Nhiều mô hình điểm được xây dựng và phát triển; một diện mạo đời sống văn hóa có nhiều điểm nhấn đang hiện hữu, góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân.
Những mô hình điểm
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết, từ sớm Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ". "Sở đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng tạo động lực phát triển các lĩnh vực của Ngành. Đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững"…", ông Trung cho biết.
Bên cạnh việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, Bắc Ninh đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao chất lượng các danh hiệu trong Phong trào TDĐKXDĐSVH; hưởng ứng chủ đề công tác năm 2022 của ngành. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo, thực hiện các nội dung hương ước, quy ước phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế của từng địa phương nhằm phát huy giá trị, đưa hương ước, quy ước thực sự đi vào cuộc sống.
"Bắc Ninh đã xây dựng và định hình nhiều mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở", ông Trung nói. Tiêu biểu phải kể đến mô hình "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề làng tranh dân gian Đông Hồ" tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Suốt từ năm 1990 đến nay, nghề làm tranh Đông Hồ tồn tại trong cảnh hiu hắt, cả làng chỉ còn 2 - 3 hộ gia đình "bám" nghề. Trước nguy cơ nghề cũ thất truyền, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đầu tư gần 3 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ với khu nhà sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu trưng bày sản phẩm phục vụ du khách. Đến nay, Trung tâm là nơi bảo tồn, lưu giữ tranh Đông Hồ lớn nhất cả nước và là địa chỉ quen thuộc của những người yêu quý dòng tranh dân gian này.
Thôn Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành cũng tạo điểm nhấn với mô hình "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Trống quân". Là loại hình nghệ thuật dân gian tồn tại hơn 700 năm, hát trống quân Bùi Xá đến nay vẫn được người dân thôn Bùi Xá bảo tồn và phát huy thành nét đẹp văn hóa tinh thần của vùng đất Kinh Bắc.
Từ năm 1993, với tâm huyết bảo tồn loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng, người dân Bùi Xá đã thành lập CLB Trống quân Bùi Xá. Ban đầu Câu lạc bộ chỉ có 5 người nhưng đến nay đã có 28 thành viên. Trước thực trạng đó, Sở VHTTDL lập hồ sơ công nhận nghệ thuật hát trống quân làng Bùi Xá vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1.2016.
Trên vùng quê Kinh Bắc còn có nhiều mô hình điểm đang tạo hạt nhân lan toả niềm tự hào, ý thức giữ gìn truyền thống như mô hình "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa" ở thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ; thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong với phong trào khuyến học; khu Viêm Xá, Hòa Long, TP Bắc Ninh trong "Bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh"; thôn Phúc Lâm, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành trong việc "Tiếp tục đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT"; thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) trong "Duy trì và phát huy nếp sống văn minh trong việc tang"; thôn Lương Xá (xã Phú Lương) với mô hình "Tiếp tục đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT"; thôn Tuyên Bá, xã Quảng Phú trong việc "Duy trì và phát huy nếp sống văn minh trong việc tang" …
"Điểm tựa" từ những giá trị truyền thống
Nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở cũng đã được xây dựng, phát triển từ nền tảng là những giá trị văn hóa truyền thống. Tại tỉnh miền núi Yên Bái, mô hình các CLB Nghệ thuật được thành lập đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thông qua nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các làn điệu dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Tiêu biểu có thể kể đến như CLB nghệ thuật Người cao tuổi; CLB nghệ thuật Cựu chiến binh; CLB nghệ thuật Cựu giáo chức; CLB nghệ thuật Trường Sơn; CLB nghệ thuật Hoa Ban; CLB nghệ thuật Hoa Tây Bắc; CLB sân khấu dân tộc; CLB hát dân ca dân tộc Tày; CLB hát Khắp Coọi... Sở VHTTDL Yên Bái cho biết, trong công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, các mô hình "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống" có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Trong đó, mô hình về triển khai thực hiện hoạt động công tác bảo tồn trên địa bàn tỉnh được đặc biệt chú trọng.
Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030" được xây dựng với nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng và hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội gắn với phát triển du lịch nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc...
Từ những giá trị văn hóa truyền thống được đồng bào các dân tộc gìn giữ, phát triển, các mô hình, đề án bảo tồn cũng đã được địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái xây dựng, có thể kể đến mô hình Bảo tồn một số làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, trong đó có dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Bảo tồn một số làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, trong đó có dân ca, dân vũ dân tộc Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn; Mô hình tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái ; Mô hình Đổi mới các phương thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân; Mô hình Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở; Mô hình thiết chế văn hóa cơ sở tiêu biểu…
Sở VHTTDL Yên Bái cho biết, chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" đã được tổ chức thực hiện với nhiều nội dung phong phú; với các nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa, phát triển nguồn nhân lực ngành VHTTDL theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76/KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Bức tranh nhiều chuyển biến trong đời sống văn hóa cơ sở đã được thể hiện rõ nét qua sự nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trên địa bàn khi tham gia phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao hoạt động sôi nổi, nhiều hoạt động được đổi mới, quy mô và hình thức tổ chức phong phú, tạo sức lan tỏa trong nhân dân.
(Theo VHO)