Festival quy tụ 420 nghệ nhân đến từ các làng nghề trong nước và quốc tế. Dự lễ khai mạc có đại diện các thành phố, Hiệp hội nghề truyền thống của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Lễ khai mạc diễn ra tại Quảng trường trước Trường Quốc học Huế với Chương trình nghệ thuật "Tinh hoa nghề Việt” gồm 11 tiết mục với hơn 500 diễn viên biểu diễn. Các tiết mục nghệ thuật ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp, quảng bá hình ảnh quê hương, sản phẩm nghề truyền thống Việt Nam. Đặc biệt là màn biểu diễn "áo dài trên con đường di sản” tôn vinh áo dài truyền thống Việt Nam. Festival nghề truyền thống Huế năm 2019 có 16 nhóm nghề của các làng nghề truyền thống nổi tiếng trong nước và các nghệ nhân của 10 thành phố và hiệp hội nghề nước ngoài có quan hệ, hợp tác với thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong 1 tuần diễn ra Festival nghề truyền thống Huế (26/4 đến 2/5) còn có các Lễ hội khinh khí cầu quốc tế, Liên hoan Sắc màu tuổi thơ, các hoạt động triển lãm nghệ thuật và các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho giới trẻ. Ban tổ chức đã bố trí một không gian đi bộ và cảnh quan với cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ trung tâm thành phố.
Phát biểu khai mạc Festival nghề truyền thống lần thứ 8 năm 2019, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, Festival là sự kiện nhằm tôn vinh nghệ nhân và sản phẩm làng nghề, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Sự kiện này góp phần khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống cả nước.
"Festival là sự kiện văn hóa du lịch. Năm nay, ngoài chương trình lễ hội áo dài, có hẳn không gian trưng bày vải lụa tơ tằm và may đo áo dài riêng của Huế và làng nghề nói chung. Mỗi địa phương có mỗi thế mạnh, nếu đi đúng hướng sẽ mang lại hiệu quả. Như vậy dần dần tính quốc tế hóa của Festival chúng ta mặc nhiên được nâng lên rất nhiều” - ông Thành nói.
Điểm nhấn của Festival nghề truyền thống Huế lần này không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian ẩm thực tại Công viên Tứ tượng và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Không gian làng nghề với 30 ngôi nhà rường, vốn là kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ Huế và những những ngôi nhà tre xinh xắn mang dấu ấn của nghề mây tre đan.
Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế. Lần thứ 4 tham dự Festival nghề truyền thống Huế, Họa sỹ - nghệ nhân Thân Văn Huy, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang cho biết, qua các kỳ tổ chức sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người trong nước và quốc tế biết đến.
"Làng nghề thủ công truyền thống gắn liền với du lịch và thông qua du lịch để phát triển nghề truyền thống. Du khách đến sẽ mang về sản phẩm của làng nghề, đặc biệt là hoa sen được nhân dân bầu chọn là Quốc hoa của Việt Nam. Các kỳ festival Tinh hoa nghề Việt đã mở ra cơ hội cho nhiều làng nghề, trong đó có nghề hoa giấy Thanh Tiên” - hoạ sỹ Thân Văn Huy nói.
Các nghệ nhân A Lưới (Thừa Thiên – Huế) trình diễn kỹ nghệ dệt Zèng- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại ngày khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2019
(Theo VOV - SGGP)