Ông Dương Trung Hưng - người dân tộc Dao, ở thôn Đồng Phay, xã Kiên Thành được chính người cha truyền dạy chữ viết, tiếng nói của dân tộc Dao và kỹ năng về thao tác, các bản trường ca theo phong tục tập quán người Dao quần chẹt.
Nhờ hiểu biết, ông Hưng thường được đồng bào Dao quần chẹt trong và ngoài xã mời tham gia làm thầy chính trong lễ cấp sắc, trong cúng lễ tết nhảy, lễ cầu mùa và các lễ hội của người Dao quần chẹt trong vùng. Ông vừa làm thầy vừa truyền dạy cho những người cùng tham gia.
Từ tháng 9 năm 1990, được chính quyền địa phương đồng ý, ông tập hợp được 15 người cùng chung sở thích theo học, tự nguyện truyền dạy những điều mình biết về văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.
Từ năm 2016 đến nay, ông trực tiếp đề nghị với chính quyền địa phương cho mượn nhà học tập cộng đồng của thôn Đồng Phay để làm địa điểm để truyền dạy miễn phí cho 23 học viên.
Ở thôn 8A, xã Việt Cường, ông Triệu Đình Hiện cũng được truyền dạy về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ chữ viết Dao quần chẹt từ người am hiểu trong thôn. Với sự hiểu biết của mình, ông được cộng đồng người Dao quần chẹt trong vùng tin tưởng nhờ cúng các lễ tổ tiên, lễ cấp sắc, lễ tảo mộ.
Từ năm 2010, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của người dân tộc thiểu số, ông đã mở lớp truyền dạy văn hóa bản sắc dân tộc người Dao quần chẹt cho những người yêu thích. Ông tìm hiểu, vận động bà con loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không còn phù hợp cuộc sống hiện đại, gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc.
Ông dày công sao, lưu những quyển sách có giá trị, những đoạn thơ ca phục vụ cho lễ hội của cộng đồng dân tộc Dao quần chẹt như: Đại sư ca, quyển 24 đoạn ca, 36 đoạn thơ ca dùng cho cấp sắc và hoàn nguyên của Dao quần chẹt; quyển thông tư tạp lương để xem ngày, tháng tốt, xấu và nhiều quyển sách quý hiếm khác. Ông Triệu Đình Hiện còn giảng dạy về cách phát âm chuẩn và chữ viết cho hơn 80 người trong thôn.
Một trong những học trò tiêu biểu của ông Triệu Đình Hiện là ông Dương Trung Đình - người cùng thôn, nay cũng là người nhiều tâm huyết với việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết, tập quán của người Dao. Đến nay, ông Đình sở hữu nhiều sách cổ, biết và biểu diễn thuần thục nhiều điệu múa cũng như tổ chức các nghi lễ, các bài cúng, khấn, những bài hát của người dao quần chẹt.
Tính ra, ông Dương Trung Đình đã có 35 năm tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể, trải qua thực tế như đi làm thầy lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, đắp mộ, tảo mộ và biểu diễn thuần thục nhiều điệu múa trong nghi lễ của người dân tộc Dao và chữ viết Nôm Dao. Được biết, năm 2017 ông Đình đã cùng với thầy của mình là ông Triệu Đình Hiện mở lớp dạy học chữ Nho nôm cho hơn 80 người trong thôn và duy trì 20 người theo học sau đó.
Tình yêu văn hóa dân tộc và nhiệt huyết của những con người như ông Đình, ông Hiện, ông Hưng… đã và đang đóng góp tích cực cho việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của người Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Thu Hạnh