Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/3/2018 | 2:42:07 PM

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 năm 2018 chính thức khai mạc sáng 2/3, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Người yêu thơ tìm hiểu về chân dung các nhà thơ trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2017.
Người yêu thơ tìm hiểu về chân dung các nhà thơ trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2017.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tổ chức trong cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm bài thơ "Nguyên tiêu" bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời.

Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng là một hình thức thể nghiệm để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.

Năm nay cũng là lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 27-28/2 và ngày 1-2/3, tức ngày 12-15 tháng Giêng năm Mậu Tuất.

Với chủ đề "Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước," Ngày Thơ hướng tới việc đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc, của nhân dân; với người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là những con người đang đứng ở "đầu sóng, ngọn gió" bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc. Đó cũng chính là những nhân vật trung tâm của văn học thời kỳ đổi mới, là cảm hứng không bao giờ vơi cạn của nhà thơ cũng như người "lao động văn học" trên cả nước.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ.

Năm nay, Ngày thơ có sự tham gia của 60 câu lạc bộ thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ... Đặc biệt, 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản cũng gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ.

Phương án trưng bày và cũng là biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 được Ban tổ chức chọn là "Cánh buồm thơ."

Nghi thức thả thơ diễn ra sau lễ khai mạc với 50 câu thơ được chọn tham gia nghi thức này. Đây là những câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước. Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Ban tổ chức thực hiện triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trước khi khai hội thơ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2 buổi hội thảo về thơ và văn xuôi với chủ đề "Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và "Đổi mới tư duy tiểu thuyết”.
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ném còn là trò chơi không thể thiếu trong những lễ hội bản Thái.

YBĐT - Lễ hội Rằm tháng Giêng là lễ hội đặc sắc của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò. Người Thái vùng này quan niệm ăn tết đến hết Rằm tháng Giêng nên đây là lễ hội để khởi đầu bước vào lao động sản xuất của một năm.

YBĐT - Tháng Ba. Khi những cành xoan buông đầy sắc tím lưng trời, ấy là mùa kiến ngạt đẻ trứng, dân quê tôi gọi là mùa trứng ngạt.

YBĐT - Chiều 1/3, (tức ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) tỉnh phối hợp với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tổ chức Ngày Thơ Nguyên Tiêu Mậu Tuất Việt Nam lần thứ XVI với chủ đề "Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước".

Lễ vật cúng thủy thần trong lễ hội lồng tồng của người Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Khác với ở miền xuôi, vùng nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiếm có các công trình đình, đền, chùa, miếu lớn kèm theo các lễ hội đầu xuân. Tuy vậy, nghi lễ cúng tế đầu xuân hay còn gọi là lễ kỳ yên (cầu an) vẫn diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục