3 ca khúc bất hủ ra đời trong thời điểm lịch sử 30/4/1975

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/4/2022 | 9:12:27 AM

Các bài hát "Đất nước trọn niềm vui", "Như có Bác trong ngày đại thắng" và “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” đều được viết trong dịp giải phóng miền Nam 1975.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca từng truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca hào hùng mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua các giai điệu, thế hệ sau hiểu rõ hơn giá trị của chiến thắng làm nên Việt Nam của thời đại mới.

Trong đó, có 3 bài hát còn mãi với thời gian được sáng tác trong thời điểm lịch sử này.

"Đất nước trọn niềm vui” – Hoàng Hà 

"Đất nước trọn niềm vui" ra đời vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng của nhạc sĩ Hoàng Hà ở Hà Nội.

Nhạc phẩm là tiếng lòng của tác giả, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước hoàn toàn giải phóng: "Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Tên bài hát "Đất nước trọn niềm vui" về sau được chọn làm tên một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về sự kiện 30/4/1975. Bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và ca sĩ Trung Kiên thể hiện lần đầu tiên, được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Sau NSND Trung Kiên, NSƯT Tạ Minh Tâm cũng thể hiện lại khá thành công nhạc phẩm này. Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm cho biết: "Khi NSND Trung Kiên thể hiện ca khúc này vào năm 1975, lúc đất nước mới giải phóng, cảm giác lạ lẫm và hình thành khí thế, sống động trong hoàn cảnh đất nước đang thay đổi. Niềm vui, cảm xúc đặc biệt của người dân Việt Nam được thể hiện trong 'Đất nước trọn niềm vui' không dễ gì tìm lại được. Ngày nay cảm xúc có chiều sâu, lắng đọng hơn và nhiều trải nghiệm hơn trong quá trình hát. Cảm giác bây giờ là hồi tưởng và ngợi ca sự phát triển của đất nước”.

"Như có Bác trong ngày đại thắng” – Phạm Tuyên

Bài "Như có Bác trong ngày đại thắng" được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đêm 28/4/1975 và thu âm ngay trong chiều 30/4 để phát sóng kịp thời trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Cùng với "Đất nước trọn niềm vui", đây là ca khúc không thể thiếu khi nhắc đến ngày đại thắng. Kể về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, bản tin chiều 28/4/1975 của Đài Tiếng nói Việt Nam về hành động oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất của phi công Nguyễn Thành Trung tạo cảm xúc mạnh mẽ để ông cho ra đời bài hát này.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết: "Trong nguồn cảm hứng dào dạt, hai tiếng đồng hồ sau, bài hát được hoàn thành, không cần sửa một câu, một chữ. Tôi định để dành đến ngày 7/5, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mới dàn dựng, không ngờ thắng lợi nhanh đến thế! 30/4, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập”.

Ngay trong chiều 30/4, ca khúc được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cho dàn hợp xướng 40 người tập luyện để kịp phát thanh. Vị nhạc sĩ xúc động: "Chưa có buổi thu thanh bài hát nào ở Đài Tiếng nói Việt Nam mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính tôi cũng khóc”.

Cứ sau một bản tin thông báo thắng trận tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế là bài hát lại vang lên hào hùng. Khi Đài Phát thanh Giải phóng Sài Gòn phát ca khúc, chính nhạc sĩ cũng ngỡ ngàng bởi ông và Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn chưa kịp gửi bài hát và băng thu thanh vào Sài Gòn. Rồi người miền Nam ngân nga điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!” hòa chung vào niềm vui giải phóng.

"Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” – Xuân Hồng

Năm 1963, nhạc sĩ Xuân Hồng thành lập đoàn văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, những nhạc phẩm nổi tiếng của ông ra đời như "Xuân chiến khu", "Bài ca may áo", "Chiếc khăn tay", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"...

Còn ca khúc "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” được nhạc sĩ Xuân Hồng viết trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975. Ông nhẩm hát, nhẩm thuộc và cứ thế bài hát hình thành. Để dễ thuộc, không quên vì nhiều sự kiện dồn dập, với phong cách dân gian dân tộc, nhạc sĩ Xuân Hồng chọn làn điệu dân ca quen thuộc cho sáng tác của mình.

Khi Sài Gòn giải phóng, nhạc sĩ Xuân Hồng chỉnh sửa ca từ và từ đó, bài hát cứ vang lên vui tươi, rộn ràng đầy ắp tự hào, tha thiết: "Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà… Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời”.

Đây là một trong 6 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Xuân Hồng mang đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho ông.  
(Theo VTC)

Các tin khác

Chiều 29/4, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã có thư mời ông Nguyễn Thanh Tùng – nghệ danh: Sơn Tùng M-TP (ngụ Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đến làm việc và cung cấp thông tin liên quan đến MV ca nhạc “There’s no one at all”.

Người dân tham gia lễ hội bia Oktoberfest tại Munich, Đức, ngày 22/9/2019.

Lễ hội Oktoberfest năm nay sẽ diễn ra từ ngày 17/9 đến 3/10 tại khu hội chợ Theresienwiese ở thành phố Munich, như thông lệ hằng năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cảnh trong phim

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam vừa ra mắt khán giả phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng “Bình minh đỏ”. Bộ phim là bản hùng ca về tinh thần quả cảm của những người nữ chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức ký phát hành đặc biệt bộ tem và đóng dấu lưu niệm, ký lưu niệm trên tranh tem

Bộ tem “50 năm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị” tái hiện hình ảnh người lính giải phóng bảo vệ Thành cổ trong mưa bom bão lửa để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục