Nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và 60 năm thành lập Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước (4/9/1962), Trung tâm lưu trữ quốc gia III tổ chức triển lãm trực tuyến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam.
Không gian triển lãm trực tuyến được thiết kế sinh động. Khu vực sảnh chính giới thiệu lối vào các khu trưng bày gồm Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam; Quốc ca - giai điệu thiêng liêng, tự hào; Quốc huy - biểu tượng nhà nước Việt Nam và khu vực trưng bày chủ đề "Tự hào Việt Nam".
Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, lần đầu xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra đêm 22, rạng ngày 23/11/1940 ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Theo một số nhà nghiên cứu, người vẽ lá Quốc kỳ là Nguyễn Hữu Tiến, sinh ở Duy Tiên, Hà Nam. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, bị địch bắt đi đày, sau đó vượt ngục và tiếp tục hoạt động tại Nam Kỳ. Sau hội nghị Trung ương lần 6 năm 1939, xứ ủy Nam Kỳ phân công ông thiết kế lá cờ cho cuộc khởi nghĩa.
Chương trình Việt Minh năm 1941 có nêu, sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập Chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc.
Lá cờ Việt Nam dân chủ cộng hòa mang ý nghĩa đặc biệt với người dân Việt Nam. Phần nền màu đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin cách mạng. Ngôi sao vàng tượng trưng cho ánh sáng cách mạng, màu da vàng của người dân Việt. Năm cánh sao đại diện cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của tầng lớp nhân dân trong đó có sĩ, công, nông, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu lại từ Âu sang Á. Triển lãm cũng trưng bày điều lệ của Thủ tướng năm 1956 về dùng Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đến khu vực Quốc ca, người xem được nghe lại giai điệu Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao cùng hoàn cảnh ra đời bài hát. Bản viết tay của nhạc sĩ kể lại, bài hát được sáng tác cuối năm 1944.
Theo nhà hoạt động cách mạng Vũ Quý, khi sáng tác Tiến quân ca, Văn Cao chưa biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố ga, hàng bông, bờ hồ. Văn Cao cũng chưa gặp chiến sĩ cách mạng, không biết họ hát thế nào. Vì vậy, ông đã nghĩ cách viết bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được. Ông trăn trở, tìm âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc con phố Hà Nội. Từ đó, ông viết những nét nhạc đầu tiên của Tiến quân ca.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi là người đầu tiên xướng âm, nhạc điệu bài hát. Trang văn nghệ đầu tiên của báo Độc lập đã in bài hát bằng bản in đá do Văn Cao viết. Ngày 17/8/1945, ngọn cờ đỏ sao vàng được buông từ bao lơn Nhà hát lớn xuống. Bài hát Tiến quân ca vang lên giữa bầu trời Hà Nội.
Triển lãm cũng trưng bày các bản thảo bài hát ra đời trong cuộc vận động sáng tác bài Quốc ca mới đầu thập niên 1980 của thế kỷ XX. Có hàng nghìn bài dự thi, nhưng không ca khúc nào thay thế được Tiến quân ca.
Khu vực Quốc huy trưng bày bản thảo được chỉnh sửa cuối để trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I, tháng 9/1955. Biểu tượng Quốc huy có hai bó lúa chín uốn cong, màu vàng sẫm, trên nền vàng tươi, tượng trưng cho nông nghiệp. Một bánh xe răng cưa đặt ở giữa hai bó lúa về phía gốc, màu vàng tươi, tượng trưng cho công nghiệp. Một băng đỏ, có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quấn bánh xe và hai bó lúa với nhau. Trong lòng là hình Quốc kỳ nền đỏ thắm, sao vàng.
Tại khu vực này có Bản sắc lệnh năm 1956 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam. Nhiều hình ảnh và thân thế, sự nghiệp, quá trình sáng tác Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước, được trưng bày.
(Theo Vnexpress)