Người Thái kể rằng, xưa kia nơi thượng nguồn một con suối có phong cảnh sơn thủy hữu tình khiến cho các tiên nữ ở trên trời thường xuống đây vui chơi. Lạ thay, mỗi lần xuống chơi, từ chỗ các nàng tiên lại phát ra những âm thanh rất lạ, trầm bổng và réo rắt mê say.
Bởi thế, có một chàng trai đã liều mình mon men đến gần chỗ các nàng tiên đang múa hát rồi phát hiện ra những âm thanh lạ ấy được phát ra từ một vật giống như cái gáo múc nước. Trở về, chàng lấy vỏ quả bầu, gỗ, tơ tằm làm ra cây đàn "tính tẩu". Theo phiên âm Tày - Thái thì "tính" là âm thanh của cây đàn, còn "tẩu" là quả bầu.
Một sự tích khác của người Thái được kể, có một anh nông dân người Thái ngày ngày chài lưới bên sông Đà, bỗng một hôm vớt được một loại quả rất lạ mà ở dưới trần gian không thấy có. Anh ta cắt lấy phần dưới quả bầu đem về làm gáo múc nước, lấy hạt về trồng, còn phần trên của quả bầu thì ném lại xuống sông.
Sau đó, người Kinh vớt được phần trên của quả bầu đem làm chiếc bầu cộng hưởng âm của cây đàn bầu. Còn với anh nông dân người Thái, sau khi làm chiếc gáo múc nước, cứ mỗi lần dùng xong anh lại ngoắc gáo lên cái móc ở cột nhà.
Đồng thời, mỗi lần đi chài cá về, anh lại ngoắc chiếc chài lên cùng chỗ ngoắc chiếc gáo. Nhưng không hiểu sao từ khi có chiếc gáo, mỗi khi đi ngủ cứ về khuya anh lại thấy trong nhà có âm thanh rất lạ phát ra.
Rình mò mãi, anh mới phát hiện ra là do mùi tanh từ chiếc chài nên côn trùng thường bay quanh chiếc chài và khi vào vướng phải sợi dây kéo chài kéo từ đầu cán gáo xuống phía quả bầu nên đã phát ra những âm thanh đó. Từ đó, anh nảy ý làm một cây đàn giống như cái gáo và dây đàn được làm bằng tơ tằm.
Người Tày thì có sự tích rằng, xưa kia có cô gái trẻ xinh đẹp nhưng không may sớm bị góa chồng khiến cô luôn thấy buồn rầu, nhất là lúc về đêm, nàng thường não nề thở than cho số phận của mình. Nỗi buồn của nàng rồi cũng thấu đến nhà trời và nàng nằm mơ thấy người nhà trời tặng cho ba gói nhỏ rồi bảo cách mang từng gói ra trồng.
Nàng trồng gói thứ nhất thì mọc nên cây bầu; gói thứ hai trồng mọc lên cây dâu. Còn gói thứ ba, khi mở ra thì thấy toàn những con tằm nhỏ và người nhà trời bảo nàng hãy lấy lá dâu cho tằm ăn. Sau khi đã có quả bầu khô, tơ tằm, nàng lại được người nhà trời hướng dẫn cách làm đàn tính.
Cây đàn làm xong, nàng mang ra gẩy và âm thanh của đàn đã làm cho nàng tiêu tan hết mọi buồn đau. Những người khác nghe nàng đàn cũng thấy lòng tràn đầy phấn chấn, mê say.
Ở một sự tích khác, người Tày kể rằng, xưa có một chàng trai nghèo chẳng thể lấy được vợ. Thời gian thấm thoắt trôi đi, chàng nhìn xuống nước thấy mỗi lúc khuôn mặt mình thêm một già nua. Chẳng biết làm gì cho vơi bớt những nỗi buồn, chàng nghĩ cách lấy gỗ cây thừng mực, vỏ quả bầu, tơ tằm để làm ra cây đàn tính đàn hát cho khuây khỏa.
Chẳng ngờ, cây đàn lại tạo nên những âm thanh tuyệt diệu đến vậy. Nhiều người nghe đàn tính còn mê đắm đến mức quên cả làm ăn; cỏ cây nghe cũng buồn đến úa lá. Thấy vậy, Ngọc Hoàng đã sai người xuống gặp chàng trai bắt phải dứt bỏ đi chín dây để tiếng đàn không còn mê hoặc con người và vạn vật nữa. Thành thử cây đàn tính của người Tày giờ chỉ còn lại ba dây.
Nghe những sự tích ấy của người Tày, người Thái, ngẫm mà thấy tính tẩu thật là vi diệu. Nó giống như báu vật mà trời đã ban tặng cho con người. Ví như, chàng trai người Thái kia biết làm ra cây đàn tính cũng nhờ bởi trông thấy các nàng tiên (thiên) chơi cây đàn ấy.
Quả bầu vớt được ở sông Đà để làm đàn tính cũng là "thứ quả lạ" chưa trông thấy ở trần gian. Cô gái góa kia được nhà trời thương cảm mà giúp cho cách làm ra cây đàn tính. Chàng trai nghèo làm ra cây đàn có âm thanh vi diệu, mê đắm đến mức nhà trời bắt phải bỏ bớt đi chín dây chỉ còn ba dây.
Hay như ở một sự tích khác về hát then chữa bệnh của người Tày lại kể rằng, xưa có một gia đình nông dân hiếm muộn mãi mới đẻ được đứa con trai. Gia đình, họ hàng mừng vui khôn tả, nhưng bỗng đứa con lăn ra ốm và chữa trị mọi cách mà không khỏi.
Chủ nhà chẳng còn cách nào khác, ông mang cây đàn tính ra giữa sân và hát then than vãn với trời. Bỗng dưng con trai ông khỏi bệnh và từ đó người Tày tin vào hát then (thiên) và "mo then" chữa được bệnh cho người...
Sự vi diệu ấy, làm cho đàn tính, hát then Tày, khắp Thái có sức sống trường tồn mãi với thời gian. Đàn tính ví như phần hồn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Thái, người Tày.
Vượt xa hơn nữa, đàn tính, hát then còn là nguồn cảm hứng bất tận cho cả những sáng tác kịch bản phim, âm nhạc, múa đương đại trong dòng chảy văn hóa, góp phần bảo tồn những nét tinh hoa văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Nhâm