Nghĩa Lộ quan tâm bảo tồn khắp Thái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2019 | 8:06:19 AM

YênBái - Du khách đến các bản làng người Thái Nghĩa Lộ đều có thể được thưởng thức âm thanh của tiếng khèn, tiếng pí cùng tiếng hát khắp Thái để cảm cảm nhận rõ nét hơn về nét văn hóa của người Thái nơi này.

Những điệu dân ca Thái do nghệ nhân Điêu Thị Xiêng sưu tầm sáng tác đã được lớp trẻ học và biểu diễn trong các ngày hội văn hóa Tây Bắc.
Những điệu dân ca Thái do nghệ nhân Điêu Thị Xiêng sưu tầm sáng tác đã được lớp trẻ học và biểu diễn trong các ngày hội văn hóa Tây Bắc.

Thời gian qua, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái được thị xã Nghĩa Lộ đặc biệt quan tâm và từng bước đưa vào xã hội hóa như: xòe Thái được đưa vào các trường học để truyền dạy cho học sinh, đặc biệt, nghệ thuật Xòe Thái Nghĩa Lộ vừa mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các lễ hội Hạn Khuống, Rằm tháng Giêng… cũng được khôi phục, bảo tồn và phát huy. 

Không nằm ngoài xu thế đó, khắp Thái cũng đang được thị xã Nghĩa Lộ quan tâm bảo tồn thông qua việc động viên, khuyến khích các nghệ nhân sáng tác các bài khắp mới; khuyến khích đồng bào tham gia luyện tập hát khắp, đặc biệt là thế hệ trẻ để tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội, hội diễn nghệ thuật quần chúng do thị xã tổ chức hàng năm và biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, những người có thể sáng tác được các bài hát "khắp” ở thị xã không nhiều, có thể kể đến như: Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở bản Đêu I, xã Nghĩa An; Nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm. 

Họ từ lâu đã được biết đến là những người am hiểu văn hóa Thái, luôn tích cực sưu tầm, sáng tác các bài khắp nổi tiếng khắp vùng, lại vừa có khả năng thể hiện chính những sáng tác của mình. Theo Nghệ nhân Lò Văn Biến, giống như các dân tộc khác, lịch của người Thái thường được tính theo can chi - ngũ hành, 12 con giáp theo chu kỳ sẽ đại diện cho các năm tương ứng. Mỗi năm lại có 1 bài khắp được sáng tác riêng cho con linh vật đại diện cho năm đó. 

Vào mỗi dịp cuối năm, mặc dù bận nhiều công việc nhưng ông vẫn dành thời gian để sáng tác các bài hát chúc mừng năm mới. Năm 2020 - năm Canh Tý, năm con chuột cũng đã được ông chuẩn bị sáng tác từ bây giờ. 

Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết thêm: "Khi sáng tác các bài hát về linh vật biểu tượng cho năm mới, tôi thường dựa vào ý nghĩa của con vật đó trong đời sống người dân và một số đặc tính tốt đẹp của nó để lựa chọn những câu khắp phù hợp, dễ hiểu, sao cho bài hát không chỉ hay, ý nghĩa mà còn được đông đảo bà con đón nhận”. 

Nói đến Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng không chỉ người dân vùng Mường Lò mà ngay cả với người Thái Tây Bắc cũng đều biết đến, bởi bà rất nổi tiếng với những bài khắp ca ngợi quê hương, đất nước, bản làng đổi mới hay những thay đổi trong cuộc sống của bà con dân bản. Có thể kể đến các bài hát: "Mừng năm mới”, "Nậm Đông đổi mới”, "Nhớ ơn Đảng”, "Nhớ ơn Bác Hồ”, "Bà con dân bản đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”… 

Lời khắp trong những sáng tác của bà có tiết tấu vui tươi, dễ thuộc, dễ nhớ. Nay tuổi đã cao, giọng hát không còn được trong trẻo như trước, song bà vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với những câu khắp bằng việc sáng tác các bài khắp và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bà đã thành lập lớp dạy khắp Thái ngay tại nhà mình cho các em nhỏ trong thôn đến học. Ban đầu lớp chỉ có 4 - 5 người, đến nay đã thu hút nhiều người ở các thôn bản Đêu, bản Vệ, Nà Vặng… 

Chị Đồng Thị Khẹn ở thôn Đêu 1 - học viên tích cực của Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng chia sẻ: "Yêu thích các làn điệu khắp Thái, ngay khi Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng mở lớp, tôi đã đăng ký và xin theo học ngay. Đến nay, tôi đã học được nhiều bài khắp Thái và đã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức và được đông đảo bà con đón nhận”. 

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng cho biết: "Thể hiện được bài khắp hay rất khó, người hát ngoài giọng trong trẻo, mượt mà, hơi dài, cần phải thể hiện được thông điệp gửi gắm trong mỗi bài hát. Để làm được điều đó, người hát cần phải hiểu rõ được ý nghĩa của từng câu hát, nhất là thổi hồn mình vào từng câu khắp. Những người khắp hay thường là những người đã trải qua quá trình luyện tập nhiều năm và phải có niềm đam mê với nó”. 

Giờ đây, du khách đến các bản làng người Thái Nghĩa Lộ đều có thể được thưởng thức âm thanh của tiếng khèn, tiếng pí cùng tiếng hát khắp Thái để cảm cảm nhận rõ nét hơn về nét văn hóa của người Thái nơi này.

Ngọc Sơn

Tags Nghĩa Lộ khắp Thái xòe Thái làn điệu

Các tin khác

Thành phố Hà Nội là 1 trong số 66 thành phố mới vừa được UNESCO ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Chiếc khăn Piêu là loại thổ cẩm nổi tiếng của người Thái, một đặc trưng văn hóa chứa đựng những giá trị tinh thần, vật chất được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ. Khăn Piêu được phụ nữ Thái dệt từ bông vải, nhuộm chàm kỹ, thêu thùa 2 đầu.

Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) vừa được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN - nâng tổng số Vườn Di sản ASEAN tại Việt Nam lên con số 10.

Đại diện Ban Tổ chức và đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các văn nghệ sĩ tại lễ bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2019.

Sáng 27/6, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục