Nghĩa Lộ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong trường học

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/10/2019 | 11:14:13 AM

YênBái - Giờ chào cờ đầu tuần ở Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ thật thú vị với những ai lần đầu tiên được tham dự. Bởi toàn bộ học sinh trong trường mặc trang phục của dân tộc mình thay cho áo đồng phục.

Học sinh Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ mặc trang phục dân tộc vào giờ Chào cờ đầu tuần.
Học sinh Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ mặc trang phục dân tộc vào giờ Chào cờ đầu tuần.

Những trang phục không chỉ đẹp mắt mà còn là cách thầy cô nơi đây dạy các em biết gìn giữ văn hóa trang phục của dân tộc. Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ đóng trên địa bàn xã Nghĩa Lợi, với trên 90% là đồng bào dân tộc Thái. Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong trường học được hầu hết phụ huynh ủng hộ. 

Bà Lường Thị Chắc - xã Nghĩa Lợi chia sẻ: "Gia đình rất ủng hộ việc mặc trang phục dân tộc vào đầu tuần vì như thế là bản sắc văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ. Từ đó, con cháu mình có ý thức gìn giữ những phong tục khác nữa”. Không chỉ có trang phục dân tộc, hiện nhà trường có các câu lạc bộ tự nguyện như: Câu lạc bộ Xòe, Câu lạc bộ Khắp Thái, Câu lạc bộ Tìm hiểu các làn điệu dân ca... thu hút trên 90% học sinh trong trường tham gia. 

Cô giáo Đặng Thị Hồng Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để tổ chức các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian, giáo viên và các em học sinh nòng cốt được các nghệ nhân truyền dạy, sau đó hướng dẫn, dạy lại trong toàn trường. Giờ ra chơi giữa giờ, Trường tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, tó mắc lẹ, đặc biệt vào giờ thể dục giữa giờ sáng thứ Hai hàng tuần, chúng tôi tổ chức cho học sinh toàn trường múa xòe. 

"Thông qua đó, giúp các em có ý thức hơn trong việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Năm học 2018 - 2019, nhà trường có Dự án "Nâng cao giá trị, hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể - xòe cổ Mường Lò tại các trường học thuộc khu vực đồng bào Thái sinh sống” đoạt giải Nhì, Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, được tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia” - cô giáo Ánh nói.

Nghĩa Lộ là quê hương của 6 điệu xòe cổ của người Thái Tây Bắc - đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015. 

Xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người, 6 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Nghĩa Lộ đã đưa giáo dục di sản vào trường học theo cách rất đặc biệt và hiệu quả.

Không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy trong nhà trường, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng mô hình "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong trường học” và triển khai tới 100% đơn vị trường học trên địa bàn. 

Trong đó, tập trung chỉ đạo các trường đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với đặc thù như: thành lập Câu lạc bộ Múa xòe cổ, Câu lạc bộ Khắp Thái, học chữ Thái cổ; tổ chức trò chơi dân gian; tập luyện võ thuật cổ truyền. 

Đặc biệt, khuyến khích cán bộ, quản lý, giáo viên và học sinh mặc trang phục dân tộc trong giờ Chào cờ đầu tuần và các hoạt động chung của nhà trường. Khuyến khích các đơn vị tổ chức kết nạp Đoàn, Đội tại Khu di tích Lịch sử văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục truyền thống cho học sinh. Ngay sau khi triển khai, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với các giải pháp cụ thể. 

Để thực hiện có hiệu quả mô hình, ngành GD&ĐT thị xã phối hợp với các xã, phường chỉ đạo các tổ dân phố, thôn, bản tích cực thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương thông qua các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, thôn, bản và thông qua hệ thống phát thanh cơ sở. 

Cùng với đó, các trường vận động phụ huynh học sinh cùng tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, trực tiếp dự các buổi sinh hoạt của các CLB dân ca, dân vũ, võ thuật của nhà trường. Từ đó, thấy được sự thay đổi của con em mình, phụ huynh đã đồng thuận. Đến nay, toàn ngành giáo dục thị xã có 22 đội múa xòe, trong đó có 7 đội ở bậc mầm non, 8 đội ở bậc tiểu học và 7 đội ở bậc THCS. 



Trong các hoạt động chung, nhiều em học sinh đã chọn bộ trang phục dân tộc Thái duyên dáng cho mình. (Trong ảnh: Các em vui tết Trung thu tại trường). 

Các đội hoạt động đều đặn thường xuyên, phục vụ các hoạt động lớn của nhà trường, của ngành và của thị xã. Ngoài ra, các đơn vị trường học trên địa bàn thị xã lồng ghép trong thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; thường xuyên tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống. 

Từ đó, có nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật để thực hiện mô hình, như Dự án "Bảo tồn Lễ tằng cẩu trong việc phát triển văn hóa du lịch Mường Lò” của Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, Dự án "Một số đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làn điệu khắp Thái” của Trường TH&THCS Lê Hồng Phong đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh năm học 2016 - 2017; Dự án "Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Thái, xã Nghĩa An - thị xã Nghĩa Lộ của Trường TH&THCS Lê Hồng Phong năm học 2017 - 2018; Dự án "Nâng cao giá trị, hiệu quả của di sản văn hóa phi vật thể xòe cổ Mường Lò trong trường học thuộc khu vực đồng bào dân tộc Thái sinh sống” của Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ đoạt giải Nhì cấp tỉnh năm học 2018 - 2019. 

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Chính từ việc thực hiện Mô hình "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong các trường học” đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Trong năm học vừa qua, ngành đã tuyên dương 166 học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi lớp 8, 9 cấp thị xã, trong đó có 71 em đoạt giải; có 40 em dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh và đoạt 18 giải; 12 học sinh tiểu học tham gia giao lưu Trạng Nguyên nhỏ tuổi - viết chữ đẹp cấp tỉnh, trong đó có 2 em đoạt giải Ba, 10 em đoạt giải Khuyến khích... Ngoài thành tích về học tập, các em còn tích cực tham gia và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong các hội thi...”

Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương trong các nhà trường là vô cùng cần thiết, tới đây, ngành GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ tập trung duy trì và thực hiện có hiệu quả hơn nữa Mô hình "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong trường học”. 

Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động của các CLB. Đồng thời, phối hợp với các nghệ nhân dân gian tiếp tục tổ chức truyền dạy dân ca dân vũ và các nét văn hóa khác của địa phương, góp phần xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa vào năm 2020.

Thanh Ba

Tags Nghĩa Lộ bản sắc văn hóa xòe cổ Khắp Thái Căng - Đồn Nghĩa Lộ

Các tin khác
Liên hoan phim Busan 2019.

Lễ khai mạc được tổ chức tại sân khấu ngoài trời 5.000 chỗ ngồi của Trung tâm chiếu phim Busan, với sự dẫn dắt của nam diễn viên Hàn Quốc Jung Woo-sung và nữ diễn viên Lee Hanee.

Một cảnh trong vở kịch

NSND Lê Tiến Thọ kỳ vọng Liên hoan với sự giao lưu quốc tế có tác động trực tiếp đến sự phát triển của sân khấu Việt Nam trong thời gian tới.

Biểu diễn Nhã nhạc tại Festival Huế

Chiều 3-10, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, Festival Huế 2020 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 6-4-2020.

Biết đến Mường Lò qua màn ảnh nhỏ. Lâng lâng, xao xuyến một niềm mong! Chỉ mấy khổ thơ, tác giả giúp chúng ta cùng đặt bước trên đất Mường Lò để cảm nhận “tinh hoa từ huyền thoại” qua nhịp đại xòe, qua tiếng ca Ing lả vang vọng núi rừng, qua chiếc khăn piêu phấp phới bay trên những thửa ruộng bậc thang trải dài Mù Căng Chải...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục