Chúng ta cần hiểu rằng, bản sắc dân tộc không phải là cái nhất thành bất biến, mà là một sản phẩm gắn với từng bước phát triển của cộng đồng dân tộc, tức là luôn có xu thế hướng tới hiện đại, và nó chịu tác động của quá trình biến đổi của nền kinh tế - xã hội của một quốc gia.
Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông, con người và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ít nhiều đã bị tác động và biến đổi.
Bên cạnh những nhân tố tích cực thúc đẩy nền văn hóa phát triển hiện đại, tạo ra những công cụ, phương tiện để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thì cũng tồn tại nhiều nhân tố tác động xấu khiến cho giá trị văn hóa truyền thống trở nên lạc hậu hoặc bị mai một, bị biến dạng.
Trước hoàn cảnh đó, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, xây dựng được một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc.
Đó là nền văn hóa bao gồm sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, của các vùng, các địa phương trong nước; tính phong phú đa dạng đó được nhân lên gấp nhiều lần do được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, biểu hiện cụ thể ở những giá trị văn hóa bền vững, là tổng hợp các giá trị tinh thần tiêu biểu của dân tộc, như: tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tính cộng đồng gắn kết giữa cá nhân, gia đình, quê hương, Tổ quốc, tinh thần nhân nghĩa, nhân ái thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tinh thần lao động cần cù sáng tạo, lối sống tinh tế, khiêm tốn, giản dị và trung thực...
Chúng ta đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới, xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến của nhân loại phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành cơ sở để liên kết xã hội và liên kết các thế hệ tạo nên sức mạnh tinh thần của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các nghị quyết của Đảng tiếp tục đề cao nhiệm vụ văn hóa với những phương châm, giải pháp cụ thể.
Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng và tình hình phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua, tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bởi vì giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, khép kín, "nhốt” nền văn hóa dân tộc khỏi sự ảnh hưởng của bên ngoài mà nó còn đồng nghĩa với việc giao lưu hợp tác văn hóa để tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại tiến bộ làm cho nền văn hóa dân tộc giàu có hơn, hiện đại hơn, có sức sống mãnh liệt hơn, đề kháng trước những yếu tố phản văn hóa; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, trang bị tri thức văn hóa dân tộc cho mỗi người dân Việt Nam để mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài đều cảm thấy tự hào về đất nước ngàn năm văn hiến đồng thời nâng cao trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước bối cảnh mới của dân tộc và thời đại.
Tóm lại, trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới. Hội nhập kinh tế, giao lưu về văn hóa giữa các nước đang diễn ra hết sức sôi động. Nhưng nếu không có một bản lĩnh vững vàng, một chiến lược phát triển đúng đắn thì việc giao lưu đó sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Để mở rộng giao lưu, hội nhập mà không đánh mất bản sắc của mình, chúng ta phải trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh: bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, làm bản lĩnh. Nền tảng có vững chắc, bản lĩnh có vững vàng mới tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại một cách đúng đắn, mới chủ động, tự tin hội nhập và làm giàu thêm, sáng lên đặc trưng văn hóa dân tộc.
B.T