Sự phi thường của bình thường
Ngày nay, mọi người đều lấy sự phi thường làm mục tiêu. Đó là cuộc tìm kiếm của cái tôi: trở thành một người đặc biệt, sở hữu điều gì đó độc nhất, không ai sánh bằng. Và nghịch lý, theo Osho, là "nếu cố gắng trở nên phi thường, bạn sẽ luôn bình thường” bởi tất cả mọi người đều đang giống nhau - tìm kiếm sự khác biệt.
Thế nhưng, "Hai vật thể giống hệt nhau không hề tồn tại”, Osho nói, "vì vậy, không cần phải làm ‘người đặc biệt’. Bạn chỉ cần là chính mình, và bỗng nhiên, bạn là duy nhất, không ai sánh được”. Trong tâm trí Osho, quay về với nguyên bản chính là một hành trình phi thường.
Sống dựa vào những sự thật được người khác trao cho, bạn không còn là nguyên bản
Khi Osho còn là sinh viên đại học, các giáo sư dù yêu mến ông nhưng cũng rất lo lắng cho người học trò đặc biệt này khi ông không bao giờ chuẩn bị cho các kỳ thi, thậm chí còn đưa ra những câu trả lời mà không thầy cô chấm thi nào hiểu được.
Khi một vị giáo sư trong ban giám khảo hỏi: "Đâu là sự khác biệt giữa triết học Ấn Độ và triết học phương Tây?”. Osho đã chất vấn lại: "Ý thầy là gì khi nói ‘triết học Ấn Độ’? Triết học có thể vừa thuộc Ấn Độ vừa thuộc phương Tây không? Nếu không có ‘khoa học Ấn Độ’ và ‘khoa học phương Tây’, tại sao triết học phải như vậy?”
Lúc này, vị giám khảo bối rối. Cho dù ông ấy hỏi gì, Osho đều đáp lại bằng một câu hỏi khác. Osho cho rằng vị giáo sư lúng túng vì ông chỉ có những đáp án soạn sẵn.
Từ bỏ những điều đã biết là một việc khó khăn, đặc biệt là khi bạn nghĩ chúng giúp mình trở nên thông thái. Nhưng bạn sẽ không nhìn thấu được chân lý ẩn giấu bên trong nếu chỉ học thuộc lòng kiến thức và lặp lại như một con vẹt. Đây là điều mà vị đạo sư này trăn trở.
"Những kiến thức vay mượn tồn tại cố định trong bạn, và mỗi khi bạn hồi đáp từ những kiến thức có sẵn đó, câu trả lời của bạn luôn thiếu sót. Nó không phải là câu trả lời đúng với thực tại”, ông lý giải. Và đây cũng là cách mà tác phẩm "Hiểu” của Osho ra đời.
Sống với trạng thái không biết gì của một đứa trẻ - Hành trình tâm linh mới của thế kỷ 21
"Hiểu” mở ra một hành trình tâm linh mới cho thế kỷ 21. Trên con đường khai phóng ấy, Osho giữ vai trò như bậc thầy tâm linh nổi tiếng với nhiều học thuyết gây tranh cãi để đưa con thuyền tự do trở về nơi nó thuộc về.
Xuyên suốt tác phẩm, Osho nhiều lần nhắc đến hành trình "từ cái đã biết, đến cái chưa biết và cái không thể biết”. Ông gạt đi những tư tưởng cũ kỹ liên quan đến tôn giáo và kiến thức, ông chỉ ra bản chất của nghèo đói và lòng tham, sự khác biệt giữa khôn ngoan và thông thái, hiểu về sự chia cắt sâu sắc để từ đó đưa nhân loại tìm lại con người nguyên bản của chính mình… Đặc biệt hơn là khi vị đạo sư này sử dụng hình ảnh lạc đà, sư tử và đứa trẻ để ví von hành trình trưởng thành của con người.
Trong mắt ông, lạc đà là nơi lưu giữ ký ức, sư tử đại diện cho kiến thức, còn đứa trẻ là hiện thân của sự thông thái. Lạc đà sống trong quá khứ, sư tử sống trong tương lai, còn đứa trẻ sống trong hiện tại - ở đây và lúc này. Lạc đà là giai đoạn trước tâm trí, sư tử là tâm trí, còn đứa trẻ là giai đoạn hậu tâm trí khi không hiện hữu cái tôi trong con người mình.
Toàn bộ nỗ lực của Osho chính là giúp nhân loại từ bỏ sự hiểu biết để quay về với trạng thái không biết gì của một đứa trẻ. Rằng, chúng ta nên ngây thơ trở lại, nên cởi bỏ các quy tắc, quy định để các câu hỏi có thể bắt đầu nảy sinh một lần nữa và sống một cuộc đời thật sự tỉnh táo. Và "hiểu” dựa vào những trải nghiệm của chính mình nên là nguyên tắc sống duy nhất.
Nếu hiểu, bạn sẽ yêu thương. Nếu yêu thương, bạn sẽ không làm tổn hại bất kỳ ai. Nếu hiểu, bạn sẽ trở nên hạnh phúc và biết sẻ chia đến người khác. Lòng biết ơn đối với sự hiện hữu sẽ dâng tràn từ toàn bộ bản thể của bạn, như dòng sông liên tục chảy.
"Hiểu” của Osho đi ngược lại những lời khuyên khám phá sức mạnh nội tại mà ta thường thấy. Cuốn sách hướng dẫn bạn cách "vứt bỏ” mọi thứ mà mình tin tưởng. Đừng tin, hãy nghi ngờ, chất vấn và đặt câu hỏi. Hãy học cách khám phá và đừng tuân theo một khuôn khổ "sự thật” nào của xã hội, tôn giáo hay bất cứ cá nhân nào.
Đến lúc đó, bạn sẽ hoàn toàn được tự do.
(Theo VOV)