển khai việc lấp ao làng đấy.
- Chết, lấp ao làng thì mình mất chỗ rửa rau hoặc những hôm mưa gió làm gì còn có chỗ rửa ráy chân tay chứ.
- Ôi dào, lấp đi để tránh muỗi, ruồi. Bây giờ mà để ao lại thì chỉ tổ đêm đến người ta mang rác ra đấy đổ, rồi năm hết tết đến mỗi nhà lại phải cử một người đi vét bùn.
- Biết là thế, nhưng em vẫn tiếc. Ao làng gắn bó với mình từ khi sinh ra. Thanh niên làng mình đều biết bơi từ cái ao ấy, những ngày mưa gió, chị em ra đó vớt bèo, mò ốc… Mẹ em bảo ngày xưa bao mối tình cũng bắt đầu từ cái ao làng này.
Tôi đứng lên, nghe ngóng mà cảm nhận rõ những tiếng thở dài tiếc nuối xen lẫn tiếng ồn ào của chợ quê.
Không lên xe mà tôi lững thững dắt bộ về. Cảm nhận dưới đôi chân mình là con đường to và phẳng nhưng trong lòng cứ tiếc hoài mùi ngai ngái của cỏ non và bùn đất. Vẫn biết rằng suy nghĩ thế là chưa thỏa nhưng quả là sự nghiệp hiện đại hóa đã nhanh chóng làm cho mọi vùng quê trong cả nước thay đổi, khoảng cách nông thôn và thành thị đã rút ngắn hơn. Song vẫn buồn thay, sự thay đổi đó đang xóa dần những giá trị vật chất và tinh thần vốn đã tồn tại hàng trăm năm ở đất quê.
Nhìn về phía làng mình, thấp thoáng hàng cau ngoài ngõ, tôi tự hỏi nếu mai kia bác gái mất, liệu ngôi nhà hiện nay có còn được giữ nguyên không? Con trẻ sẽ không bao giờ biết “quê” ở quê mình nó tồn tại bao đời nữa? Nếu thế thì “hồn quê” sẽ chỉ là lời kể lại không còn giá trị. Tôi quyết định, đêm nay sẽ nói chuyện với anh cả về chuyện này, bởi không phải ai cũng nghĩ như anh, họ có đi đâu, trưởng thành ở đâu thì cũng không bao giờ quên nguồn cội “quê mùa”, chê cái nơi “chôn nhau cắt rốn” cả, Nhà nước đang có nhiều chủ trương lưu giữ những làng quê truyền thống như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam đấy anh ơi, giá trị “chân quê” kia ắt phải là chốn về của người Việt mà anh em chúng ta cần phải lưu giữ!
Nguyễn Thanh
Các tin khác
Đại diện mỗi quốc gia sẽ mang đến một khinh khí cầu có kích thước cao 25 m, rộng 18 m, trọng lượng tối đa 300 kg để bay trình diễn phục vụ du khách.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế tổ chức khảo sát hoạt động văn hóa tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng, quá bar và các loại hình kinh doanh tương tự khác.
Ngày 7-5, tại Hà Nội, ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Tấn Minh, Minh Quân... cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác sẽ cùng có mặt trong live concert “Ngôi sao cô đơn” tưởng nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng.
Sáng 21-4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, Hội xuất bản Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Sách Việt Nam 2015. Giải thưởng năm nay tôn vinh nhiều công trình, bộ sách lịch sử.