Đặc sắc đám cưới người Dao đỏ ở Khai Trung

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2022 | 4:12:17 PM

YênBái - Trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao đỏ (xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), lễ cưới có vai trò trọng đại không chỉ đối với đôi trai gái mà còn với cả hai bên gia đình, dòng họ; chứa đựng nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tinh thần.

Dân tộc Dao đỏ ở Lục Yên

Việt Nam là quốc gia có số lượng người Dao đông thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hiện nay, người Dao là một trong 54 anh em dân tộc của Việt Nam, dân số hơn 891.000 người, đứng thứ 9 trong các dân tộc thiểu số. 

Người Dao cư trú xen kẽ với các dân tộc người Mông, Tày, Nùng, Thái, Mường và Kinh. Phạm vi cư trú của người Dao ở Việt Nam phủ khắp các tỉnh biên giới (Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Lai Châu) và trung du ven biển Bắc Bộ, chạy dọc theo biên giới Việt Lào đến miền núi Nghệ An và Hà Tĩnh.


Người Dao có tên dùng trong giới nghiên cứu dân tộc quốc tế là Yao hay Iu Mien. Họ tự gọi dân tộc mình là Dìu Miền; viết và đọc theo tiếng Hán là Dao Nhân, tức là người Dao. 

Tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, dân tộc Dao có khoảng 16.216 người, dân số đông thứ ba trong 18 dân tộc trong huyện (đứng sau dân tộc Kinh và Tày). Người Dao Lục Yên được chia làm hai nhóm: Dao Quần trắng và Dao đỏ chiếm đa số; cư trú sinh sống tập trung ở hai khu vực khác nhau.

Nếu người Dao đỏ sinh sống chủ yếu ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc thì người Dao Quần trắng lại chủ yếu hai bên bờ sông Chảy thuộc phía Nam của huyện Lục Yên. Họ sống tập trung đông nhất ở các xã như: Tân Phượng, Khai Trung, Phúc Lợi, Tân Lĩnh và Tô Mậu. 

Do có nền văn hóa lâu đời và phong phú, người Dao ở Lục Yên nói riêng có các hình thức sinh hoạt ca hát, các loại truyện cổ, những điệu múa dân gian trong dịp tết Nguyên đán và lễ cấp sắc, các loại hoa văn trang trí thêu thùa, kho tàng tri thức dân gian về thời tiết, chữa bệnh,... 

Dù sống phân tán, nhưng người Dao rất trân trọng đám cưới nhằm lưu giữ giá trị văn hóa cổ truyền, luôn quan tâm truyền dạy và tạo điều kiện kế thừa, phát huy những đặc trưng văn hóa của mình. 

Độc đáo đám cưới người Dao đỏ

Bởi chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục nên việc bảo tồn những giá trị văn hóa trong đám cưới truyền thống là việc làm cần thiết góp phần làm phong phú những sinh hoạt văn hóa không chỉ riêng ở vùng cao Lục Yên.


Cô dâu người Dao đỏ Triệu Thị Nhuận, xã Khai Trung, huyện Lục Yên trong ngày trọng đại của mình. 

Đêm vui nhất là đêm trước lễ cưới khi ở nhà trai các chàng trai và cô gái trong những trang phục rực rỡ sắc màu, tay nắm tay nhau bước lên sàn diễn hát Páo Dung. Các cô gái e thẹn, ánh mắt lúng liếng ngồi cạnh nhau, đằng sau là các chàng trai với những nụ cười rạng rỡ, sẵn sàng nhập cuộc. Bên gái cử một đại diện hát khúc dạo đầu. Hát rằng:

"Bản em ở nơi núi cao lưng chừng mây

Anh có lên thì em sẽ ra tận cánh rừng để đón"…

Bên trai, một anh bước ra hát đáp lại. Với lời ca như trách móc, dỗi hờn:

"Đêm ngân tiếng chiêng, cồng

Rượu nồng say cạn chén

Vậy mà có em đâu

Làm mắt anh ngóng hoài…"

Đỡ lời bạn mình, một cô khác quay về phía các chàng trai, cô hát:

"Váy hoa em vừa dệt xong

Rượu đã dậy thơm nồng

Nương rẫy nhiều lúa gạo

Mùa trăng này sẽ bắt anh

Bắt anh về làm chồng…" 

Bắt về làm chồng, bắt về làm chồng

Được không các anh chàng ơi"…

Càng về khuya lời Páo Dung càng da diết, lũ trẻ mong mình lớn lên để được hát Páo Dung, người già như thấy mình trẻ lại, thần rừng, thần cây nghe nuốt lấy từng câu, cất vào lòng để rồi mai này nếu người Dao có quên hát Páo Dung thần sẽ nhắc lại…

Kết thúc đêm giao duyên của lứa đôi, sáng hôm sau, nhà trai cùng đoàn nhạc lễ với nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm chọe sang tới nhà gái xin đón dâu. 


Cô gái dắt cô dâu và che ô là đoàn nhà trai đến đón dâu, khi đó phù dâu chỉ đi sau, cô gái dắt cô dâu sẽ là người đưa cô dâu hành lễ và lạy tổ tiên sau đó.


Trong ngày trọng đại này, hầu hết phụ nữ Dao đỏ ở Khai Trung đều diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới. Trang phục của họ thường có áo, váy, khăn quấn đầu, dây lưng, tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ trên nền vải đen. 

