Nét văn hóa trong trang phục người Dao đỏ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/2/2017 | 8:01:33 AM

YBĐT - Người Dao đỏ ở Lục Yên gọi trang phục truyền thống của mình là “lui hấu”, gồm có: khăn đội đầu, khăn quàng cổ, áo, quần, yếm, thắt lưng. Những họa tiết trên trang phục rất gần gũi trong thiên nhiên như: cỏ cây, hoa lá hay các loài động vật…

Các thiếu nữ người Dao đỏ Lục Yên trong trang phục truyền thống. 
(Ảnh: Thanh Thủy)
Các thiếu nữ người Dao đỏ Lục Yên trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Thanh Thủy)

Khi xuân về khắp nẻo cũng là lúc những chàng trai, thiếu nữ Dao đỏ ở bản trên, làng dưới váy áo xúng xính đi tìm bạn, chơi hội, vui xuân. Người Dao đỏ ở Lục Yên sống rải rác khắp nơi nhưng tập trung nhất là ở các xã: Tân Phượng, Phúc Lợi và Khai Trung. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội, người Dao đỏ ở Lục Yên ngày càng có điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa với các dân tộc khác nhưng nét đặc sắc ở đây là họ vẫn luôn giữ cho mình bản sắc truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nét đẹp trong trang phục của mình.

Lên Tân Phượng hay Khai Trung không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao đỏ đang miệt mài thêu thùa bên cửa sổ, cố gắng thật nhanh để hoàn thiện chiếc áo đi chơi xuân. Với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, trang phục của họ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ. Những cô gái ở độ tuổi 14, 15 đã được bà, mẹ truyền dạy cho cách kéo sợi, dệt vải, may vá, thêu thùa. Đến khi về nhà chồng cũng là lúc các cô biết tự may cho mình những trang phục đẹp và duyên dáng.

Cô gái trẻ Đặng Thị Liều ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung chia sẻ: “Cho dù quần áo của người Kinh đã có rất nhiều ở bản nhưng không thay thế được quần áo của dân tộc em. Chúng em sẽ cố gắng học để biết tự làm được bộ trang phục của mình, đặc biệt trong những ngày lễ, tết được mặc trên mình bộ quần áo dân tộc em thấy rất tự hào”.

Người Dao đỏ ở Lục Yên gọi trang phục truyền thống của mình là “lui hấu” gồm có: khăn đội đầu, khăn quàng cổ, áo, quần, yếm, thắt lưng. Trên nền quần áo màu đen, người Dao đỏ sử dụng 4 màu chủ đạo là: đỏ, vàng, xanh và trắng để trang trí. Áo của phụ nữ Dao đỏ có tới 3 loại: một loại để mặc thường ngày, một loại chỉ mặc trong những ngày vui, ngày lễ, hội hoặc tết và một loại chỉ được mặc trong ngày cưới - khi họ là cô dâu. Áo mặc vào dịp càng quan trọng thì hoa văn càng nhiều, mức độ khó khi làm cũng càng tăng.

Chiếc áo về cơ bản là áo tứ thân, cổ áo kéo dài xuống quá ngực và được thêu rất nhiều loại hoa văn tùy theo sở thích của mỗi người, ở mép ngoài có thêm 2 đường viền đỏ tượng trưng cho quả đùm đũm - một loại cây bụi rất gần gũi với họ bao đời nay. Dưới cùng của phần cổ áo là 2 chùm tua rua càng thêm phần mềm mại cho chiếc áo. Phần cổ tay cũng được thêu cao khoảng 15 cm. Đối với áo dành cho cô dâu, tất cả 4 thân áo đều được thêu gần kín.

Hoa văn trên mỗi chiếc áo thể hiện hình cây lúa, hoa đồng tiền, con chim, cây cối, ngôi sao… và có thêm con ngựa, con rết đối với áo cưới. Đi cùng với áo là chiếc yếm - một phần không thể thiếu trong trang phục của người Dao, ngoài những họa tiết thêu xung quanh, ở giữa yếm được trang trí hoa văn bằng bạc gồm: 7 mảnh hình chữ nhật, 2 hàng đồng xu 2 bên và khoảng 25 họa tiết hình hoa. Yếm có cổ tròn, mở sau gáy, có những đường thêu cả phía sau lưng, được mặc bên trong che kín cả ngực và bụng.

Khăn đội đầu và khăn quàng cũng được thêu rất tỉ mỉ. Cũng với những họa tiết như ở trên áo nhưng khăn đội đầu được bố trí nhiều lớp, khi đội lên đầu sẽ bao thành khuôn vuông, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Thắt lưng đơn giản hơn, chỉ là một dải màu đỏ nhưng cũng chính sự đơn giản ấy đã tạo nên điểm nhấn trên bộ trang phục của phụ nữ Dao đỏ. Nói chung nét đặc sắc tạo nên trang phục của người Dao đỏ không thể thiếu hoa văn trang trí trên khắp các bộ phận của trang phục, trong đó nổi bật nhất là màu đỏ, giúp cho họ không thể nhầm lẫn với các dân tộc khác.

 Người Dao đỏ quan niệm, hoa văn trên y phục không chỉ thể hiện tính cần cù và nhẫn nại, sự khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, tươi sáng, tạo nên nét riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Để nét đẹp đó không bị mai một trong thế hệ trẻ, những người mẹ, người bà dân tộc Dao đỏ Lục Yên vẫn đang từng ngày truyền dạy cho các con, cháu của mình. Bà Phùng Thị Phục ở thôn Giáp Luồng cho biết: “Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, chúng tôi luôn phải dạy dỗ để các cháu hiểu và gìn giữ trang phục dân tộc của mình”.

Ngày xuân đến với người Dao đỏ Lục Yên, du khách sẽ cảm nhận ngay sự vui tươi, phấn khởi, sắc màu tươi thắm trên trang phục của các bà, các chị, các em. Với nghệ thuật tinh tế trong sử dụng màu sắc, người Dao đỏ đã tô điểm thêm cho bộ trang phục của mình thêm phần rực rỡ như đóa hoa tươi thắm, ngời sáng giữa núi rừng.

Mai Huyên

Các tin khác
Các chàng trai, cô gái trên sàn Hạn Khuống.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Biểu diễn cồng chiêng - nét văn hóa đặc sắc Tây Nguyên.

Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình do Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện.

Nhân ngày thơ Việt Nam XV, NXB Kim Đồng ra mắt tập thơ thiếu nhi

Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ra mắt ấn bản mới tập thơ thiếu nhi “Hỏi lá hỏi hoa” của nhà thơ Cao Xuân Sơn.

Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Lễ khai mạc và công bố Năm Du lịch Quốc gia Lào Cai – Tây Bắc năm 2017 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 11/2, tại TP Lào Cai (tỉnh lào Cai).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục