Phát hành bộ tem chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019

  • Cập nhật: Chủ nhật, 12/5/2019 | 9:20:27 AM

Chiều 11-5 tại Trung tâm Hội nghị Phật giáo quốc tế Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính "Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019".



Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng tranh tem cho Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bộ tem "Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2019" gồm 1 mẫu tem và 1 bloc tem. Hình ảnh chính của mẫu tem là tượng Phật uy nghi với hình ảnh lá bồ đề thời Lý phía sau; bên cạnh là hình ảnh chùa Tam Chúc - nơi diễn ra Đại lễ Phật đản cùng hình ảnh rồng thời Lý (thời kỳ đạo Phật phát triển nhất); phía dưới là hình ảnh hoa sen và mây trời. 

Bloc tem sử dụng hình ảnh Tháp Ngọc thuộc quần thể chùa Tam Chúc. Bộ tem do họa sĩ Phạm Trung Hà của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ tem có giá mặt 4.000 đồng và 1 block giá mặt 15.000 đồng, thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng là từ ngày 11-5-2019 đến 31-12-2020.

Nhân sự kiện phát hành đặc biệt bộ tem Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, Bưu điện Việt Nam cũng tổ chức giới thiệu Bộ sản phẩm tem bưu chính với hình ảnh và nội dung truyền tải sâu rộng về Đại lễ Vesak, Phật giáo Việt Nam và đất nước, con người Việt Nam gồm: Tem bưu chính cá nhân Vesak 2019; bộ sưu tập tem và bộ bưu thiếp Danh thắng Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, Công ty Tem thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phát hành bộ sản phẩm quà tặng tem: Đồng xu bạc kỷ niệm và mặt dây chuyền An Lạc.

* Ra mắt bức tranh sơn ta nhân dịp Lễ Phật đản và 129 năm ngày sinh Bác Hồ

Trước đó, tối 10/5/2019 tại Sóc Sơn, Hà Nội đã diễn ra nghi thức trang trọng, linh thiêng của Đại lễ kính mừng Phật đản.

Tại buổi lễ, Thượng toạ Thích Thanh Quyết đã dành một phần đặc biệt để công bố ra mắt bức tranh sơn ta "Đạo pháp và dân tộc”. Thượng toạ Thích Thanh Quyết đã cùng Nhà đầu tư Hà Huy Thanh - cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập làm lễ kéo khăn nhiễu công bố bức tranh trước tiếng vỗ tay không ngừng của các tăng ni, phật tử. 

Bức tranh "Đạo pháp và dân tộc” có chiều cao 2m, chiều ngang 4,2m, tổng diện tích 8,4m, được thực hiện trên chất liệu sơn mài  với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt 1 tháng qua. 

Đặc biệt, Thượng toạ Thích Thanh Quyết chính là người đã đặt những nét vẽ đầu tiên để "khai bút” cho qúa trình thực hiện tranh. Bức tranh gây chú ý khi được vẽ một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân. 

"Đạo pháp và dân tộc” là tác phẩm được xây dựng dựa trên sáng kiến của Nhà đầu tư Hà Huy Thanh đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của Thượng toạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thanh Quyết cùng đông đảo cán bộ và tăng ni sinh của học viện Phật Giáo Việt Nam.



Bức tranh "Đạo pháp và dân tộc"

Bức tranh được nữ họa sỹ Ngô Hải Yến cùng nhóm họa sỹ tài năng và tâm huyết thực hiện để đón chào ngày 19/5 đặc biệt của năm nay cũng là ngày Phật Đản và cũng trùng vào dịp Lễ quốc tế Phật Đản được tổ chức tại Việt Nam.

Bức tranh có bố cục trọng tâm là bánh xe chuyển pháp luân nói lên sự vận động của quy luật nhân quả, sinh diệt mà chúng sinh nếu giác ngộ được Phật Pháp thì sẽ nương theo quy luật để vươn lên theo ánh sáng của từ bi và trí tuệ. 

Đó là ánh sáng soi đường cho con người đi theo chánh pháp, để trở thành những bậc giác ngộ như hai nhân vật vĩ đại là Thích Ca Mâu Ni và Hồ Chí Minh. Những con người đã ngộ ra chân lý về Tứ điệu đế để hướng cuộc đời mình theo bát chánh đạo. Dưới bút pháp nghệ thuật sơn mài truyền thống, được sự soi sáng của ánh sáng văn hoá của đạo Tình thương, của sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp, bức tranh mang ý niệm về một cõi Phật. 

Nhìn vào bức tranh, ta như cảm nhận một nguồn năng lượng từ bờ giác ngộ, cho chúng ta tin vào sự nhiệm màu vi diệu của Phật để cho chúng ta nhìn thấy ánh bình mình của thời đại, dẫu chúng ta là ai và mang thân phận gì trong cõi đời này. Hội hoạ là một phương tiện vi diệu để những ý niệm cao cả được thể hiện một cách sống động, cộng hưởng cùng tâm thức người xem nhằm mang lại những lợi lạc vô giá cho tinh thần chúng ta, là nguồn năng lượng cho sự nở hoa của tâm hồn. 

"Bức tranh là tấm lòng của những người con đất Việt từ nhà sư, nhà giáo, nhà doanh nghiệp cùng hàng trăm tăng ni sinh và đông đảo người tham gia để dâng lên các bậc bề trên trong dịp đại lễ đặc biệt của nước Việt và cả thế giới. Chúng tôi hy vọng hội họa sẽ là cây cầu kết nối những tấm lòng, mang thông điệp từ bi và trí tuệ đến cho mọi người như một nguồn năng lượng mới, nguồn năng lượng Tình thương”- Nhà đầu tư Hà Huy Thanh chia sẻ. 

Tại buổi lễ, Thượng toạ Thích Thanh Quyết nói về bức tranh: "Toàn bộ bức tranh là trí tuệ, chất liệu tâm huyết của người Việt Nam vẽ Đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay ngày sinh của đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trùng nhau, hiếm có ngày nào như vậy, vì vậy tâm thành của các cư sĩ Phật tử, tri thức và các hoạ sĩ đã vẽ một bức tranh đặc biệt như vậy. 

Đây là bức tranh đặc biệt có ý nghĩa, đức Phật tổ Thích Ca và Bác Hồ đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là "Đạo pháp và dân tộc”, Đức Phật biểu trưng cho Đạo pháp, Bác Hồ tượng trưng cho tinh thần dân tộc. 

Con người Việt Nam ta luôn luôn lấy tinh thần Phật tổ và tư tưởng Hồ Chí Minh làm điểm tựa tinh thần để sống và làm việc, vươn lên, cho nên đây là một bức tranh rất ấn tượng. Giữa bức tranh lại có bánh xe pháp luân biểu tượng cho sự vận động, sự chuyển hoá từ xấu thành tốt, từ nghèo đói thành giàu sang, chuyển hoá từ một cõi từ chúng sinh thành thánh thiện, thành Phật. Cả đức Phật Thích Ca hay Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường phải vận dụng, phải vận chuyển đó để đưa đất nước, con người Việt Nam vào cảnh giới an lành hạnh phúc.

Sau khi công bố tại Đại lễ Kính mừng Phật đản và triển lãm tại Học viện Phật giáo Việt Nam, bức tranh "Đạo pháp và dân tộc” sẽ cùng 19 bức tranh về Bác Hồ của nền hội hoạ Đông dương - kháng chiến lần đầu được công bố và 19 bức tranh vẽ Bác Hồ của các hoạ sĩ đương đại sẽ được đưa về Nhà hát Lớn Hà Nội triển lãm vào ngày 18/5/2019 tới đây. 

Với triển lãm, những hình ảnh của Bác được các họa sỹ thể hiện trong các tác phẩm từ nền hội hoạ Đông Dương, hội họa kháng chiến, hội hoạ Đương Đại… sẽ khiến hậu thế lại ngỡ ngàng hạnh phúc khi ý niệm về Bác trong các thế hệ vẫn chung một ý niệm về một bậc giác ngộ. Bác trong hội hoạ, từ những hình ảnh đời thường ngồi đọc tài liệu, câu cá, thăm người già, đi thị sát chiến dịch đến khi đọc tuyên ngôn khai sinh đất nước, chỉ đạo trận địa... đều hiện lên một vẻ từ bi và trí tuệ, thấm đẫm tình thương.

"Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch chẳng vàng son”. Tình thương Bác để lại chính là sự thấu hiểu của Bác, sự chia sẻ của Bác và những giải pháp mà Bác đã kiến tạo ra cho dân tộc, cho giống nòi. Dưới ánh sáng tình thương của Bác để lại, những người họa sỹ tài năng của ngày hôm nay đã tạo ra tác những tác phẩm nghệ thuật, nhân dịp sinh nhật đặc biệt của người, cũng là ngày Đức Phật đản sinh, Liên Hiệp Quốc tổ chức Đại lễ tại Việt Nam. 

Những tác phẩm hội họa về Bác là những ý niệm cao cả, những thông điệp mạnh mẽ bằng hình ảnh để con cháu giác ngộ ánh sáng tình thương, cùng nhau xây dựng một cuộc sống thịnh vượng, đẳng cấp và nhân văn, sống một cuộc đời đáng sống, xứng đáng là con cháu của người. Với tinh thần "Đạo pháp và dân tộc”, chúng con luôn mong rằng những thành tựu hội hoạ của hậu thế sẽ như tinh thần câu thơ da diết tình người, "Bác vui như ánh buổi bình minh. Vui mỗi mầm non, trái chín cành. Vui tiếng ca chung hoà bốn biển. Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (thơ trích từ bài "Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu).

(Theo HNMO - VOV)

Các tin khác
Một tiết mục khèn Mông

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi kiểm tra công tác chuẩn bị tham gia sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái" ở Hà Nội tại hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu và hoạt động du lịch năm 2019.

Đại diện địa phương nhận bảng xếp hạng di tích.

Đây là đoạn cuối Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, là nơi ghi dấu những chiến công và sự hy sinh xương máu của các lực lượng Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...

Những câu chuyện, ký ức xúc động về Bác được các hoạ sĩ chia sẻ trong triển lãm "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 -2011)".

Quần thể chùa Tam Chúc rộng khoảng 5.100ha.

Rộng tới 5.100 ha, quần thể Tam Chúc là tổng hòa hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính với vẻ hùng vỹ của non nước bao la. Lưng tựa sơn, mặt hướng thủy, quang cảnh chùa Tam Chúc đẹp tựa bức tranh thủy mặc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục