Hồng Hạnh - giọng ca nhiều cảm xúc

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2020 | 11:39:30 AM

YênBái - Từ nhỏ, Hạnh đã yêu âm nhạc, thích ca hát, cộng thêm "trời phú” cho chất giọng tốt nên cô đã sớm thể hiện tài năng của mình. "Sân khấu” đầu tiên của Hạnh chính là phòng khách của gia đình, là lớp học hay nhà văn hóa tổ dân phố... đưa đến những mùa gặt hái.

Hồng Hạnh luôn đem hết khả năng, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo cống hiến cho công việc.
Hồng Hạnh luôn đem hết khả năng, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo cống hiến cho công việc.

"Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời
…Xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Nghe lòng vui phơi phới...”

Lời bài hát "Mùa xuân đến rồi đó” âm vang lúc nhẹ nhàng, khi lại vút cao như thúc giục con tim song cũng vô cùng duyên dáng phát ra từ Phòng Luyện thanh, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái khiến lòng người rạo rực, cảm nhận mùa xuân đã cận kề. Và người đã "thổi hồn” cho những ca từ đó chính là giọng ca mượt mà, trong trẻo, đầy nội lực - Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

Hồng Hạnh sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế Văn Yên trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật. Song, từ nhỏ Hạnh đã yêu âm nhạc, thích ca hát, cộng thêm "trời phú” cho chất giọng tốt nên cô đã sớm thể hiện tài năng của mình. "Sân khấu” đầu tiên của Hạnh chính là phòng khách của gia đình, là lớp học hay nhà văn hóa tổ dân phố... 

Sự cổ vũ, động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè cùng những giải thưởng nho nhỏ đầu tiên của huyện, của trường đã tạo động lực giúp tình yêu âm nhạc trong Hạnh lớn dần theo năm tháng, thúc giục cô quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. 

Không giống với chúng bạn cùng trang lứa, sau mỗi chiều tan học hay dịp nghỉ hè là thích được đọc chuyện, chơi game hay hội nhóm… Hạnh lại chỉ thích ngâm nga học hát, học đàn, chép lại những bài hát yêu thích vào cuốn sổ tay nhỏ của mình. 

Hồng Hạnh tâm sự: "Cho đến giờ, tôi vẫn không bao giờ quên được cảm giác, cảm xúc khi lần đầu được bố mẹ mua cho  chiếc đàn nhỏ để hỗ trợ việc học hát. Mặc dù chưa có kiến thức gì về nhịp, phách, song tôi cứ đánh đàn theo cảm nhận, đệm lời cho các bài hát thấy hay, thấy vui tai thế là mê mải suốt. Chiếc đàn đã được tôi trân trọng, giữ gìn và coi nó như vật báu bên mình suốt những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp”.  

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với tấm bằng loại Giỏi chuyên ngành Sư phạm Nhạc. Đây là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của Hạnh trong nhiều năm khổ luyện với âm nhạc và cũng mở ra cho cô nhiều cơ hội. 

Với khuôn mặt khả ái, bắt ánh đèn sân khấu, đã có không ít những lời mời, cơ hội để Hạnh "tỏa sáng” trên những "sân khấu lớn” và có thể phát triển sự nghiệp ở những thành phố lớn. Nhưng là người có lối sống giản dị, không thích bon chen và luôn một lòng hướng về quê hương, nên sau khi ra trường, Hạnh đã về huyện Văn Yên công tác, rồi sau đó, chuyển về Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái công tác từ năm 2012 đến nay. 

Là cán bộ ngành văn hóa, mang sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, Hạnh tâm niệm: "Âm nhạc có sức mạnh cảm hóa và lan tỏa, có thể kết nối và nâng cao nhận thức con người” nên đã đem hết khả năng, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo cống hiến cho công việc. 

Ngoài việc thường xuyên tham gia làm đạo diễn, diễn viên, trực tiếp biểu diễn các tiết mục ca, múa nhạc do tỉnh, thành phố tổ chức; là cộng tác viên giảng dạy Thanh nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái; giảng dạy cách tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ cho các câu lạc bộ văn nghệ và cán bộ văn hóa các xã, phường của thành phố Yên Bái, với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cơ quan, Hạnh còn mạnh dạn mở lớp năng khiếu Sao Mai với mong muốn dìu dắt các em nhỏ có chất giọng và niềm đam mê ca hát trở thành những "hạt nhân” trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. 

Những em nhỏ có niềm đam mê và năng khiếu ca hát nhưng điều kiện gia đình khó khăn, Hạnh sẵn sàng dạy miễn phí và luôn tạo điều kiện để các em được giao lưu, cọ sát trên sân khấu.

Gắn bó với nghiệp diễn, với nghệ thuật ca hát, bằng niềm đam mê và lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, Hồng Hạnh đã gặt hái không ít thành công như: giải Nhất phong cách âm nhạc dân gian Giải Sao Mai Hòa Bình năm 2007; giải Nhất Liên hoan tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Yên Bái năm 2009; Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân toàn quốc năm 2010; Huy chương Bạc tuyên truyền về biển đảo Việt Nam năm 2012; Huy chương Vàng Tiếng hát công nhân viên chức tỉnh Yên Bái năm 2019; Huy chương Bạc Hội diễn toàn quân năm 2019; bằng khen của UBND tỉnh... 

Mỗi thành công đã và đang tiếp thêm cho Hồng Hạnh động lực cống hiến hết mình cho nghệ thuật để đem tiếng hát phục vụ nhân dân.

Hồng Oanh

Các tin khác
Học sinh Trường THPT Mù Cang Chải học kỹ thuật dệt thổ cẩm với nghệ nhân.

Ở một địa phương đa sắc màu dân tộc như Yên Bái, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đang được người trẻ hiểu và hành động bằng nhiều việc làm cụ thể, theo những cách riêng của mình, trong đó có các dự án của người trẻ.

Khắp then, đàn tính của người Tày ở xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) Ảnh minh họa

Cách thành phố Yên Bái hơn 80km về phía Đông Bắc là địa bàn huyện Lục Yên - vùng đất Ngọc nổi tiếng với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Và điệu Khắp Tày ngọt ngào, sâu lắng là một trong những điều đặc biệt gây bao thương nhớ khi đến với miền đất này.

Trần Tâm Thanh trong phần trình diễn trang phục dạ hội tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019.

Năm 2019, mảnh đất quê hương Yên Bái vô cùng tự hào khi Trần Tâm Thanh - cô gái xinh đẹp, tài năng tuổi 20 đã lọt vào vòng chung kết, đứng trong top 45 gương mặt xuất sắc nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Brave Heart - Trái tim dũng cảm” diễn ra vào tháng 12 vừa qua tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa).

Không khí lễ hội đã rộn ràng khắp sân đình, người dân từ các thôn hối hả mang theo những mâm lễ đầy ắp xôi, gà, hoa quả và đặc sản bưởi tiến vua...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục