Phát hiện đặc biệt ở Di chỉ khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên)
- Cập nhật: Thứ năm, 5/1/2017 | 10:44:04 AM
YBĐT - Di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại nằm trên địa bàn xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên. Cùng với những phát hiện qu a7 đợt khai quật khảo cổ học, đợt khai quật tháng 10/2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Yên Bái tiếp tục lại mang đến một phát hiện vô cùng bất ngờ nữa.
Di tích một lò nung được khai quật tại Di chỉ Pù Lườn Xe.
|
Hơn chục năm trở lại đây, Di chỉ này đã trải qua 7 đợt khai quật khảo cổ học. Mỗi đợt khai quật đều mang lại từ bất ngờ này đến bất ngờ khác như việc phát hiện ra dấu tích của một tòa tháp lớn trên đồi Hắc Y, dấu tích khu chùa cổ Bến Lăn, dấu vết vật liệu kiến trúc chùa tháp khá dày đặc trên diện rộng trong quần thể Di chỉ, phát hiện nhiều loại tiền cổ, gốm sứ cổ của Việt Nam, Trung Quốc qua nhiều triều đại; minh văn ghi chép những thông tin vô cùng quan trọng gắn với lịch sử xây dựng di tích chùa Bến Lăn (Thượng Miện Tự)…
Những di tích, di vật, hiện vật được phát hiện sau các cuộc khai quật đã sáng tỏ nhiều luận điểm khoa học khẳng định đây là di chỉ đậm dấu ấn văn hóa Trần; hiện vật trong kiến trúc chùa, tháp ở Di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại rất tương đồng ở nhiều mặt với các hiện vật trong Di chỉ Hoàng thành Thăng Long.
Các phát hiện khảo cổ học ở Di chỉ Hắc Y - Đại Cại đã khẳng định nơi đây giữ vai trò rất quan trọng về địa chính trị, địa văn hóa và địa quân sự ở phía Bắc nước Đại Việt xưa; khẳng định đã có một thời Phật giáo rất phát triển ở vùng biên viễn; vùng này từng là một trung tâm Phật giáo lớn dưới thời Trần; đồng thời, nơi đây còn là đầu mối giao thương từ miền xuôi lên miền ngược và giao thương từ Trung Quốc đến khu vực Hắc Y - Đại Cại qua đường bộ và đường sông Chảy. Di chỉ Hắc Y - Đại Cại có dấu ấn của sự chuyển tiếp văn hóa giữa thời Lý với thời Trần… Đó là việc tìm ra dấu vết của lò nung vật liệu các kiến trúc trong quần thể Di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại.
Địa điểm khai quật tại khu đồi thấp có tên là Pù Lườn Xe, theo tiếng Tày nghĩa là "đồi nhà ông Xe" - là người dân địa phương đến ở và canh tác trên quả đồi này từ xưa. Vị trí của điểm khai quật nằm ở quãng giữa lối đi từ di tích chùa Bến Lăn lên đồi Hắc Y. Diện tích khai quật khoảng 500 m2 và mở 4 hố khai quật có ký hiệu từ H1 đến H4.
Tại hố H1 đã phát hiện dấu vết của 2 lò nung vật liệu kiến trúc nằm song song với nhau, mỗi lò cách nhau 1 m. Các lò nung đều không còn nguyên vẹn, chỉ còn phần chân lò là khá rõ, cao khoảng 70 cm đến hơn 1 m. Mỗi lò có diện tích trên chục mét vuông, bình diện thân lò giống hình cái chai với chiều dài vỏ lò khoảng 8 m.
Vị trí cửa lò, ống khói, cửa thoát khí… được xác định khá rõ. Độ dày của vỏ lò gần 50 cm, bên trong vỏ lò số 2 có màu đỏ tím do tác dụng nhiệt khi nung; nền lò đanh chắc như sành. Còn đối với lò số 1 có cấu trúc tương tự như lò số 2 nhưng mới chỉ xây dựng xong chứ chưa đưa vào nung vật liệu.
Di vật tại các lò nung, ở phần ngoài lò chủ yếu là mảnh vỡ của gạch, ngói, vật trang trí kiến trúc, mảnh tháp bằng đất nung và nhiều mảnh sành gốm tráng men. Hiện vật trong lò, đối với lò số 1 gồm có gạch (gạch hình chữ nhật), có thể là gạch lát nền; mảnh tháp, ngói mũi sen, ngói mũi lá, ngói đầu đao, ngói úp nóc có gắn lá đề trang trí hình rồng, mảnh ốp chân tháp...
Hiện vật trong lò số 2 gồm nhiều mảnh ngói vỡ ken dày, có 2 đầu tượng chim phượng và một số mảnh mái tháp có kích thước khá lớn, mái tháp tạo hình ngói ống, tường tháp có hình hoa chanh tạo nổi... Các hố H2, H3, H4 chủ yếu phát hiện được các mảnh vỡ gạch ngói ken dày hoặc có hố tìm rất ít các loại vật liệu này.
Từ những hiện vật khai quật được tại điểm Pù Lườn Xe tháng 10/2016, đã được kết luận sơ bộ như sau:
Di tích Pù Lườn Xe là loại hình di chỉ sản xuất vật liệu kiến trúc với nhiều loại hình khác nhau như: gạch ngói, tượng đất nung, các loại tháp mô hình.
Lò nung được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng những kiến trúc nằm trong khu Di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại, chứ không phải mang từ miền xuôi lên theo đường thủy sông Chảy như nhiều nhận định trước đây.
Sự đổ vỡ của các kiến trúc và sự biến mất của các di tích lớn ở đây, hé mở những thông tin về biến động chính trị, quân sự trong quá khứ ở khu vực này.
Đây là lần đầu tiên một lò nung vật liệu kiến trúc có niên đại từ thời Trần được khai quật ở miền Bắc nước ta. Điều này, mang ý nghĩa rất to lớn, cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu về sản xuất vật liệu kiến trúc thời Trần nói riêng và sản xuất vật liệu kiến trúc nói chung đang được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Nó cung cấp thêm nhiều dữ liệu quan trọng để khỏa lấp vào một lỗ hổng lớn vốn lâu nay đang khuyết để mở ra một hướng đi mới trong nghiên cứu kỹ thuật kiến trúc và các giá trị văn hóa trong kiến trúc thời Trần.
Lê Thương
Các tin khác
Tỉnh Phú Thọ vừa trình Ban Bí thư Trung ương Đảng xin ý kiến chỉ đạo và quyết định lựa chọn 2 mẫu tượng đài Hùng Vương.
Chiều ngày 4/1, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức phát động Giải báo chí “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Nhằm góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị của các bảo vật, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam” diễn ra từ ngày 10/1/2017.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vang mãi giai điệu Tổ quốc” chào đón Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 và chào mừng kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào 20h ngày 7/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.