Đoàn Chủ tọa điều hành Hội đồng giải gồm: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Thuận Hữu; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Hồ Quang Lợi; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 còn có 41 Uỷ viên. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ là Uỷ viên Hội đồng Chung khảo.
Giải báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm, theo Quyết định số 369/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia.
Năm nay Hội đồng Giải báo chí quốc gia tổ chức xét tặng Giải báo chí quốc gia lần thứ 15; là mùa giải thứ năm trong nhiệm kì Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam Khóa X (2015 - 2020), với nhiều thành viên mới trong Hội đồng Giải và Hội đồng chung khảo.
Tham dự Giải năm nay có 114 đơn vị cấp hội và 190 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải theo quy định. Đặc biệt năm nay là năm thứ ba có tất cả 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Đây là kết của sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cấp Hội và hội viên trong cả nước đối với Giải báo chí quốc gia.
Phát biểu khai mạc, ông Thuận Hữu - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia cho biết: "Khác với các năm trước, năm nay chúng ta tiến hành vòng chấm chung khảo trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc” và vẫn phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra vừa chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Cũng chính vì thế, về nội dung, các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các mặt khác của đời sống chính trị của đất nước trong năm 2020. Đặc biệt phản ánh các sự kiện Đại hội Đảng các cấp, Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, tình hình khắc phục thiên tai bão lũ, nhất là ở Miền Trung, hạn mặn nặng nề ở miền Nam. Báo chí còn tham gia trực tiếp vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được phản ánh một cách sâu sắc và kịp thời”.
Về chất lượng các tác phẩm dự Giải: Hội đồng Sơ khảo đánh giá, năm nay nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, bài bản, với việc các tác phẩm nhiều kì (báo in, báo điện tử) chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Đối với báo điện tử, hình thức thể hiện mới được sử dụng ngày càng nhiều, như longform, megastory, e-agazine...Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vượt lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều đài địa phương có sự vươn lên, như: Đài Bắc Giang, Đài Lào Cai, Đài Nghệ An, Đài Hà Tĩnh, Đài Quảng Ngãi, Đài Vĩnh Long, Đài Bình Phước, Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM, vv…
Chia sẻ về quy chế chấm giải năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Hồ Quang Lợi cho biết: "Hội đồng Sơ khảo đã thực hiện đúng quy chế chấm Giải, làm việc với tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, thẩm định, chấm tác phẩm theo các tiêu chí về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, đã lựa chọn và trình lên Hội đồng chung khảo danh sách 151 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1823 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải (năm 2019 là 1602 tác phẩm). Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay”.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và nhiệt tình nhất, Hội đồng sơ khảo đã chọn và trình Hội đồng chung khảo các tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội. Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản ánh, phản biện, đấu tranh phê phán cũng như biểu dương, xây dựng cái mới.
(Theo VOV)