Người ta thường nói: "Tuổi thơ càng xa, ký ức càng gần”. Ngẫm mà thấy đúng quá! Đi qua cái thời hoa đỏ sôi nổi và căng tràn những khát khao, bước vào tuổi "tri thiên mệnh”, bỗng lại thấy lòng mình trẻ lại, trong trẻo như suối nguồn sau mùa dông lũ. Kỷ niệm tuổi thơ cứ thăm thẳm dội về nhớ nhung và hoài niệm.
Trong ký ức tuổi thơ vời vợi nơi đất rừng thuở ấy, vẫn vẹn nguyên dư vị ngọt ngào của những mùa ong. Ven đường lô trên những đồi chè hợp tác, nơi có những búi chè vè mọc um tùm, lá ken dày như những đụn rơm nhỏ là thế giới của bầy ong ruồi, nhỏ xíu và dường như chẳng đốt ai bao giờ.
Từ khi mặt trời chưa thức dậy sau ngọn núi đằng đông, những nàng ong ruồi hiền thục đã rung rinh đôi cánh nhỏ, rủ nhau đi lượm phấn và kiếm mật từ những đóa hoa chè trắng ngần, nở khắp các thung đồi. Tổ của loài ong ruồi chỉ nhỉnh hơn bàn tay người lớn, nhưng luôn ắp đầy mật giọt. Đây là món khoái khẩu mà đám trẻ trâu miền rừng chúng tôi thường dễ dàng kiếm được.
Ngồi trên lưng trâu qua những bụi chè vè, trâu say sưa thưởng thức từng đọt lá non đua nhau vươn dậy trong mùa cỏ tháng sáu, làm cho bầy ong ruồi bay túa ra. Thế là đám mục đồng chúng tôi vui mừng hò reo, vì vừa phát hiện ra hũ mật nằm sâu trong thân búi chè vè. Chỉ cần lấy tay gạt nhẹ những chú ong thợ là chúng tôi có thể thỏa thuê thưởng thức hương vị ngọt ngào và thơm mát của mật ong ruồi. Đôi khi ăn nhiều mật, lũ chúng tôi ngủ lịm đến hàng giờ dưới tán cây, trên triền đồi lộng gió.
Dạo ấy núi rừng xanh thắm, đâu đâu cũng gặp sản vật quý. Cùng với những tổ ong ruồi, sóng sánh mật ngọt mà mẹ thiên nhiên yêu chiều dành riêng cho tuổi thơ lam lũ miền rừng, còn có nhiều loài ong khác cũng cần mẫn, chắt chiu làm nên những "kho báu” giữa bạt ngàn, bí ẩn rừng xanh. Trong đó phải kể tới loài ong khoái quan thường làm tổ trong hốc đá và lỗ hổng từ những thân cây rừng. Nếu tổ ong ruồi chỉ bằng bàn tay người lớn, thì tổ ong khoái có thể to bằng cả chiếc thùng gánh nước. Quân số của ong khoái thường đông nghịt với những cá thể lớn bằng đầu đũa và nổi tiếng là hung dữ.
Đổi lại, một tổ ong khoái vào mùa hoa nở rộ, có thể lấy được cả thùng mật thơm ngon, bổ dưỡng vào loại thượng hạng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh ong khoái đuổi tấn công người phá tổ của chúng. Khởi đầu, chỉ cần một con ong canh gác lao ra đốt là cả đàn ào theo như ánh chớp, tới tấp tấn công kẻ phá tổ và lấy đi nguồn mật dự trữ nuôi dưỡng bầy ong qua mùa giá rét. Người bị ong khoái tấn công, cuống cuồng nhảy ào xuống nước, lặn ngụp trốn chạy, bầy ong còn soi theo tăm nước, lượn vòng bên trên, chờ để tấn công tiếp.
Với loại ong này, lũ trẻ con chúng tôi luôn được mọi người nhắc nhở phải tránh cho xa. Còn nhớ một lần cưỡi trâu qua khe ngõa, bỗng dưng con trâu mộng đầu đàn khựng lại, đầu nghểnh cao, mắt long lên như nghênh chiến và hai tai rung rung vểnh về phía trước. Chưa kịp định thần, tai tôi đã chặt đầy thứ âm thành ào ào đầy uy hiếp. Hóa ra, dưới gốc ngõa già, là một tổ ong khoái vừa mới tụ đàn. Chúng bám lấy nhau đông nghịt bảo vệ ong chúa, làm thành một chiếc tổ buông dài tới hơn một mét. Khi có vật lạ hoặc người tới gần là chúng đồng loạt rung cánh, tạo nên âm thanh cảnh báo rợn người của loài ong dữ.
Không chỉ lấy mật từ những tổ ong ngoài tự nhiên, người dân quê tôi ngày ấy còn biết thuần hóa ong rừng, làm thành đõ nuôi, quay mật theo mùa hoa.
Vào độ tháng Ba, tháng Tư hàng năm, khi tiết trời ấm áp, nguồn thức ăn từ phấn và mật hoa có ở khắp nơi và cũng là thời kỳ ong chúa sinh sản mạnh nhất, tổ của chúng trong hốc cây, kẽ đá trở nên chật chội và đám "ong sán” nguồn ong chúa mới, được bầy ong thợ nuôi dưỡng băng thức ăn đặc biệt dành cho các "đế chế tương lai” đã trưởng thành sau khoảng hai tuần nằm trong "ổ chúa”, đàn ong mật rừng bắt đầu tách đàn, tìm nơi xây tổ.
Đất rừng quê tôi ngày ấy vốn sẵn các loài hoa đua nở từ mùa xuân cho tới tận giáp thu, nên các đõ ong nuôi lúc nào cũng ăm ắp mật. Tôi thấy mẹ thường đựng mật vào những chiếc chai thủy tinh, gần miệng chai cho thêm một phần vỏ sáp ong rồi nút lại bằng một chiếc nõ ngô nhỏ. Mật giọt ong rừng, ngọt ngào thơm mát, nhỏ vào lòng bàn tay tròn xinh như viên ngọc, lóng lánh màu hổ phách. Mật ong là thứ quà quý bố mẹ thường dành tặng cô, bác nơi xa có dịp đến chơi nhà.
Vào dịp tết Đoan ngọ mùng năm tháng năm, mẹ thường lấy mật ong trộn với bột nhân quả hoa gùn làm thành những viên kẹo mật gùn thơm ngọt cho chúng tôi ăn để "chiết sâu bọ”. Sau này lớn lên, tôi mới biết đó là bài thuốc dân gian trừ giun sán rất hiệu quả. Mật và một phần sáp ong non nấu với gạo nếp nương thành món chè sánh ngọt, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.
Nhớ những mùa ong nơi đất rừng, quê núi ngọt ngào hương vị tuổi thơ và đọc lại tùy bút "Tờ hoa” của nhà viết văn tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân nói về quãng đường tám ngàn cây số với trên hai triệu bảy trăm ngàn lượt bay rời tổ của một con ong, đến với hơn năm vạn loài hoa để làm nên một giọt mật cho đời, tôi càng thêm trân trọng sự cần mẫn lao động của loài ong.
Thời gian và năm tháng, ký ức và hiện tại, như một sợi dây vô hình mà bền dẻo, nhắc nhớ chúng ta trở về với sự trong trẻo của tuổi thơ và nuôi dưỡng những khát khao mong ước. Tinh thần lao động miệt mài, sự hồn nhiên và trong sáng, ắt sẽ làm nên những dấu ấn trong sự nghiệp của mỗi người, góp thêm cho đời những "giọt mật” yêu thương.
Thanh Tửu