Độc đáo kèn nứa người Dao

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/1/2017 | 3:28:08 PM

YBĐT - Xuất phát từ thực tế đời sống, người Dao đã sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tinh thần của mình và kèn nứa (tù và nứa) là một trong những loại nhạc cụ ấy.

Anh Hoàng Hữu Định với cây kèn nứa.
Anh Hoàng Hữu Định với cây kèn nứa.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được anh Hoàng Hữu Định - một trong số ít người còn biết làm và sử dụng cây kèn nứa của người Dao ở thôn 2, xã Kiên Thành, huyện Yên Bình. Khi được biết chúng tôi muốn tìm hiểu về loại nhạc cụ độc đáo của người Dao quần trắng, anh Định rất phấn khởi. Qua chén trà xanh thơm nồng, anh Định nói về cây kèn đặc biệt này. Cũng như nhiều dân tộc khác, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ truyền thống luôn được người Dao lưu giữ.

Xuất hiện khá lâu cùng với đời sống, sinh hoạt của người Dao nên cây kèn nứa trở thành loại nhạc cụ quen thuộc với những thành viên trong tộc người này. Vật liệu làm kèn có ở quanh nhà, trên nương. Ở đâu người ta cũng có thể lấy được nứa để làm nhạc cụ. Một cây kèn phải sử dụng từ 1 - 2 cây nứa, thậm chí 4 cây, nhưng tốt nhất là chọn được những đốt nứa từ một cây. Bởi theo anh Định, âm thanh từ một cây nứa khi được chắp lại sẽ cho âm thanh hay và tốt nhất.

Mất khoảng 2 giờ đồng hồ chọn nứa, anh Định bắt đầu ngắm nghía, cắt khúc rồi dùng dao gõ nhẹ lên từng đốt. Anh giải thích: “Để có được một cây kèn nứa tốt, phải xác định âm thanh từ đốt nhỏ nhất cho đến đốt to nhất và sử dụng kỹ thuật theo trình tự cung bậc âm thanh. Một cây kèn cần có từ 14 - 16 đốt nứa. Khi hoàn thành cây kèn có chiều dài từ 1,5 - 1,6 m”.

Nhìn cây kèn nứa thật đơn giản nhưng khi xem anh anh Định làm thì quả là một quá trình thực hiện các kỹ thuật phức tạp. Vì vậy, đến nay, ở xã Yên Thành rất ít người biết làm và biết sử dụng cây kèn đặc biệt này. Kèn nứa có thể thổi được rất nhiều làn điệu khác nhau, nhưng đối với người Dao chỉ có điệu “Gọi bạn”, “Gọi nhau ăn cơm trưa”, “Gọi nhau về” là thường xuyên được sử dụng. Thổi kèn nứa chỉ dùng hơi, ngắt hơi, điều chỉnh âm thanh chỉ bằng lưỡi. Thổi kèn nứa thì dễ, nhưng thổi hay cần phải có kỹ thuật.

Người thổi kèn hay thì âm thanh của kèn phải vang xa, lời ngắt phải đúng chỗ, âm thanh cao thấp phải thể hiện đúng và phải biết kết hợp với các động tác múa tay, dậm chân. Cùng với các loại nhạc cụ như trống, chiêng, chũm chọe, chuông… người Dao còn có rất nhiều loại nhạc cụ khác làm từ nứa - một loài cây thân thuộc với đời sống đồng bào. Những loại nhạc cụ như: đàn bầu nứa, kèn pít pe, kèn sáo… được sử dụng trong các lễ hội như: lễ cầu mùa, lễ cầu làng, cưới, hỏi… Còi nứa được dừng trong những lễ hội và dùng làm hiệu lệnh trong các trò chơi dân gian. Còn cây kèn nứa được sử dụng ngay ở trên nương để gọi bạn.

Giờ đây kèn nứa không chỉ được sử dụng ở trên nương mà loại nhạc cụ này đã được cộng đồng người Dao quần trắng ở Yên Bình phát triển thành loại nhạc cụ phục vụ lễ hội, du lịch. Khi biểu diễn không chỉ có riêng mình người thổi kèn mà đã được kết hợp với nhiều loại nhạc cụ khác cùng với tốp múa khoảng từ 3 - 4 người. Những giai điệu của kèn nứa vang xa, tạo nên sự vui tươi trong ngày hội của làng, của bản.

Thành Trung

Các tin khác
Một góc thành phố cổ Palmyra ngày 31/3/2016.

Ngày 20/1, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) ra tuyên bố khẳng định việc phiến quân tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng phá hủy 2 công trình văn hóa lớn là Nhà hát La Mã cổ đại và công trình kiến trúc Tetrapylon nổi tiếng nhất ở thành phố cổ Palmyra, miền Trung Syria, là "tội ác chiến tranh."

Cây nêu dựng trong Thế Tổ Miếu Đại Nội.

Lễ dựng nêu là một nghi lễ cổ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Việt Nam từ lâu đời.

Các chàng trai Mông trổ tài múa khèn.

YBĐT - Khi hoa đào nở cũng là lúc đồng bào Mông ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu ăn tết. Trong ngày tết, các địa phương đều tổ chức lễ hội xuân với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã trao Giải thưởng VHNT năm 2016 cho 66 tác phẩm xuất sắc nhất. Đáng chú ý, trong số 58 giải thưởng của các Hội VHNT địa phương năm nay không có giải A, chỉ có 10 giải B, 22 giải C, 20 giải khuyến khích và 6 giải dành cho tác giả trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục