Linh thiêng bếp lửa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/5/2019 | 1:47:47 PM

Trong đời sống dân gian thì lửa vừa là yếu tố gần gũi thường nhật, nhưng cũng là đấng siêu nhiên, có sức mạnh vô địch được người dân gọi chung là thần lửa. Mỗi tộc người đều chung quan niệm bếp lửa là trung tâm, là linh hồn của ngôi nhà và có những ứng xử mang tính nghi lễ, hoặc có những phong tục, tập quán về lửa, bếp lửa trong đời sống thường nhật.

Bếp lửa gần gũi trong đời sống thường nhật nhưng cũng rất linh thiêng trong thế giới tâm linh.
Bếp lửa gần gũi trong đời sống thường nhật nhưng cũng rất linh thiêng trong thế giới tâm linh.

Triết học Hy Lạp cổ đại cho rằng, "lửa” là bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của vạn vật. Lửa "bùng cháy” tạo sự chuyển hóa không ngừng nghỉ dẫn đến sự sinh thành, biến đổi của vạn vật. Cho nên, ngọn lửa là biểu tượng của sức sống bất diệt; lửa điều khiển sự sinh tồn...


Triết học phương Đông có "tứ đại", gồm: đất, nước, lửa, gió là bốn chất không thể thiếu trong Trái đất. Trong quan niệm về ngũ hành thì Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 4 yếu tố vật chất hình thành vũ trụ; trong bát quái gồm các hướng: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài thì hướng "Ly” là hướng lửa... 

Còn trong đời sống dân gian thì lửa vừa là yếu tố gần gũi thường nhật, nhưng cũng là đấng siêu nhiên, có sức mạnh vô địch được người dân gọi chung là thần lửa...

Vì những yếu tố thiêng đó, mỗi tộc người, kể cả người Kinh đều chung quan niệm bếp lửa là trung tâm, là linh hồn của ngôi nhà và có những ứng xử mang tính nghi lễ, hoặc có những phong tục, tập quán về lửa, bếp lửa trong đời sống thường nhật. 

Điểm chung dễ nhận thấy nhất, đó là tục nhóm lửa khi dọn đến nhà mới thì hầu như dân tộc nào cũng có nghi lễ này. Hay như bây giờ, người dân sử dụng nhiều bếp gas nhưng khi đi mua bếp, bật bếp để nấu đều phải chọn ngày mua, ngày giờ bật bếp. 

Nhiều dân tộc có chung nghi lễ cúng tế táo quân, cúng thần bếp, thần lửa vào dịp tết Nguyên đán. Dùng lửa làm nghi lễ quán tẩy uế tạp hay trong các nghi lễ cúng tế đều không thể thiếu lửa: đèn, nến; phong thủy trong gian bếp, nhất là kệ bếp không để khu vực chậu rửa quá gần với bếp nấu. 

Cùng đó, mỗi tộc người còn có cách ứng xử riêng với lửa, bếp lửa. Chẳng hạn, người Mường vào ngày tết thường bỏ đồ ăn như thịt, bánh, rượu vào lòng bếp lửa đang cháy để mời vua bếp; kiêng vứt lá bánh, thức ăn thừa vào lòng bếp.

Phụ nữ khi nấu nướng không được ngồi chính giữa cửa bếp; không ai được nhổ nước bọt vào bếp; không để trẻ nhỏ lỡ đái vào bếp; không đun ngược ngọn củi vào trước; không được dùng vật liệu đã làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm làm củi đun; không để bếp bị tắt, nhất là ban đêm để thú dữ, tà ma xâm nhập. 

Đặc biệt, trong những ngày tết, theo quan niệm của người Mường, nếu để bếp tắt thì quanh năm bị đói...

Đối với người Khơ Mú, do đặc thù xưa kia sống săn bắt, hái lượm rồi du canh du cư và đốt nương làm rẫy là chính, đốt lửa để đuổi thú dữ, muông thú phá hoại mùa màng, nên thần lửa đối với họ là vô cùng quan trọng. 

Dân gian của người Thái, người Khơ Mú có câu: "Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa". Người Xá chính là tên gọi khác của người Khơ Mú. Từ sự trân trọng thần lửa nên trong cấu trúc nhà của người Khơ Mú trước đây nếu làm nhà 3 gian thì có tới 3 bếp lửa và dùng bếp theo những quy định kiêng kỵ nghiêm ngặt. 

Trong đó, chiếc bếp đầu tiên ở gian ngoài là bếp đun nấu phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày và tiếp khách đến ngồi chơi xung quanh hay sưởi lửa mùa rét. 

Chiếc bếp thứ hai đặt ở gian giữa được gọi là bếp thờ - nơi thờ tổ tiên người Khơ Mú và chỉ để đun nấu đồ cúng; kiêng kỵ người lạ động vào bếp này. 

Chiếc bếp thứ 3 được đặt ở gian trong cùng, gọi là bếp xôi (chỉ dùng để đồ xôi), vì bếp này liên quan đến tục thờ mẹ lúa của người Khơ Mú - mẹ thiêng liêng đã nuôi sống họ.

Với người Thái đen có tục hỏa táng thì lửa còn mang ý nghĩa gột rửa, tắm rửa sạch sẽ nhất phần xác, phần hồn của họ trước khi về với mường trời. Người Dao, ngoài bếp nấu cũng có một bếp ở gian giữa nhà sàn hoặc để sẵn một khuôn bếp tại đó để khi làm nghi lễ cúng tế sẽ nổi lửa nấu nướng đồ cúng tế hoặc thực hiện các nghi lễ khác ở bếp này.

Trong đó, có tục khi rước dâu về đến nhà chồng, cô dâu phải bước qua bếp này để tẩy uế hoặc xua đuổi tà ma bám theo cô dâu trên đường về làm dâu. Người Tày thờ thần bếp ở ngay góc bếp hoặc cắm ống nhang vào bức vách thẳng khuôn bếp cùng một viên đá đặt cạnh bếp. 

Vào tháng Chạp, trước khi ăn tết Nguyên đán, bà con làm lễ cúng thần bếp để tạ ơn năm cũ đã phù hộ cho cuộc sống no đủ và cầu mong năm mới mọi sự tốt đẹp hơn...

Còn rất nhiều những tín ngưỡng, tập quán độc đáo, giàu ý nghĩa nhân văn về lửa, bếp lửa trong các tộc người khác ở nước ta, nhưng qua những quan niệm, tín ngưỡng, tập quán nêu trên, giúp chúng hiểu thêm ý nghĩa của lửa trong đời sống vật chất, tinh thần từ cổ xưa và ngày nay. 

Sơn Nam

Tags thần lửa

Các tin khác
Người dân tộc Dao, huyện Văn Yên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 103 ngày 12/4/2019 về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh.

Điều chỉnh lịch thi đấu và tổ chức Lễ mặc niệm nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Trong 2 ngày Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (3 - 4/5), Đài Truyền hình Việt Nam sẽ hoãn phát sóng một số chương trình giải trí và phim truyện.

Biểu diễn văn nghệ dân gian của người Dao quần trắng xã Vũ Linh phục vụ du khách.

Năm nay, huyện Yên Bình đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 95.000 - 97.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 60 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/5, từ ngày 2-31/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa ý nghĩa với chủ đề "Hát về Người.”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục