Tôi từng đọc nhiều sách về Bác như: Búp sen xanh, Cha và con, Từ làng Sen, Bác Hồ – Người cho em tất cả, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Bác Hồ kính yêu… nhưng tập truyện ký "Lăng Bác Hồ” của tác giả Tô Hoài vẫn khiến tôi ấn tượng về câu chuyện của những phiến đá, những cây gỗ từ khắp đất nước tụ họp về thủ đô để xây lên ngôi nhà của Bác.
Dòng trích dẫn mở đầu tập truyện ký thực sự đã khắc chạm vào tâm trí như thể lời mời khó cưỡng: "Non sông đất nước, tên chúng tôi là "NON”, đứng thứ nhất trong bốn chữ thiêng liêng ấy. Chúng tôi được gần Bác Hồ từ những ngày gian khổ ở hang đá Pác Bó”…
Nhà văn Tô Hoài với tầm hiểu biết sâu sắc về quá trình xây dựng Lăng Bác Hồ đã thể hiện một cuốn sách đặc biệt. Tập truyện ký viết 111 trang với bút pháp tài tình của tác giả, với tình yêu vô bờ bến với lãnh tụ kính yêu mà gỗ, đá, cát, sỏi trong tập truyện ký cũng biết yêu thương, kính trọng và hơn hết không khỏi tự hào khi được góp phần xây dựng ngôi nhà của Bác.
"Những tấm đá cởi lại tấm áo rêu xanh rừng bốn mùa, từ biệt khoảng không đại dương khí quyển từ hoang sơ vẫn nhởn nhơ trước mặt. Bốn phương nô nức về công trường” - ấy là những tâm sự của đá, lòng kính yêu Bác đã khiến những tảng đá quanh năm làm bạn với mây trời, gió núi, sương sa cũng hân hoan khi được gọi tên, xếp hàng về thủ đô góp công xây nhà Bác.
Truyện ký không chỉ xoay quanh tiến độ công trình mà còn mở ra những câu chuyện khác lồng trong đó. Ấy là câu chuyện ngày trở về của Bác sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Tô Hoài lại lần nữa sử dụng thế mạnh của ngôn ngữ đưa những tảng đá, phiến đá, hòn đá trở thành những "nhân chứng” chính kể về quá trình hoạt động cách mạng của Bác ở Cao Bằng.
Rồi từ đó, đá kể về bước dừng chân đầu tiên của Bác khi về Việt Nam, đá kể chuyện Bác sống trong hang, đêm đêm gối đầu lên đá. Đá kể về chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc, kể những đêm thao thức Bác vẫn lạc quan làm thơ, kể chuyện Bác ngồi câu cá mà trong tâm tưởng vẫn đặt tên suối Lê-Nin, núi Các Mác, kể chuyện Bác cùng anh Kim Đồng băng qua lửa đạn đến với chiến khu…
Đá thầm thì những niềm vui khi nghe các cụ già kể chuyện về ngôi nhà của Bác. Đá hân hoan khi mình được chọn về đứng bên Bác ngày ngày. "Mỗi hòn đá đều có một tâm sự. Cứ trông nét vân và màu đá thì biết. Nếu con người không giao tiếp với ai, thì không có tâm sự, không có hoạt động gì đáng kể, nhưng hòn đá biết việc làm lợi ích… đã có đời sống đáng kể của đá. Bởi chúng tôi sống với người, đá phục vụ người. Trong công việc hàng ngày. Trong cả những biến chuyển lớn lao của đất nước”.
Tôi đã đọc những hồi ký, những tâm sự của những người xây dựng công trình Lăng Bác Hồ, càng hiểu giá trị to lớn ấy không nằm ngoài tâm tư của mỗi người con đất Việt: Tất cả vì tình yêu và lòng tôn kính với Bác - Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Nhưng khi đọc cuốn truyện ký này, một lần nữa, tôi thực sự bất ngờ về những chi tiết trong tác phẩm: "Nhà Bác Hồ, từ móng lên tường là công trình nghìn năm của dân tộc, cát phải sức lực vô ngần. Từng hạt cát đứng ngồi phải liền khít như khối bê tông nạc quánh”.
Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ như được sống lại những năm tháng cả nước "tưởng như khắp các núi, tất cả các cụ già dân tộc giỏi tìm đá quý đương đi kiếm, đi thử từng mỏm đá đưa về xây Lăng”.
Xuyên suốt truyện ký, Tô Hoài kể nhiều câu chuyện của đá, cát và 16 loại gỗ. Sự tương đồng giữa người và vật trong một giai đoạn lịch sử gieo nên những hạt mầm ánh sáng về tình yêu trường tồn của người Việt với Bác, với non sông.
Bằng sự biến hóa tài tình trong ngôn ngữ, tác phẩm không chỉ có ngôn ngữ kể chuyện, trần thuật mà còn có ngôn ngữ tâm lý, ngôn ngữ hình tượng. Sự hóa thân tài tình của tác giả vào đá, cát và cây gỗ nu cùng chất tự sự pha tính trữ tình, chất hồn nhiên pha chất biện chứng trong ngôn ngữ của truyện đã giúp tác giả thành công trong việc khắc họa đậm nét hình tượng Bác cao lớn lồng lộng nhưng cũng giản dị, nhân hậu biết bao.
Câu chuyện mà Tô Hoài kể có rất nhiều chi tiết đáng nhớ về đồng bào miền Bắc, miền Trung, miền Nam, vùng Tây Nguyên…, nhưng điều tôi ấn tượng nhất vẫn là tình cảm sâu sắc của nhân dân ta đối với Bác, là sự kiên cường của dân tộc khi nước nhà còn chia cắt. Tô Hoài đã thắp lên niềm tin yêu trong mọi thế hệ hôm nay và mai sau về sự trường tồn của công trình Lăng Bác Hồ và con đường đi lên của đất nước.
Gấp trang sách lại, tôi vẫn như còn nghe văng vẳng lời tác giả: "Cả nước về Lăng Bác Hồ. Bóng Người bốn phía bước tới in lên mặt cửa và tường đá”. Đó là tình cảm của tác giả, của hơn 97 triệu người dân, của vạn vật trên dải đất hình chữ S này hướng về Bác.
Thủy Thanh