Hơn 30 tuổi, anh Giàng A Tủa - người Mông ở thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu là người trẻ tuổi nhất trong số những người được phong tặng nghệ nhân vừa qua. Từ lúc nhỏ, cậu bé Giàng A Tủa đã khao khát được thổi khèn và múa khèn. 15 tuổi, A Tủa quyết tâm học thổi khèn và múa khèn từ ông nội Giàng Trứ Phia.
Bằng niềm đam mê với tiếng khèn Mông, A Tủa nhanh chóng am hiểu các loại khèn và nghệ thuật múa khèn của người Mông. Từ âm điệu của những bài khèn như: gọi bạn, lời tỏ tình tình yêu đôi lứa... cho đến những động tác của nghệ thuật múa khèn như: điệu múa xoay tròn, điệu nhảy tiến lùi, điệu lộn người, điệu nhảy cò đều thấm vào tâm trí và trái tim chàng thanh niên người Mông ấy.
Thuần thục với thanh âm và những điệu múa khèn, Giàng A Tủa chẳng mấy khi vắng mặt trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn nghệ thuật của xã. Chẳng những đam mê với khèn Mông, A Tủa còn say đắm với những lời hát giao duyên, tiếng sáo. Thế nên, trong những hội vui của làng bản, nhất là dịp tết cổ truyền trước đây, tiếng sáo, lời hát của Giàng A Tủa lúc nào cũng chộn rộn lòng người.
"Người Mông hát giao duyên đối đáp bằng hai cái ống tre chừng 2 cm, dán 2 miếng nilon kín 2 đầu, rồi lấy sợi chỉ làm bằng lanh buộc vào chính giữa tâm của 2 đầu ống tre. Thông qua sợi chỉ và ống tre này, hai bên nghe được lời hát và âm thanh của nhau, cũng cảm nhận được tình cảm của hai bên nam nữ. Đây là nét văn hóa rất riêng của người Mông mình” - A Tủa chia sẻ.
Tình yêu văn hóa dân tộc cũng là điều chảy trong máu của người phụ nữ nay đã ngoài 60 khi có đến gần 40 năm học hỏi và đưa những điệu múa Khơ Mú của dân tộc mình thực hành trong cuộc sống. Từ những năm hơn 20 tuổi, bà Vì Thị Sai ở thôn Pa Te, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu bắt đầu tự tìm hiểu, nghiên cứu qua sách vở hay các phương tiện thông tin đại chúng để khôi phục, dàn dựng các điệu múa dân tộc Khơ Mú trên địa bàn xã Túc Đán. Múa cồng chiêng trong dịp tết, múa mừng nhà mới, múa tuyên lĩnh (tiễn bộ đội nhập ngũ), múa chọc lỗ tra hạt (tẹ như moi), múa tăng bu... bà Sai đều rành rọt lắm.
"Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 là thời điểm người dân tiến hành cày cấy, để có mùa màng bội thu, người dân Khơ Mú thường tổ chức lễ hội tra hạt, cầu mùa và biểu diễn điệu múa chọc lỗ tra hạt. Còn điệu múa tăng bu là điệu múa bằng cách nghệ thuật hóa động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất vào điệu múa, những động tác tưởng chừng như khô khan cứng nhắc trở nên uyển chuyển mềm mại và có nhịp điệu hơn. Đây còn là tiết mục vui chơi thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là các thanh niên nam, nữ. Trong các dịp lễ hội, họ rủ nhau từ các làng bản khác cùng về đây tham gia múa cùng dân bản. Nhiều người đứng nối nhau xếp thành vòng tròn lớn, một tay bám lên vai người đi trước, một tay cầm cây tăng bu” - cứ nói đến các điệu múa là bà Sai say mê như không dừng được.
Tính ra, đến nay, người phụ nữ này có đến 39 năm gắn bó với các điệu múa của người Khơ Mú và tham gia biểu diễn phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn do xã, huyện, tỉnh tổ chức rất nhiều lần.
Nói đến văn hóa dân tộc Tày, không thể không nhắc đến đàn tính và điệu hát then. Ông Hà Văn Nguyện ở thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên là người tiếp nối, trao truyền tình yêu với cây đàn tính và điệu then cho nhiều người trong xã.
"May mắn cho tôi, ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã tiếp cận với nghệ thuật đàn tính từ ông nội của mình, rồi lại được học hát then từ những nghệ nhân trong xã. Tiếng đàn, điệu then đẹp lắm, ở đó cảm nhận rõ được tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình yêu lao động sản xuất hay những giá trị gia đình…” – ông Hà Văn Nguyện nói về những giá trị văn hóa ấy bằng cả tình yêu trong tâm hồn mình.
Thanh âm đàn tính hát then cứ thế ngấm vào ông theo năm tháng để rồi không những biểu diễn thuần thục các làn điệu then, ông còn có thể sáng tác các bài hát then lời mới và dàn dựng các tiết mục phát triển theo các điệu dậm. Chẳng những vậy, ông Hà Văn Nguyện còn là một trong số ít người đóng mới và sửa chữa được nhạc cụ đàn tính hiện nay. Nhiều năm nay, tiếng đàn của ông Nguyện có mặt trong rất nhiều lễ hội ở địa phương. Cũng tiếng đàn ấy nhiều lần tham dự các hội diễn của huyện, tỉnh và vinh dự được ghi nhận.
Nặng lòng với những lời ca, điệu múa, những nghệ nhân ấy không chỉ nhiều năm say mê thực hành văn hóa di sản phi vật thể mà còn mong mỏi khát khao những giá trị văn hóa này tiếp tục được tiếp nối, lưu truyền. Bởi vậy, họ chẳng ngần ngại bỏ công sức để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân trẻ tuổi Giàng A Tủa đến nay đã lan tỏa tình yêu với tiếng khèn cho 6 học trò. Giàng A Xa - một trong những học trò của Giàng A Tủa bảo rằng: "Thầy Tủa giúp mình mỗi lúc một thêm yêu tiếng khèn Mông. Thế nên mình say mê lắm và từng biểu diễn đạt giải cao trong một hội diễn nghệ thuật trình diễn trang phục của huyện Trạm Tấu gần đây”.
Còn bà Vì Thị Sai cũng truyền dạy được cho 7 người thuần thục các điệu múa của người Khơ Mú. 35 người - con số học trò của người đàn ông với cây đàn tính và điệu then Hà Văn Nguyện không hề ít qua nhiều năm tháng.
Đến giờ, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn tính hát then xã, ông vẫn tiếp tục công việc truyền dạy ý nghĩa này "Mình không tính toán công sức, thậm chí là cả vật chất để có thể lan truyền tình yêu với cây đàn tính và điệu then cho các bạn trẻ, chỉ mong sao lớp trẻ cảm nhận được những nét đẹp trong vốn văn hóa đó của dân tộc mình” - ông Nguyện mong mỏi.
Lặng lẽ và bền bỉ với tình yêu văn hóa dân tộc, những nghệ nhân ấy không chỉ như pho sách sống về văn hóa mà còn lan truyền tình yêu ấy để những giá trị văn hóa có nhiều cơ hội bền vững với thời gian.
Thu Hạnh