Đường nhỏ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/3/2021 | 1:52:10 PM

YênBái - Tôi là một con đường nhỏ. Lúc tôi ra đời, cư dân ở đây còn thưa thớt lắm. Chỉ có những người làm lúa nương, trồng sắn, vạch cỏ phát lối đi lại, thành một lối mòn vừa đủ lọt bàn chân người qua.

Những con đường trải bê tông liên thôn đều được trồng xen kẽ các loại hoa đủ sắc màu. (Ảnh minh họa)
Những con đường trải bê tông liên thôn đều được trồng xen kẽ các loại hoa đủ sắc màu. (Ảnh minh họa)

Mọi người dựng lều cạnh nương để ăn cơm trưa, nghỉ ngơi, tránh nắng. Chiều về người vác củi, người vác chuối cho lợn. Những bàn chân to bè, chắc nịch phầm phập đi; những bàn chân nhỏ nhắn, xinh xinh dắt trâu theo bố mẹ. Lối mòn rộng dần, thân hình tôi lớn lên, ngoằn ngoèo như rắn bò đến tận dòng suối Gốc Trò, nên mọi người đặt cho tôi cái tên là đường Gốc Trò.

Mỗi trận mưa về, tiếng bước chân nhọp nhẹp trên mình tôi, bùn choét ra các kẽ ngón chân. Ngày qua ngày, tôi quen từng bước chân. Tôi nhận ra chân người khỏe hay yếu, trẻ hay già. Một ngày vắng tiếng bước chân, tôi buồn và nhớ. 

Tôi thương những bàn chân trượt dài, trầy xước; thương những bàn chân khi vấp phải hòn đá, gốc cây. Những chiếc lều canh nương dần được thay thế, thành ngôi nhà, thành bản nhỏ. Đầu thu, những bàn chân nhỏ xinh xinh đi học, họ thành bạn của tôi, áo mới, dép mới, cứ nói chuyện ríu ra ríu rít, làm cho các loài chim chuyền cành lích rích kháo nhau. Các bạn nhỏ kể tôi nghe nhiều chuyện, nào chuyện lớp học gồm nhiều dân tộc; cô giáo tận miền xuôi tình nguyện lên dạy; có bạn ở nhà bố mẹ toàn gọi tên cúng cơm, đến lớp cô giáo điểm danh không nhận ra tên mình. 

Mùa nối mùa, trên vai các bạn nhỏ thêm khăn quàng đỏ, các bạn vẽ lên mình tôi từng chữ và đọc thật hay. Bên phải tôi là ruộng bậc thang, bên trái tôi là sườn đồi đầy cỏ lau, chè vè, nương ót. 

Mùa đông, sương phủ trắng xóa trên ngọn pàn cừa, nhả nhùng, các bạn đến lớp ướt sọp sẹp. Mọi người nghỉ một ngày việc, phát quang hai bên đường, thân hình tôi trở nên đẹp đẽ hơn. Mặt trời rạng rỡ, tôi đón những bước chân quen thuộc bằng sự biết ơn. Tôi vui khi các bạn học lên cấp ba, tôi được nâng bánh những chiếc xe đạp đến trường. 

Ngày tháng trôi qua, lớp người đó trưởng thành, người đi công tác, người đi lấy chồng, lấy vợ. Tôi lại đón bước chân những thế hệ tiếp sau. Một ngày, người ta đưa về một cái máy màu vàng, đi đến đâu, bàn tay sắt san bằng và móc đất đắp lên mình tôi, tôi trở nên cao ráo, rộng lớn và đẹp hẳn ra. Tôi hãnh diện khi những chiếc xe máy đi bon bon, những chiếc công nông, xe kéo chở lúa ngô về. Tôi nhận thấy mình quan trọng và thật ý nghĩa đối với con người. 

Một ngày hè oi bức, đàn kiến hàng hàng kéo nhau qua tôi. Rồi một cơn mưa ào ào không ngớt. Nước từ các khe núi, sườn đồi trọc ầm ầm đổ xuống mình tôi. Tôi cố gồng mình nhưng không thể trụ nổi bởi dòng lũ xối xả, quét phăng từng mảng đất đá. Dòng lũ hung ác xé toạc thân hình tôi, chỗ xoáy sâu, chỗ nổi thành u cục. Máu lòng tôi chảy đục ngầu, lòng người dân Gốc Trò cũng quặn thắt. 

Bản Gốc Trò bị cô lập, người không đi chợ, đi học, đi làm được. Dân Gốc Trò họp bàn, góp sức, góp của để khắc phục. Mọi người lại vần từng tảng đá, xe đất đắp lên mình tôi. Rồi xi măng, cát, sỏi chuyển đến. Tôi được khoác lên một chiếc áo mới, đẹp, mượt mà, kiên cố, là chiếc áo bê tông. 

Cái tên đường Gốc Trò của tôi được thay bằng cái tên mới, là đường nông thôn mới. Tôi vui hơn vì sau trận lũ kinh hoàng ấy, người dân Gốc Trò đem cây phủ kín các đồi trọc. Màu xanh mướt mát vươn lên mạnh mẽ.
 

Tôi thích nghe các bạn nhỏ hát: "Đường và chân là đôi bạn thân. Chân đi chơi, chân đi học. Đường ngang dọc đường dẫn tới nơi. Chân nhớ đường cất bước đi. Đường yêu chân in dấu lại…”. 

Con người yêu mến tôi và tôi càng yêu mến con người hơn. Tôi hiểu mình là huyết mạch của mảnh đất này. Miền núi sẽ tiến kịp miền xuôi. Tôi sẽ góp sức đưa văn minh, ấm no, hạnh phúc về bản nhỏ.

Hoàng Thị Na (Thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình)


Các tin khác
Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã hoàn thành, chờ nghiệm thu

Sau 2 năm triển khai, công trình tượng đài từng làm “dậy sóng” dư luận hồi giữa năm 2020 tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) chính thức hoàn thành, đang chờ nghiệm thu.

Tác phẩm

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ninh Mạnh Thắng vừa xuất sắc giành 2 Huy chương vàng và 1 Bằng Danh dự salon tại cuộc thi ảnh quốc tế Three Country Grand Circuit 2020, với tác phẩm "Những thiên thần Tây Nguyên".

Ông Lou Ottens và cuốn băng cassette huyền thoại (Nguồn: tweet247)

Vào năm 1963, với tư cách là Giám đốc của Philips Audio, ông Lou Ottens, người Hà Lan, đã giới thiệu ra công chúng thế hệ mới của máy ghi âm: băng cassette.

Lễ cúng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải.

Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vùa ban hành các quyết định về việc công bố thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải nằm trong 8 di sản này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục