Nắng tắt, hơi lạnh giá buốt của vùng núi cao ùa về, sương giăng giăng khắp lối. Bên ánh lửa hồng bập bùng, huơ huơ đôi bàn tay sưởi ấm, hít hà mùi hương củi khô lách tách, nhìn theo những tàn lửa bắn như pháo bông bay vào không gian, ông Do cất lời tâm sự về duyên nghiệp với cây khèn Mông của mình.
Ông cũng chẳng còn nhớ rõ học thổi khèn từ năm bao nhiêu tuổi, chỉ biết từ khi còn rất nhỏ thường nghe bố thổi khèn, mẹ hát mỗi dịp lễ, tết, lên nương làm rẫy, khi nông nhàn. Âm thanh trầm bổng, lời ca vang xa ngấm vào máu, vào tim lúc nào không hay. Dần dần, ông mày mò học thổi khèn, học thuộc các bài hát dân ca Mông.
Ông Do bảo: "Con trai người Mông lên 7 - 8 tuổi đã bắt đầu học thổi khèn. Lớn lên, cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Khi buồn, khi vui, người Mông đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn. Người đàn ông nào thổi khèn giỏi thì được mọi người đánh giá là mạnh mẽ và tài hoa”. Học thổi khèn từ nhỏ, lớn lên lại học làm khèn, phải mất rất nhiều năm học hỏi mới làm ra được chiếc khèn hoàn chỉnh.
Với tay lên vách lấy chiếc khèn xuống, vừa nâng niu chỉ vào từng bộ phận của cây khèn, ông Do vừa giải thích: "Để có cây khèn tốt thì phải chọn được cây gỗ pơ mu to, cắt khúc, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính. Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống trúc làm khèn phải thẳng đẹp, lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Các ống trúc được xếp gọn song song với nhau trên thân khèn, tượng trưng cho tình anh em tụ họp”.
Tỉ tê tâm sự, câu chuyện giữa chúng tôi trở nên gần gũi hơn, ông Do đứng dậy rồi cất lên âm vang của một bài dân ca Mông. Đắm mình trong giai điệu, qua khúc dạo đầu của bản nhạc, người ông bắt đầu đung đưa, khom lưng, khi quay hất gót chân tại chỗ, khi lại lăn nghiêng, lăn ngửa, khi lại tiến, lùi, vờn khèn đưa chân nhanh nhẹn. Âm thanh trầm bổng vút sâu, dìu dặt vang xa của khèn hòa với tiếng leng keng của những đồng bạc trên áo, tiếng lá xào xạc phía ngoài sân xé tan màn sương đêm tĩnh mịch miền sơn cước.
Dừng tiếng khèn, như vẫn say trong âm điệu, tự hào về nét văn hóa dân tộc mình, chỉ tay lên từng bằng khen treo trang trọng giữa nhà ông Do khoe nào là giấy khen, bằng khen thi thổi khèn Mông, hát dân ca Mông cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt năm 2017, ông còn được về tận thủ đô Hà Nội để dạy một lớp thổi khèn. Với những cố gắng, đóng góp và tài nghệ của mình, đầu năm 2019 ông được công nhận là nghệ nhân thổi khèn Mông.
Đang hào hứng là thế, chợt ánh mắt của người đàn ông Mông trải bao nắng, gió, thăng trầm, mạnh mẽ bỗng đượm buồn, ông Do chia sẻ: "Ngày xưa con trai Mông hầu như ai cũng biết thổi khèn, giờ đây lớp trẻ không còn hứng thú nhiều với cây khèn nữa, người biết sử dụng khèn, múa khèn ngày một ít đi, người làm khèn giỏi, múa khèn giỏi trở nên hiếm hoi. Tôi vẫn luôn sẵn sàng và mong muốn truyền dạy cách làm khèn, thổi khèn, các bài hát dân ca Mông mà tôi biết cho thật nhiều người, thế nhưng chẳng có mấy người thích và đủ kiên trì để học”.
Liêu xiêu trong hơi men nồng, trong câu chuyện về chiếc khèn hồn cốt của người Mông, những đốm lửa dần tàn, chỉ còn tiếng lào xào của gió khuya, tiếng tí tách của những đốm lửa bị gió lùa vào thổi bay lên cao. Hy vọng, rồi tiếng khèn sẽ lại được đánh thức, bùng cháy trong trái tim của những chàng trai Mông đang còn thờ ơ.
Rời bản nhỏ trong sớm mai, tiếng khèn vui tươi, rộn rã nổi lên vang vọng khắp núi đồi như nói lên tiếng lòng người nghệ nhân khi sắp tới ông được đóng góp những điệu khèn, lời ca trong sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” sắp tới tại Hà Nội. Để tiếng khèn cũng như văn hóa dân tộc Mông huyện Trạm Tấu nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung sẽ mãi lưu truyền, song hành cùng sự phát triển của dân tộc và thời đại.
Lê Thương