Tùy theo phong tục của mỗi vùng Dao đỏ mà lễ ăn hỏi cũng có sự khác biệt. Với người Dao đỏ ở Lục Yên thì nhà trai mang gà, rượu, thịt sang nhà gái, số tiền thách cưới có thể là 20 hoặc 30 đồng bạc hoa xòe. Số bạc này được nhà gái chuẩn bị quần áo, tư trang đưa cô dâu về nhà chồng. 

Từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng một năm để cô gái phải thêu thùa quần áo cưới. Để báo hỷ cho khách đến dự đám cưới, hai bên gia đình dùng vỏ quả bầu khô cắt ra từng miếng nhỏ như hạt bầu nhuộm bằng màu hồng. 

Người thân thường cho hai miếng (nghĩa là người được nhận miếng vỏ bầu này được mời thêm một người nữa, thường là vợ hoặc chồng). Bao nhiêu khách thì chuẩn bị bấy nhiêu hạt (việc dùng vỏ quả bầu cắt nhỏ để báo hỷ có liên quan đến sự tích chuyện nạn hồng thủy của người Dao).

Đám cưới của người Dao được tổ chức bên nhà trai. Nhà gái sẽ báo nhà trai số khách đến dự cưới để nhà trai chuẩn bị tiếp đón. Sau khi ăn uống, đoàn đưa dâu đứng trước bàn thờ tổ tiên, hai ông quan lang hai bên thưa với tổ tiên việc cưới xin của gia đình và xin phép được đưa dâu sang nhà trai.

Đoàn nhà trai chọn giờ lành để đón dâu, đoàn nhà gái (gọi là Sình Cha) sẽ mang theo một chiếc hòm gỗ đựng đồ của cô dâu và chăn, gối, đệm là những tặng phẩm của người thân cô dâu để đi đến nhà trai (điều độc đáo nhất trong lễ cưới của người Dao đỏ là nhà trai không đến đón mà những người đại diện họ nhà gái sẽ đưa cô dâu đến tận nhà chú rể). 

Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đường để đội mũ và trùm một chiếc khăn lớn được thêu rất cầu kỳ, tỉ mỉ, sau đó người phù dâu phải che mặt cho cô dâu. 


Trong lễ cưới, cô dâu nổi bật với trang phục gồm khăn, mũ trùm kín đầu có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo. 


Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm độc đáo.

Theo phong tục, không để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ tạ tổ tiên. 

Nhà trai đợi giờ tốt cử một đoàn kèn Phằn tỵ, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Tại khu vực cổng, gần nhà trai sẽ dựng một chiếc lán, tại đây nhà gái và nhà trai làm lễ đón nhận dâu, bố mẹ cô dâu sẽ khoác miếng vải đỏ lên vai và cài cành hoa bằng bạc lên mũ cưới của cô dâu. 

Sau khi nghi lễ kết thúc cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn do nhà trai tổ chức mới được vào nhà, sau đó thầy cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình.

Không khí đám cưới cũng được chào mừng trên khắp bản làng với những bài ca chào bản, chào mừng đám cưới vui vẻ. Trước khi ra cửa đón dâu, đội nhạc lễ thổi những bài ca mừng cưới trong khi đi vòng ba lần trong nhà rồi ra ngoài đón đoàn Sình Cha nhà gái. Người thổi kèn đôi bên thổi bài chào đón khách và đưa cô dâu cùng đoàn Sình Cha vào nhà.

Ngoài các lễ hội, ngày Tết thì đám cưới cũng là dịp để phụ nữ Dao đỏ ở Khai Trung diện trang phục truyền thống. Trang phục của họ thường có áo, váy, khăn quấn đầu, dây lưng, tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật với màu đỏ trên nền vải đen. 


Đi cùng là Sình Cha, đến gần nhà trai khi cô dâu đã đội mũ cưới xong thì phù dâu dắt cô dâu đến nhà trai bằng một chiếc khăn. 

Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. 

Đám cưới truyền thống của người Dao đỏ xã Khai Trung, huyện Lục Yên thể hiện rõ bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, về đạo lý "uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên, với văn hóa dân tộc được đúc kết bao đời nay.

Việc gìn giữ đám cưới truyền thống cũng chính là cách người Dao đỏ dạy con cháu về lịch sử, dạy thế hệ sau về tình đoàn kết dân tộc, cùng nhau xây dựng một Khai Trung giàu mạnh, cuộc sống gia đình ấm no, bản làng ngày càng hạnh phúc. 

(Theo QĐND)

Tags Đặc sắc đám cưới người Dao đỏ Khai Trung Lục Yên

Các tin khác

Á quân "Người mẫu thời trang 2018" Vũ Linh sẽ đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi "Mister Grand International - Nam vương Hòa bình quốc tế 2022" diễn ra tại Cộng hòa Trinidad và Tobago.

Cảnh trong vở diễn “Antigone” của Sân khấu Lucteam. (Ảnh: Lại Tấn)

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V là cơ hội để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế thể hiện tài năng, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam và khu vực trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ca sĩ Beyonce dự một buổi lễ công chiếu phim ở Hollywood, Mỹ, ngày 9/7/2019. Ảnh tư liệu.

Sáng 16/11 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm quốc gia Mỹ đã công bố danh sách đề cử cho giải thưởng Grammy thường niên lần thứ 65.

Kim ấn

Kết quả đàm phán hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã ghi nhận thành công và các bên đang xúc tiến những bước tiếp theo để hồi hương chiếc kim ấn về Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục