Tôi biết và tìm hiểu về chuyện tình Lau Slam - một áng thi ca cổ xưa của người Cao Lan đã từ mấy chục năm nay. Cơ duyên là hồi ấy mới ra trường lên công tác ở Yên Bái, tôi được gặp cố nhà thơ Lâm Quý - người Cao Lan và cũng là đồng hương Vĩnh Phú, cùng học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng làm báo, cùng người dân tộc và sau này cùng ở liền kề trong phố. Bởi vậy, ông rất quý gia đình tôi, nên cứ có tác phẩm nào ông xuất bản đều tặng chúng tôi; trong đó, có tác phẩm Kos Lau Slam (dịch từ tiếng Cao Lan sang tiếng Việt nghĩa là: chuyện Lưu Tam).
Cốt chuyện kể rằng, xưa kia có nàng Lau Slam mồ côi cha mẹ từ tấm bé và nhan sắc hơn người, nết na, chịu thương chịu khó, giỏi thi ca đối đáp khiến dân làng hết lòng yêu quý. Đặc biệt, ai ai nghe nàng ca hát cũng đều muốn cố học hỏi để được hát hay. Còn đám trai tráng khắp vùng đều ao ước lấy được nàng làm vợ, nhưng nàng chỉ yêu chàng Dừn là con nhà nghèo nhưng tài ba lại hơn người và cũng giỏi thi ca đối đáp.
Tuy nhiên, vì Lau Slam phải ở với anh trai từ nhỏ và có người chị dâu xấu tính, tham lam, ganh ghét đố kỵ luôn tìm cách hãm hại nàng. Cuối cùng, vì tham của cải, anh trai, chị dâu của Lau Slam đã không cho nàng được yêu Dừn và ép gả nàng cho con trai một lãnh chúa. Vì sức ép từ anh trai, chị dâu cũng như lễ giáo lúc bấy giờ nên nàng đành cam chịu đi làm dâu nhà lãnh chúa. Anh trai, chị dâu của nàng rất sợ sự thông minh cũng như tài năng thi ca, ứng xử của nàng dễ bộc lộ ra những ai oán khiến cho con trai nhà lãnh chúa suy nghĩ mà chết rồi lại liên lụy đến anh trai, chị dâu.
Thành thử, người anh trai, chị dâu bày ra mưu kế lấy cuộn chỉ tốt quấn chặt 2 lưỡi kéo lại và dặn nàng về làm dâu nhà chồng hễ khi nào thấy lưỡi kéo tự mở ra thì mới được nói. Lau Slam nhớ lời và cứ thế im bặt. Ba năm sau, nhà chồng chán nản vì lấy phải người con dâu bị câm nên đã đuổi nàng ra khỏi nhà. Trở về nhà anh chị, nàng đã đi tìm lại chàng Dừn.
Nhưng thật không may, sau khi không lấy được Lau Slam và cha mẹ lại lần lượt qua đời, dân làng chẳng biết chàng Dừn đã đi đâu mà chỉ nghe nói hình như Dừn quyết chí đi tìm thầy để học hành đỗ đạt trở thành người giàu có, được thiên hạ trọng vọng.
Nghe vậy, dù rất buồn nhưng nàng vẫn quyết đi tìm cho bằng được chàng Dừn. Bước chân của nàng không biết đã đi qua bao nhiêu tháng ngày, bao ngọn núi cao, suối khe. Vừa đi nàng vừa hát những khúc ân tình từ câu chuyện tình yêu của chính mình.
Cuối cùng, nàng cũng tìm được chàng nhưng không phải là Dừn đi tìm cuộc sống giàu sang mà chàng tu hành trên một dãy núi cao. Khổ nỗi, vừa tìm được Dừn thì cũng là lúc chàng qua đời. Lau Slam vô cùng đau khổ. Nàng ngồi tựa vào một gốc thông già và cứ ngày đêm cất lên những khúc hát, lời thơ thấm đẫm tình yêu đôi lứa nhưng đầy nỗi bi ai giữa nàng với Dừn.
Hát mãi, hát mãi, đến một ngày nàng kiệt sức rồi chết dưới gốc thông. Dân làng vô cùng thương tiếc người con gái xinh đẹp, rất đỗi tài hoa nhưng bạc mệnh và lấy đá đắp mộ thờ cúng nàng bên gốc thông già. Lau Slam chết đi nhưng những lời ca, tiếng hát của nàng đã hóa vào thân, lá cây thông để vi vút thanh âm mãi muôn đời.
Những lời ca tiếng hát của nàng lúc còn xuân trẻ trong đám hội làng cho đến khi yêu Dừn, đi tìm Dừn rồi đến lúc nàng tựa mình bên gốc thông già quyên sinh đều được người dân ghi chép lại thành sịnh ca Lau Slam (sịnh, sềnh trong tiếng Cao Lan có nghĩa là "thần”). Cho nên, ngày xuân mở hội hát sịnh ca, người Cao Lan vẫn tưởng nhớ và làm lễ mời nữ thần thi ca về cùng hát.
Lau Slam đã trở thành biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong đời sống văn hóa tinh thần được nghệ thuật hóa của người Cao Lan tự cổ xưa. Đó là thứ tình yêu trong sáng và cao đẹp. Cho dù cuộc sống có nghèo khó hay đầy những sóng gió, chông gai thì khi yêu nhau người ta vẫn sẽ vượt qua tất cả để sống với tình yêu của mình. Bởi thế, những người Cao Lan vẫn đời đời tự hào về nữ thần Lau Slam và truyền nhau câu ca:
Tạ ơn lòng kính người xưa
Đã cho ta những vần thơ để đời
Chúa thơ nhắn lại một lời
Yêu nhau dù cách ngàn đời vẫn yêu
Sịnh ca của người Cao Lan đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Riêng với sịnh ca Kos Lau Slam đã có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Trong đó, có những nghiên cứu xác định Kos Lau Slam được dân gian ghi chép lại thành 36 tập, tương ứng với hát 36 đêm. Tập sách chữ Hán cổ ấy của người Cao Lan theo nhà thơ Lâm Quý dịch là "Nhất bản thi tình truyền dụng”.
Tuy nhiên, trong hồ sơ di sản chỉ có 12 đêm hát. Bởi vậy, nghiên cứu về sịnh ca Cao Lan nói chung và nghiên cứu về chuyện thơ Lau Slam vẫn đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung quan tâm sưu tầm, nghiên cứu trong tương lai.
Hoàng Nhâm